Bạn nghĩ gì sau khi nộp bài thi, hoàn thành thêm 1 môn trong kỳ thi THPT Quốc gia ? Có thể là hào hứng vì làm hết veo, may mắn thì đề ra đúng mấy bài bạn ôn kỹ nhất; hoặc có thể là lo lắng và tiếc nuối vì không làm được hết, hay nhận ra mình gặp sai sót nào đó rồi. Đó là những tâm trạng thường thấy trong phòng thi.
Vậy còn ngoài kia, nơi ba mẹ, anh chị hoặc ông bà đang đứng chờ bạn thì sao nhỉ.
Cũng có rất nhiều câu chuyện được kể, những nỗi niềm được nói ra, là những lo lắng, hồi hộp và có thể cũng là niềm vui. Phụ huynh mà, ai cũng nhiều tâm sự lắm. Hôm nay, chúng tôi sẽ chọn câu chuyện của chị Tạ Thị Hương (Lò Đúc, Hà Nội) để kể.
Chị Hương có con trai đi thi tại điểm THPT Việt Đức. Người mẹ có dáng dấp nhỏ bé, ăn bận giản dị ấy xứng đáng là "một bà mẹ kiểu mẫu" trong lòng các cậu con trai. Vì không ở cùng con đã khá lâu, chị có nhiều tâm sự khó có thể trải lòng ra hết được.
Chị Tạ Thị Hương đưa con đến điểm thi từ rất sớm.
"Con muốn làm gì cũng được, mẹ sẽ cố gắng chiều hết"
Chẳng phải lần đầu đưa con đi thi nhưng hồi hộp cũng không kém gì con cả. 12 năm đèn sách chỉ trông chờ vào mấy ngày thi này thôi. Nếu được thi hộ là mình cũng vào làm bài hộ nó luôn rồi đấy.
Ngày xưa đi học mình thích theo Sư phạm mầm non hoặc cao đẳng Y dược, may mắn là cũng đỗ ĐH khá cao còn được học bổng toàn phần. Cũng mong muốn con trai sau này đạt được một phần như thế nhưng thực sự không biết con đam mê gì. Hồi điền đơn đăng ký nó thay đổi nguyện vọng đến mấy lần. Trong đầu cứ phân vân con học ngành này được không, ra làm nghề này được không?
Học gì cũng được miễn sao sau này con luôn mạnh mẽ vượt qua những sóng gió trong cuộc đời thôi. Kể cả con có không vào trường Kinh tế Quốc dân theo đúng nguyện vọng mẹ cũng vẫn rất tự hào về con trai mẹ.
Bố nó mất sớm. Nó mồ côi cha từ ngày mới học lớp 5. Hai mẹ con lại còn không ở gần nhau nên tình cảm có phần nào xa cách.
Mình làm cha làm mẹ nhưng chưa thực sự làm hết trách nghiệm đối với con nên cứ cảm thấy áy náy, day dứt. Nhiều khi phải nuốt nỗi buồn vào trong, đi làm tối ngày lo cơm áo gạo tiền mong các con đủ đầy. Có lẽ vì vậy mà mình khó thân thiết với con trai lắm. Hiếm khi hai mẹ con có thể ngồi tâm sự với nhau được lâu lâu, hỏi han con dạo này ở lớp thế nào, có đang thích bạn nào hay không?
Chị Hương và con trai là Đỗ Quang Khải (12A1 THPT Trần Phú).
Nó bảo nó muốn học Tài chính ngân hàng, ừ thì cho con thi ngân hàng. Nó bảo thi xong việc đầu tiên nó muốn làm là đi học đàn, ừ thì cho đi học đàn biết đâu sau này lại "cưa đổ" được bạn nào vì hát hay đàn giỏi.
Nói chung con muốn gì thì mẹ cũng cố gắng chiều hết. Tối hôm qua nó tâm sự bảo: "Con mong mẹ hãy tin tưởng ở con". Ừ thì mẹ luôn tin tưởng con, mẹ biết con trai mẹ sẽ làm tốt bằng hết tất cả khả năng của mình.
Nghĩ cũng thương, con trai thích người ta 3 năm rồi không dám nói
Cũng tối hôm qua thấy nó cứ hồi hộp mãi không đi ngủ, gặng hỏi thì nó mới kể… nó nhớ "bạn ấy". "Bạn ấy" của nó là một bạn gái xinh xắn cùng lớp năng động và rất cá tính. Con mình thì cũng không phải quá đẹp trai hay tài giỏi gì, chỉ được cái mác "học sinh giỏi cấp quận" là tự hào thôi nên chắc chả có gì nổi bật để lọt vào mắt xanh của "bạn ấy" cả.
Nghĩ kể cũng thương, thích thầm "bạn ấy" gần 3 năm trời rồi không dám tỏ tình với người ta. Tối hôm qua vẫn còn ngồi nghĩ vẩn vơ mong muốn "bạn ấy" hoàn thành bài thi thật tốt, đỗ được vào trường mình mong muốn.
Thiết nghĩ cũng hay, "người ấy" tự dưng lại trở thành nguồn động lực cho con trai mình cố gắng. Mình khuyến khích con cái yêu đương, quan tâm đến các bạn nữ nhưng nhìn nó thầm thương trộm nhớ "bạn ấy" cũng thấy thương. Lễ tết đạp xe xuống tận nhà bạn mãi đâu chung cư dưới khu Lĩnh Nam, đứng đợi vài tiếng bạn chả thèm mở cửa xuống gặp lại lóc cóc đi về. Hồi còn đi học mà được bạn nam nào quan tâm thế thì mình sướng lắm đây này.
Dạy con trai cũng phải có chiến thuật. Ăn mặc ra sao, cư xử như thế nào cho ga lăng, lịch sự. Mình nói con cứ nên tìm hiểu vài bạn nữa đi, con gái bây giờ nó hay thích kiểu "đồn có địch", nhỡ đâu khi thấy mình có đối tượng khác nó nghĩ lại mà xiêu lòng phải không?
Con cứ thích là được mẹ ủng hộ hết. Miễn sao "bạn ấy" cũng xinh xắn, trắng trẻo và ngoan ngoãn, biết điều là được. Những thứ khác mẹ chuẩn bị hết rồi. Mua sẵn hai cái nhà cho con trai và con gái. Sau này chỉ có dọn vào mà ở thôi.
Chị Hương rất vui mừng vì con trai đã hoàn thành môn thi đầu tiên khá tốt.
Tâm sự một hồi lâu thì tiếng trống báo hiệu hết giờ làm bài vang lên. Hòa lẫn trong những cái ôm, tiếng hỏi han động viên của nhiều phụ huynh khác, chị Hương hạnh phúc ôm chầm lấy con trai khi vừa mới bước chân ra khỏi cổng trường, vội vàng lau mồ hôi cho thằng bé. Có lẽ không gì có thể diễn tả sự hạnh phúc của chị khi nghe thấy câu nói: "Con làm bài ổn mẹ ạ. Làm được hết 70% bài thi. Mẹ cứ tin ở con".
Thực ra thì bố mẹ luôn có những điều khó nói, con cái lại luôn muốn được thấu hiểu. Cách dễ nhất để cả nhà cùng vui chính là hãy chăm chỉ nói chuyện, chia sẻ, thử đặt mình trong vị trí của nhau. Rồi bố mẹ sẽ dần dần tâm lý hơn, con cái cũng thoải mái hơn với những lựa chọn. Như câu chuyện của mẹ con chị Hương trong kỳ thi đang diễn ra vậy. Sẽ chẳng có gì khó khăn nữa nếu con cái luôn được ba mẹ "về phe" và chiều hết mực như thế này.