Ảnh: China Daily
BRICS đang hồi sinh?
Câu chuyện về BRICS bắt đầu từ một bài báo của chuyên gia kinh tế Jim O’Neill xuất bản tháng 11/2001. Trong bối cảnh thế giới đang đối phó với hậu quả từ vụ nổ bong bóng dot-com và vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ, vị chuyên gia của Goldman Sachs Asset Management đã nêu bật tiềm năng to lớn của nhóm BRIC, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Sau này, Nam Phi cũng gia nhập, tạo nên nhóm BRICS.
Ông lưu ý rằng tốc độ tăng trưởng GDP của nhóm này có thể sẽ tăng nhanh trong nhiều thập kỷ tiếp theo. Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế thần tốc. Và dự đoán đó của ông đã trở thành hiện thực.
Theo báo cáo được công bố trên Countercurrents.org trích dẫn dữ liệu từ Acorn Macro Consulting, 5 quốc gia BRICS cùng nhau đóng góp gần 31,5% GDP toàn cầu. Con số này “vượt mặt” các nước G7 (bao gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Italy, Đức và Nhật Bản) với 30,7%. BRICS được dự đoán sẽ đóng góp hơn 50% GDP toàn cầu vào năm 2030.
Đóng góp GDP toàn cầu của BRICS vượt G7. Nguồn: IMF
Sự vươn lên của BRICS diễn ra vào thời điểm phương Tây đang phải vật lộn với những đám mây suy thoái. Áp lực lạm phát cùng việc tăng lãi suất không ngừng của các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tác động mạnh đến phương Tây.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Vương quốc Anh tăng trưởng âm. Mỹ được kỳ vọng là nền kinh tế hoạt động tốt nhất trong số các quốc gia G7, với mức tăng trưởng dự báo gần 2%.
Mặt khác, Ấn Độ và Trung Quốc thuộc BRICS dự kiến sẽ dẫn đầu tăng trưởng toàn cầu trong năm nay. Cả hai nền kinh tế châu Á có thể sẽ đạt mức tăng trưởng từ 5% đến 7% trong năm 2023.
Xét trên một số phương diện khác ngoài kinh tế, BRICS còn chiếm 30% diện tích đất trên thế giới, 41% dân số và 16% thương mại toàn cầu.
Quốc kỳ của các quốc gia thành viên BRICS. Ảnh: Getty Images
Một bài học cho phương Tây
Mặc dù thế giới kỳ vọng BRICS sẽ phát triển mạnh về kinh tế, ít ai cho rằng tổ chức này sẽ thành một nhóm thống nhất. Vì mỗi quốc gia có một chế độ và cấu trúc kinh tế đặc trưng riêng.
Nhưng nhóm 5 quốc gia này coi liên minh kinh tế giữa họ là cơ hội để mở rộng ảnh hưởng toàn cầu. Họ hướng tới việc tạo ra một giải pháp thay thế cho phương Tây và đang dần đạt được những tiến bộ theo mục tiêu đó.
Việc Nam Phi gia nhập BRICS vào năm 2010– khi đó là nền kinh tế lớn nhất của châu Phi – đã tiếp thêm sức mạnh cho nhóm này. Đến năm 2014, ngân hàng phát triển New Development Bank (NDB) được thành lập với mô hình giống với Ngân hàng Thế giới (World Bank). Kể từ khi bắt đầu hoạt động năm 2015, NDB đã phê duyệt các khoản vay trị giá hơn 30 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Gần đây, các thành viên của BRICS đang thảo luận về thương mại “phi đô la hóa”, với nhiều kỳ vọng về loại tiền tệ chung mới của nhóm. Một số chuyên gia cho rằng loại tiền tệ của BRICS có khả năng “soán ngôi” đồng USD của Mỹ, hoặc ít nhất sẽ làm lung lay vị thế đứng đầu của nó.
Hơn nữa, BRICS đang là nền tảng hợp tác trong nhiều vấn đề, bao gồm biến đổi khí hậu, quản trị toàn cầu và phát triển. Trên thực tế, hàng chục quốc gia đã bày tỏ mối quan tâm đến việc gia nhập BRICS. Những đề xuất sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh tháng 8 tới của nhóm ở Nam Phi.
Các nhà lãnh đạo 5 quốc gia thành viên BRICS. Ảnh: Wiki
Mặc dù khuôn khổ thể chế của BRICS vẫn cần thời gian để phát triển và hoàn thiện, nhưng động lực chính của BRICS và những người ủng hộ nhóm này vẫn không đổi. Đó là sự bất bình.
Các nền kinh tế đang phát triển bất bình trước những điều kiện nặng nề mà phương Tây áp lên họ. Việc phương Tây chưa cải cách quản trị toàn cầu đang tạo cơ hội cho các giải pháp thay thế hấp dẫn hơn từ BRICS.
Mặc dù chặng đường BRICS hiện thực hóa tham vọng của họ vẫn còn xa, tuy nhiên, sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của nhóm này là một bài học quan trọng đối với phương Tây. Họ sẽ phải thay đổi, nếu muốn duy trì trật tự toàn cầu hiện tại.
Tổng hợp