Vừa đặt một set cành hồng với giá 150.000 đồng, chị Thu Trang ở Hoàng Mai (Hà Nội) cho hay, do dịch bệnh, Hà Nội phải thực giãn cách, làm việc online tại nhà nên chị đã đặt mua một cành hồng về cắm để cả gia đình cùng ngắm thay hoa. Thú vị hơn, cả nhà sẽ được theo dõi quả chín dần trên cành ngay tại nhà mình, rồi khi chín đỏ rực, rụng xuống có thể thưởng thức ngay.
Cành hồng hiện được một số cửa hàng bán hoa gom đơn đặt, bán trên thị trường với nhiều mức giá khác nhau. Có nơi bán giá 70.000 đồng một cành to nặng 2,5-3kg; có nơi bán theo set với giá 150.000 đồng và 230.000 đồng, tùy số lượng.
Vừa gom đơn của khách đặt cành hồng với giá 160.000 đồng mỗi set, chị Mai Trang ở Tây Hồ (Hà Nội) đã phải dừng nhận đặt do số lượng đã lên đến gần 100 set.
Theo chị Trang, cành hồng có thể cắm chơi từ nay đến Tết Trung thu, vì ship hàng thời gian này khá khó khăn nên chị không dám nhận quá nhiều, do đó cứ vài ngày sẽ gom một đợt, và chỉ gom số lượng không vượt quá 100 set.
Cành hồng Nhân Hậu được cắt từ vườn ở Lạng Sơn rồi vận chuyển về Hà Nội.
Cũng bán cành hồng nhiều năm nay ở Hà Nội, chia sẻ với PV Infonet, chị Phạm Thị Thơm, chủ Tiệm hoa Mộc Lan ở Hà Nội cho biết: Cành hồng tại Tiệm hoa Mộc Lan nhập về là giống hồng Nhân Hậu của Lạng Sơn nên rất được khách hàng ưa chuộng, sau mỗi lần trả đơn cho khách số lượng lên đến hàng trăm cành.
Hiện tại vẫn còn rất nhiều khách tiếp tục hỏi đặt nhưng tôi chưa dám nhận vì sợ sẽ khó khăn hơn trong việc vận chuyển khi có những quy định mới về phòng dịch.
Theo chị Thơm, loại hồng Nhân Hậu này có quả to tròn, mượt và bóng đẹp; đặc biệt khi quả chín thì đỏ mọng, vị ngọt hơn so với các giống hồng khác.
Mỗi set cành hồng tại tiệm được bán với giá 150.000 đồng/set 3 cành và 230.000 đồng với set 5 cành.
Cành hồng cắm từ lúc quả già, sau đó quả hồng sẽ chuyển màu từ từ sang màu cam và chín đỏ.... thật hấp dẫn.
Mặc dù tiêu thụ hàng trăm cành mỗi đợt, nhưng theo chị Thơm, so với mọi năm, lượng tiêu thụ này kém hơn bởi dịch bệnh nên việc vận chuyển hàng về Hà Nội rất khó khăn, mất nhiều thời gian. Vì thế, cành hồng năm nay có quả vẫn rất đẹp nhưng lá không được mượt như mọi năm.
“Tôi bán cành quả hồng không hẳn là kiếm thêm thu nhập mà chủ yếu muốn giúp nhiều người có thời gian thư giãn khi đang giãn cách tại nhà. Cành hồng cắm từ lúc quả già, sau đó quả sẽ chuyển dần sang màu cam, rồi chín đỏ au và rụng xuống.
Ngắm sự thay đổi về màu sắc của quả khiến ai cũng thấy rất thú vị. Những đơn hàng đầu tiên của tôi là các anh chị trong giới họa sỹ. Cắm cành hồng không chỉ là cắm những cành quả, mà nó là cả một không gian nghệ thuật tuyệt vời”, chị Thơm cho hay.
Cành hồng được khách hàng của Tiệm hoa Mộc Lan cắm tại nhà rất đẹp mắt.
Chị Thơm cũng cho biết, cành hồng có thời gian cắm chơi khá bền. Nếu cắm cành già, quả còn xanh thì được khoảng nửa tháng, còn nếu cành quả đã chuyển màu vàng thì có thể cắm chơi được một tuần.
“Cắm cành hồng trong tiết trời tháng 8 sẽ có cảm giác mang chút không khí mùa Thu vào nhà. Khi chơi cành hồng phần lớn khách sẽ tỉa hết lá đi, chỉ còn để lại cành và quả, có chăng chỉ để lại 2-3 lá trên cành, tạo cảm giác cây trút lá...”, chị Thơm nói.
Không chỉ được ngắm những quả hồng vàng ruộm rồi chuyển qua màu đỏ, người chơi cành hồng còn được thưởng thức quả lúc nó chín với vị ngọt lịm... ngay tại nhà.
Đáng chú ý, cành hồng Nhân Hậu thường sẽ có từ giữa tháng 7 âm lịch và kéo dài đến hết tháng 8 âm lịch. Sau đó, sang tháng 10 sẽ có mùa gối vụ bằng giống hồng ngâm, loại hồng này khi cắm quả cũng sẽ chuyển màu, chín nhưng ăn sẽ không ngon như hồng Nhân Hậu.
Theo chị Thu Hồng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cắm cành hồng là kinh tế nhất, vừa được ngắm những quả hồng vàng ruộm rồi chuyển qua màu đỏ, vừa lại được canh hồng chín để có thể thưởng thức vị ngọt lịm là một điều thật tuyệt.