Câu chuyện về số mệnh kỳ lạ của vị quan đời Đường dưới đây chính là minh chứng cho quy luật nhân quả ấy.
Dưới thời vua Đường Hiến Tông, triều đình nhà Đường từng có một vị quan đại thần tên là Bùi Độ, làm quan tới chức Tể tướng.
Khi còn trẻ, vị quan này đã từng phải sống trong cảnh nghèo khó vô cùng. Dù học thức uyên bác nhưng chưa gặp thời thế, ông chỉ có thể dạy học tại một trường tư ở thôn quê để mưu sinh qua ngày. Tới năm 25 tuổi, Bùi Độ vẫn chưa có trong tay công danh sự nghiệp, cuộc sống cũng chẳng hề có lấy một chút khởi sắc.
Ngày nọ, ông vô tình bắt gặp một vị thiền sư đang xem tướng ở trước cổng chùa. Chờ tới lúc người đã vãn, Bùi Độ mới lặng lẽ tiến tới, nhờ vị thiền sư ấy xem vận mệnh giúp mình.
Thiền sư nhìn gương mặt của ông hồi lâu, chỉ lắc đầu và nói:
"Thí chủ trời sinh đã mang mệnh nghèo khổ, kiếp này chẳng có hy vọng đỗ đạt gây dựng công danh, hơn nữa thí chủ lại có ánh mắt láo liên, đường gân chạy vào chỗ miệng, đấy là tướng số của kẻ ăn xin đầu đường, chết trong đói khổ".
Bùi Độ nghe xong thì vô cùng buồn lòng, nhiều ngày ủ rũ, ngay tới việc dạy học kiếm sống cũng chẳng có động lực.
Tướng mạo của Bùi Độ năm xưa từng bị nhận định là hung tướng. Tướng mạo này cũng bị xem là khó có thể đem lại cho ông cuộc sống như ý. (Tranh chân dung Bùi Độ: Nguồn Baike).
Mấy ngày sau, ông đến chùa Hương Sơn vãn cảnh, tình cờ bắt gặp một vị phu nhân đang quỳ gối ở nơi Phật đường để cầu nguyện. Một lúc sau đó, người này vội vã rời đi, bỏ quên ở bên cạnh nệm quỳ một tay nải.
Bùi Độ thấy vậy bèn tiến tới cầm tay nải lên, mở ra liền thấy bên trong là một chiếc đai lưng nạm ngọc và sừng tê giác vô cùng quý giá.
Ông thầm nghĩ vị phu nhân kia mất đi vật này sẽ hết sức lo lắng, vì vậy liền chờ ở Phật đường cả ngày trời để trả lại đồ cho người đánh mất.
Tới buổi chiều muộn ngày hôm ấy, người phụ nữ kia mới hớt hải quay lại, nhìn thấy nơi Phật đường chẳng có chiếc tay nải nào, liền đau lòng khóc lớn.
Khi Bùi Độ tiến tới hỏi thăm, bà mới nghẹn ngào kể lại:
"Cha tôi đang lâm bệnh nặng, gia sản nay đã cạn kiệt, hôm qua tôi mời tới danh y thì bệnh tình của ông mới có chút khởi sắc. Vì vậy sáng sớm hôm nay tôi liền chạy tới nhà họ hàng mượn một chiếc đai ngọc, định bụng sẽ đem đi cầm cố để lấy tiền thuốc thang.
Lúc đi ngang qua ngôi chùa này, tôi liền bước vào cầu nguyện, ngờ đâu lại nóng vội mà bỏ quên tay nải có chiếc đai ấy, khi về tới nhà mới biết.
Nếu không tìm được nó, không có tiền chữa bệnh, cha tôi nhất định sẽ không sống nổi, trong nhà còn mẹ già và em dâu cần chăm lo, tôi thật chẳng biết làm sao bây giờ".
Bùi Độ nghe xong liền đem tay nải trả lại cho bà, sau đó khoan thai rời đi trong sự biết ơn khôn xiết của người kia.
Việc Bùi Độ trả lại cho vị phu nhân lạ mặt chiếc đai ngọc quý giá không chỉ giúp gia đình người này thoát khỏi cảnh khó khăn mà còn khiến ông có cơ hội thay đổi vận mệnh của chính mình. (Tranh minh họa).
Trên đường về nhà, ông tình cờ gặp lại vị thiền sư xem tướng cho mình hôm trước. Người này vừa nhận ra Bùi Độ đã nhanh chóng gọi ông lại, phấn khởi nói:
"Thí chủ chắc hẳn vừa làm được một công đức rất lớn. Tôi nhìn tướng mạo của cậu bây giờ, thấy được cậu đời này chẳng những không phải lo việc áo cơm mà còn có phúc báo, nhất định sẽ được làm quan lớn".
Bùi Độ có phần kinh ngạc, liền mang chút hoài nghi mà hỏi lại: "Thiền sư đang an ủi tôi phải không? Vì sao lời nói hôm nay của ngài lại khác xa với hôm trước tới vậy?".
Thiền sư đáp rằng:
"Thân cao bảy thước chẳng bằng gương mặt bảy tấc, gương mặt bảy tấc chẳng bằng chiếc mũi ba tấc, mà chiếc mũi ba tấc cũng chẳng thể so được với một tấm lòng.
Người làm công đức, tướng mạo trên gương mặt sẽ dần thay đổi, cho nên việc thiện của ngài nhất định sẽ giúp ngài có được phúc lộc, đó là điều không thể nghi ngờ".
Hình minh họa: Nguồn Internet).
Một thời gian sau, Bùi Độ quả nhiên đã thi đỗ Tiến sĩ và được vào kinh làm quan. Nhờ đường quan lộ suôn sẻ, ông nhanh chóng lên tới chức Đại học sĩ chỉ trong vẻn vẹn 10 năm, sau đó còn được phong làm Tể tướng.
Chẳng những gặp nhiều may mắn trên chính trường, việc Bùi Độ nhận được phúc báo càng khiến nhiều người thêm tin tưởng nhờ giai thoại gặp dữ hóa lành nổi tiếng năm xưa.
Tương truyền rằng Tiết Độ Sứ Vương Thừa Tông và Lý Sư Đạo khi xưa cấu kết cùng phản loạn, liên tiếp sát hại nhiều đại thần trong triều, Bùi Độ cũng trở thành mục tiêu của bè lũ này sau cái chết của Tể tướng Vũ Nguyên Hành.
Trong lần tập kích định mệnh ấy, thích khách đã chém xuống ba nhát kiếm chí mạng nhưng vẫn không thể lấy mạng ông.
Nhát kiếm thứ nhất chỉ chém đứt dây giày của Bùi Độ, kiếm thứ hai đâm chúng phần lưng nhưng chỉ khiến ông bị rách y phục, còn kiếm thứ ba đâm trúng đầu, nhưng lại vướng mũ quan nên chỉ làm ông bị thương nhẹ.
Sau đó Bùi Độ được thân tín mở đường máu thoát thân, lại vô tình ngã xuống một mương nước nên đã thoát khỏi truy kích của bè lũ phản loạn.
Khi biết được chuyện này, ngay tới Thiên tử đương triều cũng đã phải thừa nhận rằng:
"Bùi Độ có thể thoát hiểm, tất cả đều nhờ vào ý trời".
Dân chúng bấy giờ càng tin rằng ông có thể gặp dữ hóa lành vốn là nhờ vào phúc báo từ việc làm hành thiện tích đức năm xưa.
Kể từ sau đó, danh tiếng của Bùi Độ càng trở thêm vang xa, ngay tới các nước lân bang đều biết tới tên tuổi của ông.
Bùi Độ cả đời tận tụy, trở thành đại thần phụng sự tới 4 đời Hoàng đế nhà Đường. Nhờ vào phẩm đức của ông, cả 5 người con trai đều được triều đình phong cho tước vị, có người còn làm tới chức Tiết độ sứ, Hình bộ Thị lang. Gia tộc Bùi Độ cũng nhờ đó mà trở thành danh gia vọng tộc có tiếng nói trong chốn quan trường.
*Theo chuyên trang Phật giáo Trung Quốc