Cậu bé sinh ra trong phú quý
Ở một vương quốc nọ, có gia đình phú ông mới sinh được một bé trai khỏe mạnh. Kỳ lạ thay, khi cậu bé vừa cất tiếng khóc chào đời, trên trời đột nhiên rơi xuống rất nhiều vàng bạc, trân châu, mã não, hổ phách, lưu ly…
Những thứ châu báu này lại chỉ rơi đúng vào sân nhà của vị phú ông ấy. Thấy điềm này, phú ông vừa mừng vừa sợ, vội vàng đi mời một thầy tướng số nổi tiếng tới xem con trai mình.
Vị thầy tướng số này quan sát tỉ mỉ hồi lâu, sau đó vừa kinh ngạc, vừa vui mừng nói:
"Gương mặt và đôi tay của lệnh công tử vô cùng đặc biệt, ngay cả tôi cũng là lần đầu nhìn thấy. Cậu bé này lớn lên nhất định sẽ đem phúc cho quý phủ".
Phú ông vô cùng vui mừng, đặt tên cho con trai mình là Bảo Thiên. Kể từ đó, hai vợ chồng ông dồn hết tâm sức để nuôi dưỡng, giáo dục cậu quý tử trời ban của mình.
Ít ai biết rằng, kiếp trước của cậu quý tử giàu sang ấy lại là một người vô cùng nghèo khổ. (Tranh minh họa: Nguồn Internet).
Thấm thoát mười mấy năm trôi qua, Bảo Thiên đã trở thành một chàng trai trưởng thành. Nhờ sự dưỡng dục của cha mẹ, cậu rất đa tài đa nghệ, thấu hiểu lễ nghĩa, lại thêm dáng vẻ anh tuấn nên được rất nhiều cô gái thầm mến.
Nhưng bất kể nhà nào tới cầu hôn, Bảo Thiên đều một mực từ chối. Việc này khiến cả cha mẹ cậu vừa bất mãn, cũng vừa lo lắng.
Xuất gia
Trong một lần ra phố, Bảo Thiên vô tình nghe thấy hai người đi đường bàn luận về Đức Phật và Phật pháp.
Cậu hết sức ngạc nhiên, liền quyết định âm thầm đi theo hai người ấy suốt cả một đoạn đường dài để lắng nghe câu chuyện.
Trước kia, Bảo Thiên từng nghe qua về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật pháp, nhưng chỉ khi nghe được những lời đàm luận của hai người lạ trên đường, cậu mới càng thêm thấu hiểu.
Sau khi về tới nhà, Bảo Thiên nằm trên giường hồi lâu, lẳng lặng hồi tưởng lại cuộc nói chuyện của hai người nọ, thậm chí chú tâm tới mức bỏ cả ăn tối. Qua một đêm suy nghĩ, cậu quyết định đi theo Đức Phật để tu tập Phật pháp.
Dự định ấy khiến Bảo Thiên vô cùng vui vẻ. Thậm chí còn chưa kịp đợi đến lúc trời sáng, cậu đã gọi cha mẹ thức dậy để nói chuyện.
Điều nằm ngoài dự liệu là cha mẹ Bảo Thiên không hề ngăn cản, chỉ nói với cậu rằng: "Nếu con đã hiểu rõ lời của mình, vậy hãy thực hiện ngay đi!".
Sáng hôm đó, khi hừng đông mới ló rạng, Bảo Thiên mặc một bộ đồ mới rồi rời khỏi nhà. Vợ chồng phú ông tiễn cậu ra khỏi cửa, lẳng lặng nhìn theo cho tới khi bóng dáng con trai dần khuất xa.
Bảo Thiên tìm đến chỗ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Sau khi hành đại lễ, cậu thưa rằng:
"Phật Tổ tôn quý, con đặc biệt tới nơi này xin được xuất gia tu hành, mong Người tác thành".
Đức Phật hiểu được tấm lòng của Bảo Thiên, gật đầu nói:
"Rất tốt! Rất tốt!"
Lời vừa mới dứt, tóc trên đầu, râu trên mặt Bảo Thiên đều biến mất, ngay tới bộ đồ trên người cũng đã đổi thành áo cà sa mới tinh. Giờ đây, Bảo Thiên đã chính thức trở thành một hòa thượng xuất gia.
Đức Phật để Bảo Thiên ngồi bên cạnh mình, giảng giả cho cậu những yếu nghĩa của Phật pháp, cũng giải đáp những câu hỏi mà cậu đặt ra.
Vì Bảo Thiên tư chất thông minh, lại được tỉ mỉ chỉ dạy nên chẳng mấy chốc đã nhìn thấy hồng trần, buông bỏ hết thảy mọi thống khổ, phiền não.
Cơ duyên từ tiền kiếp với nhà Phật đã đưa Bảo Thiên đến với con đường tu hành. (Tranh minh họa: Nguồn Internet).
Phúc đáp nhận được từ hành động trong kiếp trước
Thấy vị hòa thượng mới tu hành tiến bộ nhanh chóng tới vậy, các đệ tử của Đức Phật rất lấy làm ngạc nhiên. Bấy giờ, Đức Phật liền kể cho mọi người nghe một câu chuyện.
Chuyện kể rằng, rất lâu trước kia, Phật Tỳ Bà Thi cùng đệ tử đi khắp nơi truyền dạy Phật pháp. Rất nhiều cư sĩ đã chuẩn bị đủ mọi đồ dùng hàng ngày để cấp dưỡng cho tăng đoàn của Ngài.
Khi ấy, có một người thanh niên rất nghèo, mặc dù tâm rất thành kính, nhưng lại chẳng tìm nổi một thứ gì mang tới. Người ấy không biết làm sao, chỉ đành nhặt lên một nắm đá ở dưới đất, coi đó như trân bảo để bố thí cho Phật Tỳ Bà Thi và đệ tử.
Người này chính là kiếp trước của Bảo Thiên. Cũng như tấm lòng ấy mà cuộc đời của cậu đã được định sẵn là giàu sang phú quý, tài sản nhiều không đếm xuể, hơn nữa còn có duyên đi theo con đường tu tập.
Theo quan niệm của nhà Phật, giá trị của bố thí nằm ở hiệu quả tâm linh. Điều đáng quý của một món quà được cho đi không nằm ở số lượng, mà quan trọng là cách cho. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Cổ nhân có câu: "Tham lam là ngọn nguồn của bần hàn". Số phận nghèo khổ hay giàu có vốn không chỉ được quyết định bởi năng lực, mà còn dựa vào phúc đức mới thành.
Gia tài bạc triệu, ngày cũng chỉ ăn đến ba bữa. Nhà cửa vạn gian, đêm đi ngủ vẫn chỉ nằm trên chiếc giường sáu thước.
Suy cho cùng, thứ cân đo đong đếm sự giàu nghèo của con người không phải là của cải vật chất, mà là tinh thần, tâm tính.
Dù cho vật chất có thể chưa dư dả, nhưng nếu tinh thần luôn biết cách tu dưỡng, vậy thì cuộc sống dù cho còn đạm bạc, ta vẫn sẽ cảm thấy an yên, hạnh phúc.