Tàu ngầm ARA San Juan của hải quân Argentina đã mất tích trên Đại Tây Dương khi di chuyển từ căn cứ Ushuaia đến thành phố Mar del Plata với 44 thủy thủ. Nước này đã ngay lập tức triển khai chiến dịch tìm kiếm với sự hỗ trợ từ Anh, Mỹ, Brazil, Chile và Uruguay.
Hôm qua, hãng tin Sputnik (Nga) cho biết, Hải quân Mỹ đã triển khai các thiết bị ngầm hoạt động độc lập để tăng cường tìm kiếm tàu ngầm San Juan. Cụ thể, đó là thiết bị Bluefin 12D (Deep) UUV có thể tìm kiếm ở độ sâu 1,5 km trong 30 giờ với tốc độ 5,6 km/giờ.
Ngoài ra, họ sẽ sử dụng 3 thiết bị không người lái Iver 580 UUV, có thể hoạt động trong 14 giờ ở độ sâu khoảng 100 mét. Mỹ cũng đã gửi các thiết bị ngầm đặc biệt khác và 1 máy bay tìm kiếm tới hỗ trợ.
Các sĩ quan Hải quân Hoàng gia Anh trên tàu tuần tra HMS Protector đang hỗ trợ Argentina tìm kiếm tàu San Juan mất tích. (Ảnh: News.com.au)
Theo Tiến sĩ Khoa học Quân sự Konstantin Sivkov, thành viên Học viện nghiên cứu và pháo binh Nga, việc sử dụng các loại thiết bị tự hành dưới nước sẽ làm tăng đáng kể cơ hội để tìm ra tàu ngầm.
"Khi chiếc tàu ngầm bị chìm, tất cả thành viên trên tàu đều hi sinh, tất cả các cơ chế đều ngừng hoạt động, việc tìm kiếm tàu ngầm bằng cách sử dụng công cụ tìm kiếm truyền thống trở nên vô dụng. Nếu nó nằm trên mặt đất, các sonar hoạt động cũng khó có khả năng đem lại lợi ích bởi phản hồi của mặt đáy biển không bằng phẳng sẽ giấu kín tàu ngầm.
Vì vậy, cách duy nhất còn lại là phương pháp tìm kiếm thị giác hoặc tìm kiếm thủy âm (hydroacoustic). Đây là những khả năng hiện có của những thiết bị ngầm không người lái, chỉ có những thiết bị này mới làm tăng đáng kể cơ hội tìm ra chiếc tàu ngầm Argentina" - ông Konstantin Sivkov nói.
Theo ông Enrique Balbi, người phát ngôn hải quân Argentina, chiến dịch tìm kiếm tàu ngầm San Juan đã kéo dài 5 ngày và đang bước vào "giai đoạn quyết định", do lượng oxy trên tàu San Juan có thể sắp hết.
Ông Balbi cho biết, trên tàu ngầm có lượng thực phẩm và nhiên liệu đủ dùng cho 90 ngày, cũng như lượng oxy đủ cho 30 ngày hoạt động nếu nổi trên mặt nước. Tuy nhiên, khi tàu ngầm lặn liên tục thì lượng oxy chỉ đủ cho các thành viên thủy thủ đoàn sống sót trong vòng 7 ngày.
Do 5 ngày đã trôi qua kể từ khi tàu ngầm San Juan mất tích nên lực lượng cứu hộ chỉ còn lại 2 ngày để tìm kiếm con tàu này.
San Juan là một trong 3 tàu ngầm của Hải quân Argentina. Tàu ngầm này dài 65 m, rộng 7 m do Đức sản xuất và được nâng cấp từ năm 2007-2014 để có thể kéo dài thời gian hoạt động thêm 30 năm.
Vị trí cuối cùng của tàu San Juan trước khi mất tích được xác nhận là ở cách bờ biển phía nam của Argentina khoảng 432 km vào sáng sớm ngày 15/11.
Bộ Quốc phòng Argentina cho biết cơ quan này đã nhận được 7 cuộc gọi vệ tinh thất bại vào cuối buổi sáng và đầu buổi chiều ngày 18/11 với thời lượng kéo dài từ 4-36 giây và nghi rằng đây có thể là tín hiệu phát đi từ tàu ngầm San Juan.
Tuy nhiên, hy vọng về cơ hội sống sót của 44 người trên tàu ngầm San Juan ngày càng ít đi khi giới chức hải quân Argentina thông báo, các cuộc gọi vệ tinh mà Bộ Quốc phòng nước này nhận được có thể không phải từ tàu ngầm mất tích.
Tới ngày 20/11, hệ thống định vị sóng âm (sonar) trên hai tàu tìm kiếm phát hiện các âm thanh như dùng đồ vật đập vào thân tàu ngầm. Vị trí thu tiếng ồn là ở Nam Đại Tây Dương, cách bờ biển Argentina 360 km, ở độ sâu 200 m.
Song, mới đây, kết quả phân tích cho thấy những âm thanh này không đến từ tàu ngầm San Juan
"Tiếng ồn được các chuyên gia phân tích và kết luận không bắt nguồn từ việc dùng đồ vật đập vào thân tàu ngầm như truyền thông đưa tin. Tiếng ồn dường như bắt nguồn từ một "sinh vật sống" - Hãng tin AP dẫn lời Enrique Balbi, người phát ngôn hải quân Argentina cho hay.