Việc XMXT Sài Gòn bỏ giải khiến nhiều người thất vọng và tiếc nuối. Song thất vọng nhất phải là… SLNA và người hâm mộ của đội bóng này. Theo điều 69 Quy định Kỷ luật của VFF và điều 5.6 trong Quy chế của giải V-League 2013 thì "Toàn bộ kết quả thi đấu của đội bóng này đối với đội bóng khác (nếu có) đều bị huỷ bỏ”.
Như vậy SLNA, đội đang trong cuộc đua giành chức vô địch, “bỗng dưng” bị trừ đi 6 điểm (kiếm được trước XMXT.SG). Vị trí của họ trên BXH cũng sẽ thay đổi, từ vị trí thứ hai sẽ rớt xuống vị trí thứ tư. Với đội bóng của HLV Nguyễn Hữu Thắng thì đây đúng là “họa vô đơn chí”. Nhưng ở một giải đấu vốn tiềm ẩn những bất thường như V-League thì cái “họa” này khó mà tránh được.
Còn nhớ sau trận đấu trên sân Thanh Hóa ở vòng 17 V-League, vị trưởng BTC đã nói ngay ở trên sân rằng bàn thắng gây tranh cãi ở phút 84 là hợp lệ. Nhưng ngay sau đó, ông đã phủ nhận điều này. Thật bất thường khi mà lập trường của một vị trưởng BTC giải lại xoay như chong chóng vậy! Hỏi sao bầu Đệ và CĐV Thanh Hóa lại không bất mãn và làm rùm beng lên.
Tiếp đó là vụ XMXT Sài Gòn bị trừ 4 điểm. Nó bắt nguồn từ việc Ban tư vấn đạo đức nhận được tin nhắn từ một số điện thoại di động, trong đó thông báo về kết quả trận đấu giữa XMXT Sài Gòn và K.Kiên Giang. Và mặc dù chẳng có thành viên nào của Ban tư vấn đạo đức có mặt ở trên sân để theo dõi XMXT Sài Gòn thi đấu cũng như chẳng có bằng chứng thuyết phục cho việc “bán độ” thì đội bóng của HLV Trần Tiến Đại vẫn nhận án phạt trừ 4 điểm. Thật là bất thường!
Việc XMXT Sài Gòn bỏ giải vì vậy mà có thêm lí do: “VPF và VFF đã không mang đến một sân chơi công bằng cho các đội bóng, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của nhà tài trợ” (trích thông cáo báo chí về việc rút khỏi giải V-League 2013 của XMXT Sài Gòn).
Mà đâu chỉ có mỗi XMXT Sài Gòn, ngay cả CLB K.Kiên Giang cũng đang đòi bỏ giải. Nguyên nhân cũng vì phát biểu của ông Phạm Ngọc Viễn về việc đội xếp thứ 11 sẽ phải xuống hạng khi XMXT Sài Gòn bỏ giải. Tuy nhiên theo điều lệ của giải thì trong trường hợp này, VFF phải tổ chức cuộc họp rồi mới đưa ra quyết định về số lượng đội xuống hạng. Phát ngôn của ông Viễn chẳng khác nào việc “cầm đèn chạy trước ô tô”, khiến CLB thuộc nhóm cuối bảng như K.Kiên Giang đứng ngồi không yên.
Giờ đến lượt K.Kiên Giang cũng đòi bỏ giải
Đây cũng chẳng phải lần đầu những người điều hành bóng đá Việt Nam “vạ miệng”. Trước đó, ông Trần Duy Ly đã bị kỷ luật vì phát biểu mang tính cá nhân nhận định về vụ “bàn thắng ma”. Trước những lời “vạ miệng” đó, người ta phải tự hỏi rằng rốt cuộc hai ông Trần Duy Ly và Phạm Ngọc Viễn có thuộc quy chế và điều lệ của giải đấu không? Nếu không thì đúng là bất thường!
Sau từng ấy vụ việc, cục diện V-League đã bị xáo trộn một cách ghê ghớm, niềm tin vào công tác điều hành giải đã giảm sút thì Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn vẫn phát biểu đầy tin tưởng trước báo giới: "Không vì XMXT Sài Gòn bỏ giải mà V-League 2013 không về đích thành công". Phát biểu của ông trong hoàn cảnh này đúng là …không bình thường chút nào!
Không hiểu những vị trong Ban tư vấn đạo đức, những người đã ngửi thấy mùi “bất thường” trong trận cầu giữa XMXT Sài Gòn và K.Kiên Giang có nhìn ra sự “bất thường” ngay trong cách điều hành giải không? Hay là đối với họ, đó là chuyện bình thường?
Đã đến lúc cần phải nhìn lại cách điều hành và quản lý của BTC V-League. Bởi chính cung cách làm việc của BTC đã khiến cho các CLB và NHM mất đi sự tín nhiệm, dẫn đến những vụ việc lùm xum. Khi mà V-League vẫn còn những sự “bất thường” như ở trên, giải đấu này sẽ chẳng thể thành công trong con mắt NHM được.