1. Truyền thống là nếu bạn thi đấu cho Arsenal và đá rất hay, bạn sẽ được nhiều CLB để mắt tới. Bạn bắt đầu đứng lên nói về tình yêu, lòng chung thành và cam kết gắn bó với đội bóng. Kết thúc bài diễn văn, bạn... xin lỗi, chỉ trích tham vọng của CLB và đề nghị ra đi.
Đó là một truyền thống được bắt đầu bằng tình yêu từ trái tim và kết thúc trong sự thực dụng của lý trí. 8 năm không danh hiệu, 8 năm không hi vọng, 8 năm và Arsenal vẫn liên tục tụt lại so với chính mình. Quá khó để kiên nhẫn khi tuổi đời của một ngôi sao là rất ngắn.
Chơi càng hay, càng sớm rời Emirates
Patrick Vieira đã nghĩ như vậy. Thierry Henry đã nghĩ như vậy. Cesc Fabregas cũng đã nghĩ thế. Robin van Persie không có gì khác. Qua mỗi năm, cuộc tình của ông Wenger với các học trò cứ tan vỡ theo cùng một cách giống nhau. “Giáo sư” giống như một anh chàng cứng đầu không học hỏi được chút gì sau mối tình tan vỡ. Ông tự tin (hay mù quàng) với cách yêu của mình để rồi lại vấp phải nỗi đau. Lần này tới lượt Jack Wilshere.
2. Giống như Cesc và Van Persie, Wilshere là người được đặt nhiều kỳ vọng để trở thành thủ lĩnh, biểu tượng mới của Arsenal. Cậu bé 21 tuổi là viên ngọc sáng giá nhất của bóng đá Anh sau Wayne Rooney. Chàng tiền vệ Wilshere sở hữu những tố chất thượng đẳng của bóng đá Tây Ban Nha, hoàn toàn khác biệt với lứa cầu thủ Anh hiện đại. Anh có kĩ thuật, tốc độ, giàu bản lĩnh và biết cách bùng nổ. Wilshere là tiền vệ duy nhất của bóng đá Anh từng đánh bại cặp Xavi - Iniesta. Với Wenger, Wilshere là một “người yêu” quá tốt. Vì thế, anh sắp nói “tôi rất tiếc”.
Không phải Arsenal của ông Wenger không đủ khả năng theo đuổi những “cuộc tình” ấy. Họ đơn giản là chưa làm đúng cách. Arsenal nhận thất bại trước Aston Villa khi vẫn còn 70 triệu bảng trong tài khoản. Họ là một trong những đế chế thể thao giàu nhất thế giới. Tiền vẫn đổ về nhưng danh hiệu đã lùi lại rất xa cánh cổng Emirates.
Không thể trách Robin van Persie và Cesc Fabregas
Không phải Arsenal không quyết tâm níu kéo. Họ đã chi không ít trong những mùa Hè vừa qua nhưng chẳng mang về hợp đồng lớn nào. Những chữ kí với mức giá trên dưới 10 triệu bảng là không đủ an toàn. Các tân binh ấy không đủ sức nâng cấp đội hình “Pháo thủ”. Như một tất yếu, đầu tư ít thì nguy cơ thất bại rất cao. Cách chi tiền của Arsenal khác hẳn Man United, đội cũng mua rất ít nhưng luôn tập trung vào những món hàng chất lượng. 24 triệu bảng cho van Persie là một ví dụ.
Arsenal không hiểu và không thể cho những “người tình” điều họ muốn. Van Persie đến Old Trafford để hưởng lương cao gấp rưỡi, Cesc về Barca và ngay lập tức có những danh hiệu đầu tiên. Không phải họ không muốn ở lại, họ chỉ không thể đủ kiên nhẫn để chờ đợi lâu thêm. Cesc và Persie đều ra đi sau 8 năm gắn bó, với chỉ một danh hiệu FA Cup 2005. Họ đã cống hiến mọi thứ có thể cho CLB. Nhưng Arsenal thì chưa từng đền đáp xứng đáng cho họ.
3. Dù sao, Vieira, Cesc, van Persie cũng là những người nước ngoài. Sự tổn thất mang tên Jack Wilshere, nếu có, sẽ đau đớn hơn gấp nhiều lần. Tiền vệ người Anh trưởng thành từ lò đào tạo trẻ Arsenal, mang trong mình “ADN" của CLB Bắc London. Cùng với Walcott, Wilshere là những ngôi sao cuối cùng của Emirates, những biểu tượng cuối cùng của Arsenal (ở thời điểm hiện tại).
Chỉ có điều, không biết cuộc tình của họ còn kéo dài được bao lâu.