Chiều 15/7, Hội thảo khoa học bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà do Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và Viện sinh thái học Miền Nam phối hợp tổ chức tiếp tục diễn ra với nhiều ý kiến tham luận.
Ông Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội – Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, tiếp tục nêu những ý kiến lo ngại về việc phát triển du lịch ở bán đảo Sơn Trà.
Theo ông Nghĩa, bán đảo Sơn Trà trong lịch sử từng là rừng cấm vì hai yếu tố quân sự và bảo tồn.
Tuy nhiên theo thời gian, các quy định được nới lỏng dần và từ hơn 4.000 hecta xuống còn 2.500 hecta theo phê duyệt mới nhất vào năm 2014. Gần 1.500 hecta còn lại sẽ được sử dụng để phát triển du lịch, xây dựng khu nghĩ dưỡng cao cấp.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Nếu phát triển du lịch, tương lai họ sẽ phá hết Sơn Trà.
Đại biểu Nghĩa khẳng định việc phát triển du lịch Sơn Trà và bảo tồn không thể đi cùng nhau. Ông Nghĩa dẫn chứng ý kiến của ông Nguyễn Trung Thành, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airline nói về việc phát triển sân bay và sân gôn trong cùng một vị trí.
"Sân gôn thì xây nhà, biệt thự luôn đi. Sân bay thì phải là sân bay thôi. Có những thứ cộng sinh được nhưng có những thứ không được", ông Nghĩa dẫn lời ông Thành.
Theo ông Nghĩa việc yêu cầu Sơn Trà phải "đẻ" ra được tiền để nuôi sơn Trà như đòi hỏi hiện nay là không hợp lý.
Các đô thị, quốc gia hiện đại trên thế giới gần đó đều có một khu rừng. Người dân sau khi làm việc mệt mỏi, căng thẳng sẽ tìm đến vùng xanh đó để có không khí sạch, có chim hót, bướm đẹp để nạp năng lượng.
Nó giúp cho người dân tái tạo sức lao động, làm cho con người có chất lượng sống cao hơn và nó lại đẻ ra tiền. Nó không đẻ trực tiếp nhưng đẻ gián tiếp.
Ông Nghĩa cũng khẳng định sẽ có rất nhiều người dân sẵn sàng đóng góp để "nuôi" khu bảo tồn Sơn Trà. Trong khi đó, nếu xây dựng khu du lịch, khu nghĩ dưỡng cao cấp thì chỉ phục vụ một số ít người.
"Mấy ngàn phòng làm trên bán đảo Sơn Trà để thu hút du khách thì có bao nhiêu người đủ tiền để mua biệt thự ở trên đó, sống trên đó.
Chỉ có đại gia, đại gia nước ngoài cũng sẽ vào mua để ở.
Những người đang khai thác phần diện tích 1.800 hecsta để phục vụ du lịch này họ sẽ tiếp tục khai thác 2.500 hecta kia.
Họ sẽ tiếp tục hủy hoại 2.500 hecta rừng còn lại trong một ngày nào đó", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Bán đảo Sơn Trà đang có hàng chục dự án khu du lịch sinh thái, khu nghĩ dưỡng cao cấp
Đại biểu Nghĩa cho rằng có nhiều cách khai thác để có những giá trị tinh thần rất quý. Ông tin rằng nếu bảo tồn được Sơn Trà thì không sợ không "đẻ" ra được tiền mà lại "đẻ" ra được tiền rất bền vững.
Ông Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện kinh tế Tài nguyên và môi trường, khẳng định quan điểm bảo tồn và phát triển Sơn Trà không thể đi chung. Ông Thuận cho rằng nếu phát triển du lịch thì chỉ phát triển du lịch mạo hiểm không có lưu trú.
Theo ông Thuận, nếu Sơn Trà xây thêm 1.600 phòng thì mỗi năm có thêm chưa đến 240.000 lượt khách. Ông cũng đưa ra con số doanh thu của Đà Nẵng từ dịch vụ lữ hành trong một năm chưa đến 13 tỉ đồng.
"Vậy, với số tiền đó, chúng ta có nên đánh đổi môi trường, bán đảo Sơn Trà để phát triển kinh tế Đà Nẵng.
Nếu xây dựng ở Sơn Trà rồi thì chúng ta bỏ ra hàng tỉ đô la cũng không tái tạo lại được như ban đầu.
Tôi nhấn mạnh lại ý kiến của mình là không báo giờ có lưu trú trên bán đảo Sơn Trà để bảo vệ Voọc chà vá, rừng đặc dụng, hệ sinh thái, thực vật.
Tôi hình dung những căn phòng, những ngôi biệt thự trong quy hoạch trên bán đảo Sơn Trà chỉ là những lô cốt", ông Thuận mạnh mẽ nói.