1. Không vương vấn chuyện đã qua
Năm 20 tuổi, bạn sẽ hoài niệm lại tuổi thơ của chính mình, hái hoa bắt bướm, vô tư không chút vướng bận sự đời.
30 tuổi, bạn sẽ hoài niệm lại mình ở tuổi 20, khí phách hiên ngang, tràn trề sức sống.
40 tuổi, bạn sẽ hoài niệm lại mình ở tuổi 30, trên vai là những trách nhiệm ngọt ngào…
Chúng ta sẽ luôn hoài niệm các ký ức tươi đẹp trong cuộc sống đã qua.
Quá khứ luôn khiến người ta vấn vương, nhung nhớ, trong khi những chuyện chưa biết thường khiến người ta bất an, thấp thỏm.
Cứ như thế, để ký ức chi phối cuộc sống, quá khứ đã qua không trở lại, trong khi tương lai vẫn ở phía trước chưa thể chạm thớ, cứ luẩn quẩn trong cái vòng đó, chúng ta sẽ lỡ mất bao nhiêu điều đẹp đẽ ở hiện tại.
Thực ra, bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời chúng ta cũng nên đón nhận, đảm đương một cách vui vẻ, thuận theo cuộc đời để tiến về phía trước.
Không nên chìm đắm trong quá khứ, bất luận đó là quá khứ tươi đẹp hay buồn đau, cũng đều nên bỏ lại. Hãy vui vẻ xông pha, tin vào tương lai tươi đẹp đang đợi mình phía trước.
2. Không sợ tương lai
Có một người hỏi người nông dân: "Anh trồng lúa mạch chưa?"
Người nông dân đáp: "Chưa, tôi sợ trời sẽ mưa."
Người kia lại hỏi: "Anh trồng bông chưa?"
Người nông dân trả lời: "Chưa, tôi sợ sâu ăn hết bông."
Người kia hỏi tiếp: "Vậy anh trồng gì rồi?"
Người nông dân trả lời: "Chưa trồng gì, tôi muốn đảm bảo an toàn."
Vì sợ hãi những rủi ro chưa hề biết chắc, chúng ta thường chọn cách an toàn không dám tiến về phía trước.
Nhiều người sẽ hỏi: "Nếu lối này không được thì sao? Nếu không ai thích thì sao? Nếu thất bại thì sao?"
Những vấn đề này, chúng ta không chỉ nên suy xét đến khả năng thất bại mà quan trọng hơn là cần tập hợp các khả năng để thành công.
Cho dù là thất bại thực sự hay sai lầm đi chăng nữa, đó cũng chính là cơ hội để chúng ta suy nghĩ lại và sửa đổi. Mỗi người trước khi thành công đều là những "tay mơ" thường xuyên mắc sai lầm.
Vì thế, chúng ta hãy mạnh dạn thử sức, dũng cảm tiến lên, không sợ tương lai.
3. Dám thất bại
Có những lúc chúng ta thường hỏi "tại sao": Tại sao khổ luyện học hành, kết quả vẫn chỉ là một kẻ vô danh? Tại sao hừng hực khí thế khởi nghiệp, kết quả lại phụ lòng người?
Có người sẽ nghi ngờ cho rằng mình là người không may mắn, gặp rắc rối khó khăn là nhụt chí, không thể vực dậy tinh thần. Nhưng cũng có người không chịu bỏ cuộc, thất bại họ lại đứng lên, luôn muốn thử sức đến cùng, thay đổi mình và tiếp tục xông pha về phía trước.
Nhiều năm sau, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng, những người không chịu được sự đả kích của thất bại vẫn như ngày nào, tụt lùi, không làm nên trò trống gì.
Ngược lại, những người lội người dòng, càng trắc trở lại càng trở nên mạnh mẽ.
Người không chịu được thua cuộc, sẽ một đời thua cuộc. Người chịu được thua cuộc, sẽ chỉ thua một vài lần.
4. Giữ một tâm thái cân bằng
Một thiền sư hỏi 3 đệ tử của mình: "Trước cổng có 2 cái cây, một cây tươi tốt và một cây khô héo, các con xem, cây nào tốt hơn?"
Đệ tử thứ nhất đáp: "Là cây tươi tốt tốt hơn ạ."
Đệ tử thứ hai đáp: "Là cây khô héo tốt hơn ạ."
Đệ tử thứ ba đáp: "Cây héo cũng là nó mà cây tốt cũng là nó, đều tốt cả."
Lựa chọn của hai người đầu đều có sự được mất, tâm không cân bằng, yêu ghét đan xen. Còn người thứ ba thì khác, nhìn mọi vật khách quan, thế sự thay đổi thế nào, đều không bận lòng, khách quan nhìn nhận.
Mang trong mình một trạng thái tâm lý cân bằng, ổn định cảm xúc chính là cách mà con người chúng ta có thể giúp mình không nao núng trước mọi vật, việc trong cuộc sống, núi có sập trước mặt cũng không biến sắc, sóng to gió lớn nhưng trong lòng vẫn an yên bình tĩnh, không bị thế giới bên ngoài thao túng.
Cân bằng được cảm xúc, đối diện với việc gì cũng không sợ không làm được. Bởi khi đó, mỗi người sẽ đều nghĩ thông, nhìn thấu và thuận theo tự nhiên.