"Món quà" khiến Mỹ choáng váng
Ngày 11/11/2006, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ khi đó – Đô đốc Gary Roughead - đã có chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc với hy vọng cải thiện mối quan hệ giữa hai phía.
Chuyến thăm của ông Roughead hướng tới mục tiêu tổ chức một cuộc tập trận chung nhằm làm nổi bật vai trò tìm kiếm và cứu hộ của Hải quân Mỹ. Hoạt động này dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 19/11 năm đó.
Tuy nhiên, theo War History Online, một vụ việc bất ngờ diễn ra trong cuộc tập trận hải quân của Mỹ gần đảo Okniawa đã làm lu mờ chuyến thăm lịch sử ấy.
Ngày 26/10/2006, một chiếc tàu ngầm lớp Song của Trung Quốc đã nổi lên ở Thái Bình Dương, tại vị trí chỉ cách tàu sân bay USS Kitty Hawk của Mỹ khoảng 8km.
Cần lưu ý rằng, một vài tuần trước khi phái đoàn Mỹ gặp gỡ phái đoàn Trung Quốc, các tàu chiến từ Hạm đội Thái Bình Dương đã tập trung tại vùng biển quốc tế giữa Đài Loan và Nam Nhật Bản.
Tàu sân bay USS Kitty Hawk được bảo vệ bởi đội hình khoảng chục tàu chiến. Ấy vậy mà, tàu ngầm Trung Quốc lại có thể len lỏi qua mà không bị phát hiện.
Điều kinh ngạc là lực lượng Mỹ đã không thể phát hiện ra chiếc tàu ngầm sớm, dù trong đội hình phỏng thủ tăng cường còn có 1 tàu ngầm và một số trực thăng chống ngầm – những phương tiện chịu trách nhiệm bảo vệ nhóm tác chiến tàu sân bay trước một cuộc tấn công từ dưới mặt nước.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Kitty Hawk. Ảnh: NavSource.
Hải quân Mỹ đã quá chủ quan
Tại sao Hải quân Trung Quốc lại có hành động khiêu khích như vậy? Nhiều giả thuyết đã được đưa ra.
Hiện vẫn chưa rõ tàu ngầm Trung Quốc đã theo dõi chiếc tàu sân bay Mỹ được bao lâu, nhưng sự việc này cho thấy Hải quân Mỹ đã chủ quan tới mức nào sau khi mối đe dọa từ tàu ngầm Liên Xô chấm dứt.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Hải quân Mỹ đã bớt chú trọng vào năng lực tác chiến chống ngầm, bởi họ cho rằng mối đe dọa tàu ngầm lớn nhất đã bị vô hiệu hóa. Dù sau này mối đe dọa tương tự có xuất hiện thì cũng phải mất hàng thập kỷ nữa.
Các quan chức quân đội Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của Washington cho rằng tàu ngầm Trung Quốc đã theo đuôi tàu sân bay Mỹ. Nhưng dường như khó có khả năng toàn bộ vụ việc này là một sự tình cờ.
Khả năng phát hiện tàu ngầm mà Hải quân Mỹ đã thể hiện cho thấy họ không để mắt tới mức độ tiến triển của hạm đội tàu ngầm Trung Quốc. Bắc Kinh luôn giữ bí mật về kho vũ khí của mình, tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng Mỹ đã đánh giá thấp mức độ tinh vi mà tàu ngầm Trung Quốc đạt được.
Vụ việc trên đã nhắc nhở chính phủ 2 nước về lý do tại sao mối quan hệ giữa đôi bên lại lạnh nhạt trong những năm trước đó. Cụ thể, vào năm 2001, một máy bay do thám của Mỹ đã va chạm với máy bay chiến đấu của Trung Quốc giữa không trung.
Nơi xảy ra vụ va chạm cách đảo Hải Nam, Trung Quốc hơn 112km. Phi công Trung Quốc thiệt mạng, trong khi toàn bộ phi hành đoàn trên máy bay Mỹ buộc phải hạ cánh xuống Hải Nam. Tại đây, họ đã bị Trung Quốc giam giữ cho tới khi 2 nước đạt được thỏa thuận trả tự do.
Kể từ sau đó, mối quan hệ Trung-Mỹ đã trở nên xấu đi. Tình trạng này kéo dài cho tới chuyến thăm năm 2006.
Tàu ngầm Type 039 lớp Song của Trung Quốc. Ảnh: Naval Technology
Chiếc tàu ngầm đã gây náo động trong vụ việc năm 2006 là tàu ngầm diesel-điện lớp Song. Đây là lớp tàu ngầm đầu tiên do Trung Quốc tự phát triển hoàn toàn, và cũng là tàu ngầm đầu tiên có kết cấu thân hiện đại hình giọt nước. Nó được trang bị động cơ diesel 396 SE84 của Đức. Vũ khí trên tàu gồm có ngư lôi và các tên lửa chống tàu do Nga chế tạo.
Mặc dù Trung Quốc vẫn tụt hậu trong công nghệ, với biểu hiện rõ nét nhất là họ vẫn chưa phát triển được hoàn thiện tàu ngầm hạt nhân, thì các tàu ngầm lớp Song, cùng với các tàu ngầm lớp Yuan trang bị động cơ đẩy không khí độc lập (AIP), vẫn có thể tạo ra mối đe dọa hiện hữu.
Trong khi đó, tàu sân bay USS Kitty Hawk được đưa vào trang bị Hải quân Mỹ năm 1961 và loại biên năm 2009 – hơn 2 năm sau khi sự vụ với tàu ngầm Trung Quốc diễn ra.
Tuy vậy, nó vẫn là niềm tự hào của Hải quân Mỹ - siêu tàu sân bay dài hơn 300m, mang theo thủy thủ đoàn 4.500 người.
Đây là một con tàu gây ấn tượng mạnh, do đó, các sĩ quan chỉ huy của Mỹ tất nhiên sẽ thấy xấu hổ vì sự mất cảnh giác của mình.
Một quan chức NATO đã mô tả vụ việc này là "cú sốc lớn như khi người Nga phóng Sputnik" – ám chỉ tới vệ tinh Sputnik được Moscow phóng đi vào năm 1957, đánh dấu thời kỳ mở đầu của kỷ nguyên không gian.
Trong chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc, sau khi thảo thuận với phía Trung Quốc về vụ việc này, Đô đốc Gary Roughead cho biết, chiếc tàu ngầm lớp Song "đã không gây nguy hiểm hay bất kỳ trở ngại nào cho các tàu của Mỹ".
Tuy nhiên, ông Roughead bày tỏ tin tưởng rằng "sự cởi mở, minh bạch và khả năng giao tiếp khi lực lượng hai phía hoạt động gần nhau đóng vai trò rất quan trọng".
Trong khi đó, Đô đốc William Fallon, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, giải thích rằng nhóm tác chiến của Mỹ khi ấy không tiến hành hoạt động chống ngầm. Nếu có, và "nếu tàu ngầm Trung Quốc xuất hiện giữa đội hình này, thì tình hình có thể leo thang tới một mức độ rất khó đoán định".
Bất chấp căng thẳng sau vụ việc, cuộc tập trận hải quân chung giữa Trung-Mỹ vẫn được tiến hành thành công theo kế hoạch.
Ngày nay, những câu hỏi về ưu thế hải quân ở Thái Bình Dương vẫn thường xuyên được đề cập, bởi Trung Quốc đang tích cực xây dựng lực lượng trong những năm gần đây.
Kể từ năm 2001, Bắc Kinh đã xúc tiến chương trình phát triển tàu sân bay, và chiếc tàu đầu tiên (Liêu Ninh) đã được đưa vào biên chế năm 2012. Hiện chiếc tàu sân bay thứ hai, và cũng là tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc, cũng sắp đi vào hoạt động.
Một vụ việc khác, tương tự như những gì xảy ra năm 2006, đã được ghi nhận vào ngày 24/10/2015. Trong đó, một tàu ngầm Trung Quốc đã bám đuôi tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan của Mỹ ngoài khơi Nhật Bản.
Tuy nhiên, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương và Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ đều từ chối bình luận về vụ việc. Điều đáng chú ý là họ không phủ nhận những gì diễn ra.
Cảnh tượng kỳ vĩ khi tàu sân bay Kitty Hawk di chuyển trong bão