Chỉ 45 ngày đầu năm, vì sao Việt Nam chi hơn 1 tỷ USD nhập mặt hàng chúng ta có trữ lượng top 3 Đông Nam Á?

Minh Hằng |

Dù có xuất khẩu nhiều “vàng đen” nhưng Việt Nam vẫn chi hơn 1 tỷ USD để nhập khẩu mặt hàng này chỉ trong chưa đầy 2 tháng đầu năm 2024.

Mặt hàng này là than. Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2024, Việt Nam nhập khẩu tới 5,077 triệu tấn than, với kim ngạch đạt 670 triệu USD, tăng 216,8% về lượng và tăng 150,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.

Trong tháng 1, Úc là thị trường cung cấp than lớn nhất cho Việt Nam, với lượng nhập khẩu là 1,91 triệu tấn, kim ngạch đạt 288,2 triệu USD, tăng 98,5% về lượng và tăng gần 64% về kim ngach so với cùng kỳ của năm 2023. Sau Úc, Indonesia là thị trường cung cấp than lớn thứ hai cho nước ta, với lượng than nhập khẩu đạt 1,65 triệu tấn, kim ngạch gần 144 triệu USD. Con số này tăng gần 232% về lượng và tăng 167% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.

Tính từ đầu năm đến ngày 15/2, nước ta đã nhập khẩu tới hơn 7,1 triệu tấn than, với kim ngạch đạt hơn 1 tỷ USD.

Trên thực tế, Việt Nam cũng là nước xuất khẩu than tới nhiều nước trên thế giới. Theo Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến ngày 15/2, nước ta đã xuất khẩu 1705 tấn than, với kim ngạch đạt khoảng 493.000 USD.

Chỉ 45 ngày đầu năm, vì sao Việt Nam chi hơn 1 tỷ USD nhập mặt hàng chúng ta có trữ lượng top 3 Đông Nam Á?- Ảnh 1.

Việt Nam nhập khẩu hơn 7 triệu tấn than chỉ trong 45 ngày đầu năm 2024. Ảnh minh họa

Theo báo cáo từ Statistical Review of World Energy năm 2022 của Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách Kinh tế Năng lượng (Anh), 3 quốc gia có trữ lượng than có thể khai thác lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, bao gồm Indonesia (34,87 tỷ tấn), Việt Nam (3,36 tỷ tấn) và Thái Lan (1,06 tỷ tấn).

Theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, trữ lượng than ở nước ta phân bố tập trung chủ yếu tại bể than Đông Bắc và bể than sông Hồng. Trong đó, những vùng có các mỏ than lớn hiện đang được khai thác và đưa vào sử dụng, bao gồm Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Đồng bằng sông Hồng, sông Đà, sông Cả.

Như vậy, có thể thấy Việt Nam có trữ lượng than rất lớn. Vậy, vì sao nước ta lại phải nhập tới hơn 7 triệu tấn than chỉ trong 45 ngày đầu năm 2024?

Nguyên nhân Việt Nam nhập khẩu nhiều than ngay đầu năm 2024

Chỉ 45 ngày đầu năm, vì sao Việt Nam chi hơn 1 tỷ USD nhập mặt hàng chúng ta có trữ lượng top 3 Đông Nam Á?- Ảnh 3.

Việc nhập khẩu nhiều than đặt ra yêu cầu cần phải có giải pháp để đáp ứng bền vững nhu cầu than ở Việt Nam. Ảnh minh họa

Theo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), dự kiến mỗi năm sẽ xuất khẩu gần 2 triệu tấn than chất lượng cao từ nay đến năm 2025, nhưng nước ta nhập về từ 70 – 75 triệu tấn than chất lượng kém hơn cho sản xuất công nghiệp.

Theo các chuyên gia, sở dĩ Việt Nam phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu nhiều than từ các nước khác về là do than nhập khẩu chủ yếu dùng trong ngành luyện thép. Trong khi đó, nhu cầu trong nước là sản xuất nhiệt điện. Nước ta nhập khẩu than tăng nhanh trong vài năm gần đây vì nhu cầu than cho các nhà máy điện. Ở chiều ngược lại, khai thác nội địa ngày càng gặp nhiều khó khăn, cùng với chi phí tốn kém vì phải khai thác dưới độ sâu nên hiệu quả không cao.

Loại than dành cho xuất khẩu ở Việt Nam là than chất lượng cao và có giá trị cao, chủ yếu là than cục, than cám. Đây cũng là loại than mà trong nước không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết. Với riêng TKV, khả năng sản xuất với loại than này bình quân khoảng từ 2 – 2,1 triệu tấn/năm.

Theo quy hoạch ngành than Việt Nam đến năm 2020 và triển vọng đến năm 2030 tại Quyết định 403/QĐ-TTg, nhu cầu than dành cho nhiệt điện là 64,1 triệu tấn vào năm 2020 và ước tính sẽ lên đến 131,1 triệu tấn vào năm 2030.

Theo quy hoạch này, sản lượng khai thác than trong nước được chỉ đạt từ 55 - 57 triệu tấn vào năm 2030. Tuy nhiên, số lượng than khai thác được lại không chỉ dùng cho nhiệt điện than mà còn phải dành cho nhiều lĩnh vực khác, chẳng hạn như luyện kim, xi măng, phân bón…

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IAE) cho biết, trong năm 2023, lượng tiêu thụ than đá trên toàn cầu đã chạm mức kỷ lục, vượt mức 8,5 tỷ tấn. Điều này đến từ nhu cầu lớn tại các nước đang phát triển và các thị trường mới nổi như Ấn Độ và Trung quốc. Theo dự báo của IAE, nhu cầu tiêu thụ than đá tại Ấn Độ và các nước Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới.

Trong năm 2023, Mỹ, quốc gia tiêu thụ than đá lớn thứ hai trên thế giới, giảm mạnh về lượng tiêu thụ. Trong khi đó, dù cả Trung Quốc và Ấn Độ đặt ra mục tiêu đầy tham vọng về năng lượng tái tạo, nhưng lượng sử dụng than đá vẫn tăng một cách đáng kể. Theo CNBC, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn còn tiếp tục phụ thuộc vào than đá để sản xuất điện cho vài năm tới. Do đó, lượng tiêu thụ than tại hai quốc gia này vẫn còn có thể tăng trong khoảng ít nhất một thập kỷ tới.

Điều này cũng có nghĩa là Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là hai thị trường xuất khẩu than lớn cho các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Bài viết tham khảo nguồn: Customs, TKV, IAE, CNBC

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại