Hồi còn bé, âm thanh khiến chúng ta sợ hãi một cách vô hình, sợ đến "ghê hết răng, rợn hết người" chắc hẳn đó là âm thanh của tiếng dao cạo vào vỏ nứa, của 2 miếng xốp cọ vào nhau, của nắp chai chà lên mâm hay của nắp chai cọ cọ lên sàn xi-măng...
Thậm chí, khi được hỏi, nhiều người lớn cũng phải công nhận rằng họ vẫn thấy rờn rợn người khi vô tình nghe phải âm thanh này.
Chỉ một tiếng cọ nứa phát ra thôi, nhiều người trong chúng ta lập tức cảm thấy khó chịu, "ghê người", thậm chí nổi da gà và thấy "kến kến".
Bạn sẽ cực kỳ khó chịu khi phải nghe loại âm thanh này! Hình minh họa.
Ngay khi ngồi viết bài này, cá nhân tôi cũng thấy rợn người, mắt nhắm lại và quay sang phía khác để "xóa" đi âm thanh "tưởng tượng" mà đến hình dung thôi cũng thấy... hãi.
"Dừng lại đi"....
Vậy, mời bạn xem một vài hình ảnh dưới đây để hình dung bài viết này chân thực thế nào đến thính giác "tưởng tượng" của bạn nhé:
(Do tính chất của âm thanh này quá sức chịu đựng với nhiều người nên tôi quyết định không up bản âm thanh).
Những thanh nứa này mà chà sát với nhau sẽ khiến bạn như rơi vào "hố địa ngục". Hình minh họa.
Hay nếu có sống dao rựa chà chà lên vỏ nứa, nhiều người cũng không thể chịu đựng được. Hình minh họa.
Hoặc bạn thử lấy 2 miếng xốp rồi cọ vào nhau mà xem, kinh khủng không kém. Hình minh họa.
Rồi có người nghịch, cầm nắp chai chà vài đường lên cái mâm bằng nhôm hay đồng, âm thanh cũng "tra tấn" lắm. Hình minh họa.
Cũng giống như hội chứng sợ lỗ mà không ít người gặp phải khiến họ thấy sợ hãi thực sự, toàn thân khó chịu, rợn rợn, những âm thanh khủng khiếp này khiến chúng ta thực sự "đau đớn" như bị tra tấn.
Hình ảnh này cũng có thể khiến nhiều người rùng mình.
15% dân số thế giới mắc hội chứng sợ lỗ (tên khoa học là Trypophobia). Hình minh họa.
Tại sao chúng ta lại có cảm giác như bị "tra tấn" thế này khi thị giác và thính giác bị "tấn công" bằng những hình ảnh và âm thanh rất đời thường như thế?
Theo cấu trúc của tai người, bên trong tai chúng ta có một lớp màng nhĩ (màng tai). Chức năng của màng nhĩ là dao động khi gặp âm thanh từ bên ngoài.
Cấu tạo của tai.
Sóng âm của dao động này sẽ tiếp tục được truyền vào tai trong, chuyển thành tín hiệu thần kinh đến não bộ. Não bộ sẽ "xử lý" thông tin và giúp chúng ta nghe được âm thanh.
Theo các nhà khoa học, khi chúng ta cọ xát các vật như thanh nứa với nhau, nắp vỏ chai cọ lên mâm hay sàn xi-măng... sẽ tạo nên các âm tần cao sát ngưỡng nghe của tai người (Ngưỡng nghe âm thanh của người trong dải tần số từ 20 Hz - 20.000 Hz).
Mức độ âm thanh con người nghe trong ngưỡng an toàn.
Khi âm thanh lọt vào tai chúng ta, màng nhĩ sẽ rung mạnh hơn bình thường, gây chói tai cho người nghe.
Màng nhĩ là một trong những bộ phận rất nhạy cảm và dễ bị chọc thủng do nhiều tác động từ bên ngoài như: Chấn thương cơ học (như ngoáy tai); chấn thương áp lực (của nước, bom mìn nổ...) và chấn thương âm (âm thanh quá lớn, vượt ngưỡng nghe).
Hình minh họa.
Mặc dù mỗi người "sợ" những âm thanh khác nhau và không phải ai cũng cùng sợ một loại âm thanh vì trải nghiệm về sự "đau đớn" và "tra tấn" của mỗi người cũng khác nhau, nhưng phần lớn những âm thanh này đều gây cho chúng ta cảm giác khó chịu.
Cũng có thể các âm thanh này chưa phải là quá lớn, chưa vượt mức ngưỡng nghe của tai người và không khiến tai bị đau, song loại "âm thanh sống" này lại tạo cho chúng ta CẢM GIÁC như bị tra tấn.
Một dạng tra tấn tác động nhiều lên cảm giác hơn là sự đau đớn cơ học.
Đối với riêng bạn, âm thanh nào khiến bạn khó chịu nhất (là tiếng thìa cọ vào nồi, vào bát hay tiếng nứa cọ vào nhau?), hãy chia sẻ với chúng tôi nhé!