Abraham Maslow là một trong những cái tên hàng đầu trong ngành tâm lý học, nổi tiếng nhất với việc tạo ra "Hệ thống phân cấp nhu cầu của Maslow". Lý thuyết của ông cho rằng mọi người có một số nhu cầu cơ bản (nhu cầu sinh lý và nhu cầu an toàn) phải được đáp ứng, tiếp đó là nhu cầu tâm lý (nhu cầu mối quan hệ, tình cảm và nhu cầu được kính trọng) và đỉnh cao là nhu cầu tự hiện thực hóa bản thân (thể hiện bản thân). Ngoài ra, lý thuyết của ông tập trung vào các khía cạnh tích cực của con người.
Maslow định nghĩa tự hiện thực hóa là sự tự hoàn thiện, một cá nhân hiện thực hóa những tiềm năng của chính mình. Thông thường, khi các nhu cầu cơ bản và tâm lý được đáp ứng, con người mới có thể tập trung vào nhu cầu đỉnh cao và đạt được toàn bộ tiềm năng. Ông cho rằng "tự hiện thực hóa hiếm khi xảy ra, chắc chắn là dưới 1% người trưởng thành".
Nhu cầu tự thể hiện bản thân không phải là để trở nên hoàn hảo hay đạt được tất cả các mục tiêu cuộc sống. Đó là quá trình liên tục, trong đó mọi người tiếp tục vươn mình và đạt được những đỉnh cao mới về hạnh phúc, sự sáng tạo và sự hoàn thiện.
Tháp nhu cầu của Maslow với bậc cao nhất là nhu cầu thể hiện bản thân, 2 bậc giữa là nhu cầu tâm lý và 2 bậc cuối là nhu cầu cơ bản. Ảnh: Verywell MInd.
Nhà tâm lý học người Mỹ có được hệ thống nhu cầu này sau khi thực hiện nghiên cứu những đặc điểm tính cách phổ biến của nhiều vĩ nhân trong lịch sử, bao gồm Albert Einstein (nhà vật lý bác học), Abraham Lincoln (luật sư và Tổng thống thứ 16 của Mỹ) và Eleanor Roosevelt (nhà ngoại giao và hoạt động xã hội)… Ông tin rằng những vĩ nhân này có 11 đặc điểm chung.
1. Khả năng chấp nhận: Những người tự hiện thực hóa biết chấp nhận những khiếm khuyết của bản thân cũng như của người khác. Hay khi ở trong nghịch cảnh, họ cũng không phàn nàn mà chấp nhận hiện thực rồi tìm cách vươn lên.
2. Tin vào sự phán đoán của bản thân: Khả năng phán đoán của người thông minh vượt xa người bình thường. Họ thường có thể dự đoán chính xác mọi thứ sẽ phát triển như thế nào, chỉ dựa trên những gì đang xảy ra.
3. Không giả dối: Các vĩ nhân này thường sống đơn giản và không giả dối. Họ không có nhu cầu cao về danh vọng và tài sản, vì vậy họ không giả vờ để làm hài lòng hay gây ấn tượng với người khác. Thay vào đó, họ luôn sống thật với chính mình.
4. Sự hài hước: Họ có thể tận hưởng khiếu hài hước trong các tình huống và tự cười vào bản thân, nhưng họ không chế giễu hoặc đùa cợt với tình cảm của người khác.
Nhà tâm lý học người Mỹ Abraham Maslow. Ảnh: Verywell Mind.
5. Tính tự phát: Một đặc điểm khác của những người tự hiện thực hóa bản thân là xu hướng cởi mở, độc đáo và tự phát. Họ có xu hướng hành động và suy nghĩ theo các chuẩn mực xã hội được chấp nhận, cởi mở khi tương tác với người khác. Song họ có sự khác thường trong phong cách giao tiếp, lời nói…
6. Ý thức về xã hội: Họ có ý thức về sứ mệnh trong cuộc sống, có ý thức mạnh mẽ về đạo đức và trách nhiệm cá nhân. Vì vậy, họ thường áp dụng kỹ năng giải quyết vấn đề của bản thân để xử lý các tình huống thực tế, nhằm giúp người khác cải thiện cuộc sống cũng như xã hội. Mong muốn giúp đỡ người khác xuất phát từ ý thức nội tại về đúng và sai, được dựa trên sự đồng cảm.
7. Coi trọng quyền riêng tư: Những người tự hiện thực hóa bản thân biết cách tận hưởng niềm vui khi ở một mình cũng như khi ở cùng tập thể. Tuy nhiên, họ thích có thời gian riêng tư để khám phá và trau dồi tiềm năng của bản thân.
8. Ít bạn bè: Họ có thể không có nhiều bạn bè, nhưng mối quan hệ họ thiết lập thường sâu đậm hơn những người bình thường.
9. Tính độc lập: Những người tự thực tế hóa cũng có xu hướng rất độc lập. Họ không tuân theo ý tưởng về hạnh phúc hay sự mãn nguyện của người khác. Quan điểm này cho phép họ tận hưởng mọi khoảnh khắc và đánh giá cao vẻ đẹp của mỗi trải nghiệm.
10. Khả năng đánh giá cao: Thay vì coi những trải nghiệm hàng ngày là trần tục hoặc cũ kỹ, những người tự hiện thực hóa bản thân có khả năng nhìn mọi thứ từ những góc độ mới, đánh giá cao sự bao quát và kỳ diệu của mọi thứ.
11. Trải nghiệm đỉnh cao: Họ luôn duy trì cảm xúc kinh ngạc, vui vẻ và biết ơn với những điều tốt đẹp trong cuộc sống, bất kể họ có thường xuyên trải qua những điều đó hay không. Năng lực này cho phép họ phát triển các chiến lược giải quyết vấn đề mới và thúc đẩy sự sáng tạo.
Nhà bác học Albert Einstein. Ảnh: Business Insider.