Chỉ 1 ngày sau chuyến thăm của ông Putin, một quốc gia nộp đơn xin gia nhập BRICS

Hữu Hiển |

Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS có thể sớm có thêm một thành viên mới, với việc Azerbaijan đã chính thức công bố ý định gia nhập nhóm này.

Tờ Politico đưa tin, trong tuyên bố vào ngày 20/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Azerbaijan Aykhan Hajizade xác nhận rằng quốc gia vùng Nam Kavkaz này đã nộp đơn xin gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS.

Được thành lập vào năm 2009, BRICS ban đầu có mục đích tăng cường mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. Đến nay, nhóm này có 9 thành viên, trong đó bao gồm một số quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới và chiếm hơn 1/4 GDP toàn cầu.

Chỉ 1 ngày sau chuyến thăm của ông Putin, một quốc gia nộp đơn xin gia nhập BRICS - Ảnh 1.

Thành viên BRICS chỉ được kết nạp qua những lời mời. Ảnh: Getty

Theo Politico, Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đây đã tìm cách xây dựng thương hiệu BRICS là liên minh của "số đông toàn cầu" như một phần trong nỗ lực của Moscow nhằm thách thức sự thống trị của phương Tây và né tránh các lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc chiến của Nga với Ukraine.

Nhóm này cũng đi đầu trong nỗ lực thay thế đồng đô la Mỹ trong vai trò đồng tiền chủ chốt của thương mại quốc tế.

Thành viên BRICS chỉ được kết nạp qua những lời mời, nhưng nhiều quốc gia đã có cơ hội gia nhập vào đầu năm nay. Iran, Ai Cập, Ethiopia và UAE đã gia nhập vào tháng 1; và Saudi Arabia cho biết họ cũng đang cân nhắc tham gia.

Theo Politico, thông báo của Azerbaijan được đưa ra chỉ 1 ngày sau chuyến thăm 2 ngày của Tổng thống Nga Putin tới đất nước này.

Trong chuyến thăm Azerbaijan của ông Putin, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev hôm 19/8 ca ngợi rằng, trên thực tế, "mối quan hệ kinh tế và thương mại của chúng ta [Azerbaijan và Nga] đang tiến triển tốt đẹp" bất chấp những thách thức toàn cầu.

Theo VOA News, quan hệ thương mại là vấn đề được quan tâm hàng đầu trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Azerbaijan vào ngày 19/8, khi Tổng thống Aliyev tuyên bố rằng 120 triệu USD đã được dành cho việc thúc đẩy vận chuyển hàng hóa giữa hai nước.

Theo Zardusht Alizade - nhà khoa học chính trị người Azerbaijan, Nga ngày càng phụ thuộc vào các quốc gia như Azerbaijan để tiếp cận thị trường toàn cầu do lệnh trừng phạt áp đặt đối với Moscow liên quan đến chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine.

Nga là nhà tài trợ và đồng minh lâu năm của Armenia kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Hai nước đã ký "tuyên bố về tương tác đồng minh" vào tháng 2/2022, chỉ vài ngày trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Chuyên gia Alizade nhận định, việc duy trì thiện chí với Moscow rất quan trọng đối với an ninh quốc gia của Azerbaijan trước căng thẳng với nước láng giềng Armenia.

Chỉ 1 ngày sau chuyến thăm của ông Putin, một quốc gia nộp đơn xin gia nhập BRICS - Ảnh 2.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tham dự tiệc chiêu đãi cấp nhà nước tại Cung điện Gulustan ở Baku, Azerbaijan, vào ngày 19/8/2024. Ảnh: Sputnik

Theo VOA, sau chiến dịch quân sự vào tháng 9/2023, quân đội Azerbaijan đã giành lại quyền kiểm soát vùng đất mà lực lượng ly khai người Armenia nắm giữ hơn ba thập kỷ. Armenia cáo buộc lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga triển khai tới khu vực này đã không ngăn chặn được cuộc tấn công dữ dội của Azerbaijan. Trong khi đó, Nga - quốc gia có căn cứ quân sự tại Armenia - lập luận rằng quân đội của họ không có nhiệm vụ can thiệp.

Tuy nhiên, theo Politico, Azerbaijan đồng thời cũng trở thành đối tác năng lượng ngày càng quan trọng của châu Âu, sau khi ký một thỏa thuận vào giữa năm 2022 với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhằm giúp châu lục này thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga. Quốc gia giàu nhiên liệu hóa thạch Azerbaijan kể từ đó đã trở thành đối tác thương mại lớn của EU.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại