Sử dụng đồ uống có cồn gây ra ít nhất 7 loại ung thư
- Chất cồn gây ung thư miệng, vòm họng, thanh quản, gan và đại tràng.
- Phụ nữ uống 2 đơn vị mỗi ngày tăng 16% nguy cơ tử vong do ung thư vú.
- 90% dân số không nhận thức chất cồn làm tăng nguy cơ các bệnh gây tử vong.
Các chuyên gia cho biết, kể cả bạn uống ít thì vẫn có nguy cơ mắc bệnh – điều này bác bỏ quan điểm cho rằng uống 1 cốc rượu vang mỗi ngày là tốt cho sức khoẻ.
Mặc dù chưa biết cơ chế chính xác là gì, nhưng có bằng chứng khá rõ ràng về tác hại tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh hiểm nghèo của chất cồn.
Chất cồn gây ung thư miệng, họng, thanh quản, thực quản, gan, đại tràng, đại trực tràng và ung thư vú, nhưng có thể còn gây ra những loại bệnh khác nữa.
Và thậm chí uống một lượng nhỏ cũng làm tăng nguy cơ.
Tuy nhiên, dù có khuyến cáo từ đầu năm nay rằng không có mức an toàn của sử dụng đồ uống có cồn, thì nghiên cứu tại Anh cho thấy có tới 90% số người không nhận biết uống đồ có cồn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm nói trên.
Giáo sư Jennie Connor, Khoa Dược Phòng ngừa và Xã hội của Trường y Otago tại New Zealand đã tiến hành tổng kết các nghiên cứu gần đây.
Bà cho biết, dự tính chất cồn là nguyên nhân của nửa triệu trường hợp tử vong tính từ năm 2012, trong số các trường hợp tử vong do ung thư, do chất cồn chiếm 5.8%.
Giáo sư Connor bổ sung: "Đã có bằng chứng rõ ràng về khả năng gây ung thư của chất cồn trong ít nhất 7 bệnh, và có thể còn các bệnh khác nữa".
"Không cần xác nhận về cơ chế sinh học cụ thể giải thích chất cồn làm tăng nguy cơ gây ung thư để xác thực rằng chất cồn là nguyên nhân".
Bà cho biết không có mức an toàn của rượu đối với nguy cơ mắc ung thư. Tuy nhiên, nguy cơ một số bệnh ung thư có thể giảm đối với những người đã dừng uống rượu.
Lợi ích sức khoẻ của uống rượu – như vang đỏ tốt cho tim – không thích đáng nếu so với nguy cơ mắc ung thư tăng lên.
Giáo sư Cornor cho biết nguy cơ ung thư tỷ lệ thuận với lượng cồn bạn uống.
Nghiên cứu này đã củng cố thêm nhận định do các chuyên gia y tế đầu ngành của Anh công bố vào tháng một năm nay, theo đó không có lượng rượu nào là không gây nguy cơ với sức khoẻ.
NHS (Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh) khuyến nghị đàn ông không nên uống quá 14 đơn vị cồn mỗi tuần (so với mức 21 đơn vị trước đây), cũng là mức ngang bằng với phụ nữ.
14 đơn vị cồn tương đương 7 cốc bia, hoặc 9 & 1/3 cốc thể tích 125ml loại rượu có độ mạnh trung bình.
Các chuyên gia cũng cảnh báo phụ nữ thường xuyên uống 2 đơn vị cồn mỗi ngày làm tăng 16% nguy cơ mắc bệnh và tử vong do ung thư vú.
Và những ai thường xuyên uống tới 5 đơn vị cồn mỗi ngày có nguy cơ tăng tới 40%. Cứ 1000 phụ nữ không uống rượu bia thì có 109 người mắc ung thư vú.
Tỷ lệ này tăng lên 126 người mắc bệnh nếu uống dưới 14 đơn vị cồn mỗi tuần, và tăng lên tới 153 người nếu uống 14-35 đơn vị cồn mỗi tuần.
Các nhà khoa học vẫn đang tiến hành nghiên cứu nguyên nhân rượu bia dẫn tới ung thư – nhưng một lý thuyết được đưa ra là chất cồn phá huỷ DNA.
Susannah Brown, giám đốc chương trình khoa học cho Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới (WCRF) cho biết, nhiều người mắc sai lầm khi nghĩ rằng uống rượu bia chỉ liên quan tới ung thư gan.
Bà cho biết: "Cùng các bằng chứng khác, chúng ta đã thấy nguy cơ tăng lên khi lượng rượu bia sử dụng tăng lên, và chúng ta nhất trí rằng có bằng chứng tin cậy để kết luận sử dụng chất cồn trực tiếp dẫn tới ung thư.
"Để phòng tránh ung thư, từ lâu chúng ta đã khuyến nghị mọi người không nên uống rượu bia nữa, nhưng điều này nói dễ hơn làm."
Trước đây WCRF đã cảnh báo uống từ 3 đồ uống có cồn trở lên mỗi ngày làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
WCRF cũng tìm thấy các bằng chứng tin cậy về sự liên quan giữa rượu bia và các loại ung thư khác, bao gồm miệng, họng, gan, ruột và ung thư vú.
Alan Boobis, Giáo sư Dược lý Sinh hoá tại Trường Hoàng gia London cho biết, nghiên cứu nói trên: "là một tóm lược hữu ích về rượu bia và ung thư".
Về lợi ích giảm nguy cơ bệnh tim của rượu vang, NHS cho rằng có những cách tốt hơn để giảm nguy cơ tim mạch, ví dụ như giảm cân.
Elaine Hindal, Tổng giám đốc điều hành chương trình từ thiện Drinkaware cho biết: "Thường xuyên sử dụng rượu bia nhiều hơn mức khuyến cáo làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư.
Đồng thời cũng có thể làm tăng nguy cơ tim mạch và bệnh gan, đột quỵ và viêm tuỵ.
"Hút thuốc cùng với uống rượu bia làm tăng nguy cơ ung thư họng và miệng hơn là mắc một trong hai thứ".
Giáo sư Dorothy Bennett, Giám đốc Viện Nghiên cứu Khoa học Phân tử và Lâm sàng tại Đại học Thánh George tại London cho biết nghiên cứu mới nhất này giúp "cập nhật" các nghiên cứu từ trước tới nay bằng kết luận rượu bia "gây ung thư".
Bà cho biết nguyên nhân chất cồn gây ra ung thư là vì: "Chất cồn có thể dễ dàng thâm nhập vào các tế bào, và sau đó chuyển đổi thành acetaldehyde làm phá huỷ DNA và là chất sinh ung thư".
Tiến sỹ Penny Buykx, Trường Y tế và Nghiên cứu Liên quan tại Đại học Sheffield nhận định: "Nghiên cứu mới này đưa ra bằng chứng đáng tin cậy về việc sử dụng rượu bia làm tăng nguy cơ mắc ung thư".