Những chiếc xe tăng Challenger 2 của Ukraine đang phải vật lộn với một vấn đề khá nghiêm trọng trên chiến trường. Tờ The Sun của Anh cho biết, những chiếc xe tăng Challenger thường xuyên “nằm bất động” bởi một thứ được gọi là Chernozem (đất đen) của Ukraine.
Sự việc được phóng viên người Anh ghi lại một cách sinh động. Người này đã phát sóng trực tiếp khi ngồi trên tháp pháo của chiếc Challenger 2 bị mắc kẹt. Đây không chỉ đơn thuần là một câu chuyện mà nó thực sự là một khó khăn đối với những chiếc xe tăng nặng nề của phương Tây.
Phóng viên của The Sun giải thích với khán giả: “ Vấn đề lớn nhất đối với Challenger 2 ở Ukraine là bị mắc kẹt trong bùn ”. Theo tường thuật của phóng viên, địa hình ở Ukraine chủ yếu là những vùng đất đen màu mỡ, rộng lớn và đây là một trở ngại đáng kể trong bối cảnh cuộc xung đột đang diễn ra.
Điều đáng chú ý, trong suốt đoạn video được chia sẻ của phóng viên này, chiếc xe tăng dần dần chìm sâu hơn vào bùn. Mực nước bắt đầu dâng cao, ảnh hưởng đến phần trên của khung xe tăng. Kíp lái xe tăng chỉ có thể hy vọng cỗ máy khổng lồ của họ không chìm quá sâu vào nền đất yếu, vì việc trục vớt nó có thể trở thành một thách thức to lớn đối với các đội cứu hộ.
Xe tăng phương Tây với Chernozem
Chernozem còn được gọi là đất đen Ukraine, loại đất này có hàm lượng mùn lên tới 15%. Lớp mùn dồi dào này khiến đất có vẻ ngoài sẫm màu và là yếu tố chính tạo nên độ phì nhiêu đặc biệt của nó. Tuy nhiên, loại đất này cũng sở hữu những đặc tính vật lý độc đáo và là trở ngại đối với các loại máy móc hạng nặng, bao gồm cả xe tăng.
Loại đất này có khả năng giữ nước rất tốt nhờ hàm lượng chất hữu cơ cao. Khi trời mưa, nước mưa sẽ không thể thoát đi ngay do bị đất giữ lại, khiến nó biến thành địa hình mềm và lầy lội. Tình trạng này có thể khiến các phương tiện hạng nặng, chẳng hạn như xe tăng như Challenger, Abrams và Leopard do phương Tây sản xuất bị chìm khi di chuyển trên địa hình như vậy.
Ngoài ra, Chernozem còn rất giàu hàm lượng đất sét. Tính chất rắn chắc của các hạt đất sét làm giảm tính thấm của đất, dẫn đến thoát nước chậm. Điều này càng làm tăng thêm tình trạng ngập úng và bùn lầy của địa hình. Ngoài ra, khi đất sét khô lại sẽ rất khó để rửa sạch, chúng sẽ làm tăng trọng lượng và hạn chế tốc độ của những chiếc xe tăng.
Mặc dù xe tăng được thiết kế để có thể cơ động nhanh và vượt qua nhiều loại địa hình phức tạp, nhưng chúng không được thiết kế đặc biệt để vượt qua những thách thức mà Chernozem đặt ra. Bản xích rộng của những chiếc xe tăng nhằm mục đích phân bổ trọng lượng trên một diện tích lớn hơn để tránh bị chìm trên những địa hình đầy cát hoặc bùn lầy. Tuy nhiên, trên địa hình lầy lội và giàu đất sét của Chernozem, những đường ray rộng này lại là điểm bất lợi cho chúng.
Khó khăn chung
Một chiến lược quân sự được đưa ra thường đòi hỏi sự hiểu biết thấu đáo về tình hình thực tế, điều dường như bị thiếu trong trường hợp xe tăng phương Tây mắc kẹt ở vùng đất đen khét tiếng của Ukraine. Đây không phải là một bất ngờ với giới quan sát quân sự, mà là một bài học đối với các lãnh đạo quân sự NATO và Ukraine.
Các chiến lược gia quân sự đều biết rằng xe tăng Nga nhẹ hơn, nên chúng sẽ di chuyển dễ dàng hơn trên địa hình như vậy. Tần suất các vấn đề gặp phải cũng sẽ giảm đáng kể so với các xe tăng phương Tây nặng nề hơn.
Thời gian đầu của cuộc xung đột, đã có nhiều nỗ lực từ phương Tây nhằm mua những chiếc xe tăng cũ của Liên Xô rải rác trên toàn cầu cho Ukraine. Tuy nhiên, do tổn thất trên chiến trường là rất lớn nên không thể đáp ứng đủ, vì vậy các nước đồng minh của Ukraine phải cung cấp những chiếc xe tăng trong biên chế của họ.
Tuy nhiên, đất đen không chỉ là vấn đề riêng những chiếc xe tăng của phương Tây, mà ngay cả những chiếc xe tăng Nga cũng phải chịu chung hoàn cảnh.
Một ví dụ đáng chú ý là vào ngày 14/2/2022, một cuộc tập trận diễn ra ở vùng Rostov-on-Don của Nga, có sự tham gia của một trung đoàn xe tăng. Một số xe tăng T-72B3 của Nga đã bị mắc kẹt trong bùn, chúng đã bị vô hiệu hóa một cách hiệu quả. Xe tăng lún sâu trong bùn đến nỗi thiết bị kéo phụ trợ của quân đội không thể giải quyết được tình hình. Và họ phải nhờ tới sự hỗ trợ của một chiếc máy xúc lớn để mở đường cho xe tăng thoát ra ngoài.
Một vấn đề nữa đặt ra với xe tăng từ phương Tây là những cây cầu ở Ukraine. Về bản chất, xe tăng phương Tây nặng hơn đáng kể so với xe tăng Nga. Trong nhiều năm, Ukraine đã sử dụng hệ thống xe tăng Liên Xô, chủ yếu là T-72. Những chiếc xe tăng này nhẹ hơn và mang lại sự linh hoạt cao hơn. Do đó, cơ sở hạ tầng cầu, đường trong nước được thiết kế chỉ đủ để chịu được sức nặng của xe tăng Liên Xô. Và những kỹ sư xây dựng không lường trước được rằng, một ngày nào đó hệ thống cầu, đường của đất nước phải chịu được sức nặng của những chiếc xe tăng đến từ phương Tây.
Video chiếc Challenger 2 bị sa lầy trong Chernozem.