Trên bảng xếp hạng các CLB giàu nhất thế giới, Man Utd và Real Madrid luôn xếp ở những vị trí dẫn đầu. Tuy nhiên, thực tế Chelsea mới là đội bóng giàu nhất trong lịch sử nhân loại. Vì quá giàu nên họ mới sẵn sàng ném vào sọt rác hàng trăm triệu bảng mà không mảy may nuối tiếc.
Tối qua, vào thời khắc mành lưới The Blues rung lên vì người cũ Mohamed Salah, có lẽ không ít CĐV Chelsea đã phải lục lại lịch sử xem vì lý do nào mà The Blues lại bán đi một cầu thủ hay như Salah. Ngôi sao người Ai Cập đã ghi tới 10 bàn thắng cho Liverpool kể từ đầu mùa và trở thành cầu thủ đầu tiên trong lịch sử The Kop chạm mốc 10 bàn thắng chỉ sau 14 vòng đầu mùa.
Trước đó, Salah không chỉ gây ấn tượng vì phong độ cực cao, khả năng đi bóng chẳng kém gì Messi, tốc độ hơn đứt bất kỳ cầu thủ Premier League nào, anh còn khiến cho người hâm mộ thán phục vì bản lĩnh thép.
John Terry – một biểu tượng cho tinh thần chiến đấu của Chelsea – từng run rẩy bước lên đá quả penalty quyết định trong trận chung kết Champions League tại Moscow. Anh trượt chân rồi sút chiếc cúp… bay vút lên trời. Mặt Terry tái nhợt. Anh gục vào đầu gối bật khóc.
Salah cũng đứng trước một quả 11m tương tự. Đó là khi anh được giao trọng trách đá quả penalty phút 90+4 trong trận đấu quyết định đưa ĐT Ai Cập tới World Cup 2018. Bầu không khí nặng như chì. Camare lia lên khán đài. Nhiều fan đã nhắm mắt. Nhưng Salah lạnh lùng kết liễu thủ thành của ĐT Congo, đưa Ai Cập trở lại World Cup. Bình luận viên của trận đấu đó đã hô tên của Salah trong những tiếng nấc.
Vì lý do nào mà một cầu thủ như thế lại không được Chelsea trọng dụng?
Vấn đề là ngoài Salah, Chelsea còn bán đi vô số những ngôi sao lớn khác, như thể vứt đi những món đồ hết hạn sử dụng vào sọt rác. Kevin de Bruyne là một ví dụ. Tiền vệ người Bỉ đang là linh hồn của Man City, là hạt nhân biến Man xanh thành CLB bất khả chiến bại tại cả Premier League lẫn Champions League. Kể từ khi De Bruyne trở lại Premier League, không một cầu thủ nào kiến tạo nhiều bàn thắng như anh.
Ấy vậy mà thời còn thi đấu cho Chelsea, De Bruyne bị coi như hàng thải. Rồi cả Romelu Lukaku nữa. Chân sút lợi hại của Man Utd cũng từng thuộc về Chelsea. Và cũng giống như Salah hay De Bruyne, anh bị bán đi không thương tiếc.
Câu hỏi là tại sao Chelsea lại bán đi nhiều ngôi sao lớn đến vậy? Phải chăng The Blues giàu đến mức ném cả trăm triệu bảng vào sọt rác mà không tiếc.
Thực tế đúng là như vậy. Cũng chính vì Chelsea quá giàu, vì Roman Abramovich quá hào phóng nên sự kiên nhẫn là điều không bao giờ tồn tại ở Chelsea cả. Chỉ cần một cầu thủ nào đó đá dở vài trận đấu, anh ta sẽ bị HLV chỉ trích, bị đầy ngay lên băng ghế dự bị và Abramovich lại chuẩn bị nghe lời cầu xin mua một cầu thủ khác thay thế.
Vấn đề là ông chủ người Nga luôn sẵn lòng đáp ứng nhu cầu sắm sửa của các HLV. Diego Costa là một chân sút lợi hại. Nhưng chỉ cần anh này không được lòng HLV là không cần biết năng lực ra sao, Chelsea sẽ ngay lập tức chi một khoản tiền khổng lồ để mua tiền đạo khác thay thế.
Sự dễ dãi của Abra thể hiện rất rõ qua cách mà Costa bị đối xử. HLV Antonio Conte loại anh bằng một tin nhắn và điều tồi tệ là ông công khai cả tin nhắn "tôi không cần Costa nữa" trước báo giới. Thử hỏi sau khi tin nhắn đó được báo chí đăng tải, Chelsea có bán nổi Costa với giá cao hay sẽ bị các CLB muốn mua anh ép giá (vì Chelsea có cần nữa đâu).
Nhiều người cho rằng Chelsea không có bản sắc. Làm sao có bản sắc được khi 14 năm kỷ nguyên Abramovich xuất hiện tới… 12 HLV khác nhau, cả chính thức lẫn tạm quyền. Làm sao còn bản sắc được khi không còn những công thần như Lampard, Terry?
Vậy thì nhầm: Bản sắc của Chelsea chính là khả năng đốt tiền vô hạn. Man City cũng mua người vô tội vạ, nhưng họ hiếm khi bán đi một cầu thủ nào trở thành ngôi sao của CLB khác. Còn Chelsea, ngoài việc vội vàng bán đi những ngôi sao, họ còn sẵn lòng mang một ngôi sao lớn của mình bán sang CLB đối thủ (vụ Nemanja Matic sang Man Utd). Riêng khoản này quả là phải ngả mũ nể Chelsea.