Cheka- "Thanh kiếm và lá chắn" của nước Nga Xô viết

Đăng Sơn |

Thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga và sự ra đời của nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới là nguồn động viên to lớn cho các nước thuộc địa trong công cuộc đấu tranh giành độc lập. Để bảo vệ thành quả đó trước những thế lực đe dọa sự tồn vong của nước Nga Xô viết, cơ quan an ninh (Cheka) vừa là "lá chắn" trước ngoại xâm, vừa là "thanh kiếm" tiêu diệt lực lượng phản cách mạng trong lòng đất nước lúc bấy giờ...

"Tổ quốc xã hội chủ nghĩa lâm nguy!"

Ngày 7-12-1917, "Ủy ban đặc biệt toàn Nga về đấu tranh chống phản cách mạng và phá hoại thuộc Ủy ban Dân ủy Nga Xô viết" (VChK), gọi tắt là Cheka, được thành lập tại số 2 phố Gorokhovaya, thành phố Petrograd (St.Petersburg, Nga ngày nay). Đứng đầu cơ quan là Felix Edmunovich Dzerzhinsky, một người cộng sản.

Ngày 21-2-1918, nghị quyết của Ủy ban Dân ủy Nga Xô viết chỉ rõ mối đe dọa "thù trong-giặc ngoài" và đưa ra lời kêu gọi "Tổ quốc xã hội chủ nghĩa lâm nguy!".

Cheka được giao đặc quyền bằng mọi giá phải ổn định tình hình nội bộ nước Nga. Lãnh tụ vô sản Lenin chỉ rõ rằng, Ủy ban đặc biệt phải trở thành một tổ chức có vai trò "là công cụ đập tan vô số các âm mưu, thủ đoạn chống phá chính quyền Xô viết của những thế lực có tiềm lực mạnh hơn chúng ta nhiều".

Thanh kiếm và lá chắn

Thời kỳ đầu sau cách mạng, nước Nga Xô viết non trẻ ở trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc" khi nền kinh tế bị kiệt quệ sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, các thế lực phản cách mạng, vô chính phủ điên cuồng chống phá.

Lực lượng Bạch vệ của chính quyền Sa hoàng cũ, được sự hậu thuẫn của 14 nước quyết tâm lật đổ chính quyền vô sản bằng chiến tranh. Tầng lớp tư sản, địa chủ ở Nga và nước ngoài mong muốn khôi phục lại trật tự bất công trước cách mạng, chia cắt nước Nga rộng lớn, giàu tài nguyên thành từng miếng nhỏ để cai trị, vơ vét.

Cheka- Thanh kiếm và lá chắn của nước Nga Xô viết - Ảnh 1.

Felix Edmunovich Dzerzhinsky, người đứng đầu Cheka trong văn phòng làm việc. Ảnh: lenta.ru

Các hoạt động chống phá tăng mạnh, vô số những vụ bắt cóc, giết hại binh sĩ Hồng quân, ám sát các nhà hoạt động cách mạng xảy ra, đỉnh điểm là vụ mưu sát Lenin bất thành ngày 30-8-1918.

Ngay trong nội bộ Đảng và quân đội khi đó cũng thường xuyên xuất hiện tình trạng bất mãn, đào ngũ. Nạn cướp bóc, đầu cơ tích trữ diễn ra thường xuyên, đe dọa trực tiếp đến an ninh, trật tự và khả năng chiến đấu của Hồng quân.

Nhiệm vụ tiên quyết của Cheka là trở thành "thanh kiếm" ổn định an ninh trong nước, đập tan mọi âm mưu phản cách mạng. Theo đó, những tổ chức phản cách mạng, như "Liên minh bảo vệ đất mẹ và tự do", "Trung tâm dân tộc", "Trung tâm chiến thuật" lần lượt bị xóa sổ.

Cheka thậm chí đã dựng lên một số tổ chức "giả", thu hút các phần tử chống đối, sau đó ra tay tiêu diệt.

Trong cuộc chiến chống Bạch vệ và các nước đế quốc, Cheka đóng vai trò là "lá chắn", trở thành phòng tuyến duy trì kỷ luật quân đội, đồng thời gìn giữ an ninh, trật tự ở hậu phương. Nền kinh tế dần được phục hồi.

Tình trạng đầu cơ, tích trữ lương thực, thuốc men… giảm mạnh, việc thu hoạch, vận chuyển bằng đường sắt và đường bộ được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm cung cấp công bằng cho nhân dân, cũng như cho Hồng quân ngoài mặt trận.

Trong năm 1920, Cheka đã củng cố vững chắc chính quyền Xô viết ở Ukraine, từ nơi hoạt động kém hiệu quả, tư tưởng dân tộc hẹp hòi trở thành mặt trận chống Bạch vệ và thổ phỉ quan trọng nhất nước Nga.

Kẻ thù âm mưu lật đổ chính quyền Xô viết không những bằng cách công khai chống phá mà còn tìm cách luồn sâu vào bộ máy kinh tế, hành chính và đặc biệt là quân đội để làm suy giảm sức chiến đấu của binh sĩ Hồng quân. Một số tổ chức như "Liên minh sĩ quan hợp nhất" đã cài cắm người vào nội bộ Đảng nhưng nhanh chóng bị vạch trần.

Được sự cho phép của Dzerzhinsky, ngày 28-1-1919, Ủy ban Cheka vùng Yaroslav đã phá tan một tổ chức phá hoại trong Ban tham mưu quân đội vùng, do một số sĩ quan quân đội Sa hoàng cũ cầm đầu, ngầm đưa những phần tử có tư tưởng chống Xô viết và sĩ quan Bạch vệ thâm nhập hàng ngũ Hồng quân.

Sau khi nắm đủ bằng chứng, nội bộ quân đội trong vùng nhanh chóng được thanh lọc, bọn cầm đầu bị xử bắn.

Tầm quan trọng của Cheka còn thể hiện ở sự thiết lập nhanh chóng các Ủy ban đặc biệt trên toàn lãnh thổ nước Nga. Cho đến ngày 21-2-1919, đã có 40 Ủy ban Cheka cấp tỉnh, 365 Ủy ban cấp huyện, các đơn vị phản gián trong toàn bộ các quân đoàn, mặt trận và các đơn vị kiểm soát biên giới, đường sắt, đường thủy.

Thành công này nhờ vào sự lắng nghe thông tin từ quần chúng và việc tuyển mộ các nhân viên thông qua huấn luyện nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm trong quá trình hoạt động, nền tảng thế trận "an ninh nhân dân" của các nước xã hội chủ nghĩa sau này.

Trước tình hình chiến tranh thù trong-giặc ngoài, phương hướng hành động của Cheka theo chỉ thị có nguyên tắc của chính quyền vô sản đã ngăn chặn sự hỗn loạn, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Nhiều sử gia đã công nhận Cheka thể hiện thành công ý chí của giai cấp vô sản trong thời kỳ đầu khó khăn của nước Nga Xô-viết, khi kẻ thù không từ thủ đoạn nào để lật đổ chính quyền nhân dân.

Ngày 15-11-1923, Ủy ban đặc biệt Cheka được tái cơ cấu thành Tổng cục Chính trị Liên Bang (OGPU) khi nước Nga Xô viết đổi thành Liên bang Xô viết. Năm 1934, OGPU đổi tên thành Bộ Dân ủy Nội vụ (NKVD), tiền thân của cơ quan tình báo Liên Xô KGB, đảm nhiệm vai trò "thanh kiếm" và "lá chắn" như Cheka những ngày đầu cách mạng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại