Vụ kiện hi hữu của cô gái trẻ bị công ty sa thải vì che ô giữa văn phòng đã khiến cộng đồng mạng Trung Quốc được phen xôn xao.
Theo thông tin từ kho dữ liệu trực tuyến của Toà Trọng tài Trung Quốc, cô Trương, 35 tuổi, là nhân viên văn phòng của 1 công ty TNHH cho vay nhỏ ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Trong văn phòng của cô Trương lắp đặt rất nhiều camera giám sát có độ phân giải cao, trong đó có 1 chiếc được lắp ở vị trí ngay trên đầu cô.
Cô Trương cảm thấy chiếc camera trên đầu mình rất có thể sẽ ghi lại những khoảnh khắc riêng tư của bản thân, hơn nữa xét tới việc sếp nam sẽ xem được hình ảnh ấy, nên cô đã nghĩ ra cách dùng ô tạo ra không gian riêng giữa văn phòng.
Nghĩ là làm, cô Trương đã mở 2 chiếc ô che chắn quanh chỗ ngồi của mình để "vô hiệu hoá" camera. Hành động này của cô đã gây sự chú ý rất lớn trong công ty và khiến lãnh đạo công ty không hài lòng.
Sau đó, công ty đã 2 lần cử người tới nói chuyện với cô Trương về việc chiếc ô nhưng không đem lại hiệu quả. Công ty tiếp tục gửi cho cô Trương 2 văn bản cảnh cáo, tuy nhiên cô vẫn bỏ ngoài tai và duy trì việc che ô trong hơn 10 ngày làm việc tiếp theo. Cô Trương kiên quyết vin vào lý do lãnh đạo công ty là nam giới, mà chỗ ngồi của cô lại rất dễ bị lộ dưới ống kính camera, thế nên cô không thể dừng việc che ô nhằm đảm bảo quyền riêng tư của mình.
Không thể khiến cô Trương từ bỏ 2 chiếc ô, cấp trên đã sa thải cô vì vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của công ty.
Ảnh minh hoạ
Cô Trương không phục quyết định này nên đã đâm đơn khởi kiện công ty. Theo đó, cô yêu cầu công ty bồi thường cho mình 335 nghìn tệ (tương đương 1,2 tỷ đồng) bởi đã để xảy ra sai phạm trong việc chấm dứt hợp đồng lao động của nhân viên.
Trải qua phiên sơ thẩm và phúc thẩm, cô Trương đều không đồng tình với quyết định của Toà án và tiếp tục đệ đơn kháng cáo lên Toà án nhân dân cấp cao tỉnh Quảng Đông.
Sau quá trình thẩm tra, Toà án nhận định đây là 1 vụ tranh chấp liên quan đến hợp đồng lao động, trong đó nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải bồi thường thiệt hại vì chấm dứt hợp đồng lao động bất hợp pháp. Toà án cho rằng khu vực làm việc không phải là chốn riêng tư của nhân viên, bởi vậy việc lắp đặt camera giám sát không có gì bất cập. Còn về việc cô Trương cảm thấy chiếc camera trên đầu sẽ khiến cô bại lộ những khoảnh khắc riêng tư, phía Toà án đã phân tích những hình ảnh liên quan và không đồng tình với quan điểm của cô.
Toà kết luận nguyên đơn là cô Trương không có đủ bằng chứng để kết tội công ty chấm dứt hợp đồng lao động bất hợp pháp, bởi vậy phía bị đơn là công ty cũng không có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại. Cuối cùng, đơn kiện của cô Trương đã bị Toà án bác bỏ.
Ảnh minh hoạ
Việc các công ty cho lắp đặt camera giám sát nhằm quản lý nhân viên tốt hơn là việc làm khá phổ biến. Pháp luật Trung Quốc cũng không ngăn cấm các công ty lắp đặt camera, chỉ cần không phải là ở những không gian riêng tư như phòng thay đồ, phòng nghỉ hay phòng vệ sinh. Camera công sở phải được lắp đặt ở những nơi dễ nhìn thấy và việc trong văn phòng có camera cần thông báo trước cho nhân viên được biết. Bên cạnh đó, hình ảnh được camera ghi lại không thể bị lan truyền rộng rãi, đặc biệt là những nội dung liên quan đến quyền riêng tư của nhân viên. Trường hợp công ty xâm phạm quyền riêng tư của nhân viên thì mới bị coi là hành vi bất hợp pháp.
Câu chuyện của cô Trương đã gây ra 1 hồi tranh cãi trên mạng xã hội ở đất nước tỷ dân. 1 số người tỏ ra đồng tình với cô, bởi việc lắp đặt camera trên đầu nhân viên nữ có vẻ không hợp tình hợp lý: "Lắp camera thì không sai, nhưng nếu ở ngay trên đầu nhân viên thì cũng khó nói lắm.", "Chắc công ty nên xem lại vị trí lắp đặt camera chứ?", "Vấn đề bảo đảm quyền riêng tư dường như vẫn còn là thứ gì đó xa vời lắm.", "Thử tưởng tượng nếu cô ấy mặc 1 chiếc áo cổ hơi rộng, và camera thì ở ngay trên đầu... Tôi nghĩ là cũng khá bất cập đấy.", "Vị trí camera có vẻ không đúng lắm nhỉ?"...
1 số người khác lại cho rằng vấn đề nằm ở phía cô Trương và tỏ ra thông cảm với công ty nọ: "Chị gái ơi, giờ đi đâu cũng có camera cả. Chẳng lẽ chị đứng dưới bất kỳ camera công cộng nào thì cũng có thể kết tội người ta đang xâm phạm quyền riêng tư của chị à?", "Công ty đã thông báo 5 lần 7 lượt rồi mà cô có chịu nghe đâu, giờ còn oán trách người ta nữa? Tôi thấy công ty chẳng làm sai gì cả.", "Nếu công ty đùng đùng đuổi việc nhân viên thì mới không đúng, đằng này họ đã nhắc nhở rồi cảnh cáo tận mấy lần kia mà.", "Tôi nghĩ chị không hợp với việc đi làm đâu. Thôi chị cứ ở yên trong nhà, tha hồ mà đảm bảo quyền lợi.", "Bộ phận nhân sự tìm được 1 nhân viên như chị cũng thật tài tình đấy!", "Hàng ngày đi làm chị ăn mặc chỉnh tề, hành động đoan chính không thẹn với lòng thì có đến 10 hay 100 cái camera cũng chẳng ảnh hưởng gì đâu.", "Nhân viên quá mẫn cảm, công ty xử lý cũng không thật sự ổn!", "Nhưng giờ còn công ty nào không lắp camera khắp nơi à? 'Thần tiên tỷ tỷ' như chị thì xứng đáng bị đuổi việc đấy!", "Sếp là nam hay nữ thì cũng có rảnh để ngồi soi chị cả ngày đâu? Hay chị làm gì khuất tất nên mới có tật giật mình?"...