Chế độ hà khắc của Taliban khiến nền âm nhạc sôi động của Afghanistan câm lặng

Trung Hiếu |

Đất nước Afghanistan vốn có một truyền thống âm nhạc mạnh mẽ và một ngành nhạc pop phát triển. Nhưng sự lên cầm quyền của Taliban vào giữa tháng 8/2021 đã dìm âm nhạc quốc gia này vào trạng thái câm lặng.

Nhân vật mặc đồ trắng trong bức ảnh này là nữ ngôi sao nhạc pop hàng đầu Afghanistan, Aryana Sayeed - người được coi là một Kim Kardashian của quốc gia Nam Á này. Sau khi Taliban lên nắm quyền lần 2 vào tháng 8/2021, cô đã phải di tản sang Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: TV4.

Nhân vật mặc đồ trắng trong bức ảnh này là nữ ngôi sao nhạc pop hàng đầu Afghanistan, Aryana Sayeed - người được coi là một Kim Kardashian của quốc gia Nam Á này. Sau khi Taliban lên nắm quyền lần 2 vào tháng 8/2021, cô đã phải di tản sang Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: TV4.

Một tháng sau khi Taliban cướp được chính quyền ở Afghanistan, âm nhạc tại xứ sở này bắt đầu rơi vào yên lặng. Khi nhóm vũ trang Hồi giáo này lần đầu nắm quyền (vào cuối thập niên 1990), họ cấm tiệt âm nhạc. Lần này, chính quyền lần 2 của Taliban chưa chính thức thực hiện điều đó. Nhưng các nhạc công Afghanistan e sợ lệnh cấm đó không sớm thì muộn sẽ xuất hiện. Và một số chiến binh Taliban đã bắt đầu áp đặt các quy tắc riêng, quấy rối các nhạc công và địa điểm biểu diễn âm nhạc.

Không khí nặng trĩu trong ngành âm nhạc

Nhiều hội trường tổ chức đám cưới đang giới hạn âm nhạc gọn vào nơi họ tụ tập. Các nhạc công sợ hãi không dám biểu diễn. Ít nhất một nhạc công kể lại rằng các chiến binh Taliban tại một chốt kiểm soát gần thủ đô đã đập nát nhạc cụ của anh này. Các tài xế thì tắt radio của mình mỗi lần thấy chốt kiểm soát của Taliban.

Tại các ngõ hẻm của Kharabat – khu vực cận kề với Thành Cổ Kabul, âm nhạc là nghề truyền thống được truyền qua các thế hệ của nhiều gia đình. Các gia đình này giờ đang tìm đường di tản khỏi Afghanistan. Trước khi Taliban lên cầm quyền lần 2, nghề âm nhạc ở Afghanistan đã gặp khó khăn lớn do nền kinh tế chung xập xệ cũng như đại dịch Covid-19. Một số gia đình quá sợ Taliban , không dám hành nghề âm nhạc và phải bán dần đồ đạc để sống qua ngày.

Muzafar Bakhsh (21 tuổi) – chuyên chơi nhạc trong một ban nhạc đám cưới, tâm sự: “Tình hình hiện nay quả là một sự áp bức”. Gia đình cậu vừa mới bán một số đồ đạc của mình tại khu chợ trời mới của Kabul.

Bakhsh nói: “Chúng tôi bán hết món đồ này đến món đồ khác để khỏi bị chết đói”. Người ông của cậu chính là Rahim Bakhsh – một bậc thầy về âm nhạc cổ điển Afghanistan.

Afghanistan giàu truyền thống âm nhạc. Âm nhạc của họ chịu ảnh hưởng của nhạc cổ điển Iran và Ấn Độ. Nghệ thuật nhạc pop cũng rất hưng thịnh ở đây, kết hợp các nhạc khí điện tử và nhịp dance vào các giai điệu nhạc truyền thống. Cả hai thể loại này đều phát triển mạnh trong 20 năm qua.

Khi được hỏi liệu chính quyền Taliban có cấm nhạc một lần nữa hay không, phát ngôn viên Bilal Karimi của Taliban nói với hãng thông tấn AP như sau: “Ngay lúc này đây, điều này đang được xem xét. Khi có quyết định cuối cùng, Tiểu vương quốc Hồi giáo (tức chính thể của Taliban – ND) sẽ công bố”.

Trong lúc này, các tụ điểm âm nhạc đã cảm nhận rõ sức ép kể từ khi Taliban tràn vào thủ đô Kabul vào ngày 15/8/2021.

Các hôn trường thường ngập tràn âm nhạc và các điệu múa và thường chia tách thành khu cho nam và cho nữ. Các chiến binh Taliban hay lai vãng đến các nơi đó và dù chưa phản đối chuyện âm nhạc, sự hiện diện của họ mang tính hăm dọa. Nhiều nhạc công đã từ chối lộ diện. Ở khu nam của đám cưới, không còn nhạc sống hay nhạc sàn nữa. Ở khu nữ, nơi các chiến binh Taliban ít tiếp cận, các DJ nữ thi thoảng vẫn trình diễn nhạc.

Các tiệm karaoke thì đã đóng cửa. Những quán nào còn mở sẽ đối diện với sự quấy rối. Một tiệm mà phóng viên AP ghé thăm thì đã ngừng karaoke nhưng vẫn cho chạy nhạc đã ghi âm. Tuần trước, các chiến binh Taliban xuất hiện tại đây, đập vỡ một chiếc đàn accordion và xé các dấu hiệu và miếng dán liên quan đến âm nhạc hay karaoke. Vài ngày sau, họ quay trở lại và yêu cầu khách phải rời đi ngay lập tức. Nhiều nhạc công đã xin visa xuất ngoại.

Nghệ sĩ tìm lối thoát ra nước ngoài

Trong nhà một nghệ sĩ có tiếng khác ở Kharabat, hành lý của mọi thành viên đều đã chật căng, sẵn sàng cho việc lên đường khi có cơ hội. Bên trong một căn phòng ở đây, một nhóm nhạc công quây quần uống trà và thảo luận tình hình. Họ chia sẻ các bức ảnh và video các buổi biểu diễn trên khắp thế giới, từ Moscow tới Baku, New Delhi, Dubai, và New York.

Một tay trống nói: “Nơi đây không đón nhận nhạc công nữa. Chúng ta phải ra đi. Tình yêu và tình cảm của những năm qua đã qua rồi”. Nghệ sĩ trống này có sự nghiệp tới 35 năm. Ông là chủ một trung tâm giáo dục âm nhạc hàng đầu ở Kabul. Như nhiều nhạc công khác, ông phải giấu tên để đề phòng bị Taliban trả thù.

Một nhạc sĩ khác cho biết Taliban đã đập vỡ bàn phím đàn trị giá tới 3.000 USD khi họ thấy thiết bị này bên trong ô tô của ông lúc ông lái xe qua chốt kiểm soát. Những vị khác thì nói rằng họ đang chuyển các nhạc cụ quý giá nhất của họ ra nước ngoài hoặc đem giấu đi. Một vị đã tháo rời cặp trống Ấn Độ và giấu các bộ phận ở các địa điểm khác nhau. Một nghệ sĩ chôn đàn dây rebab ở sân trong nhà. Một số thì chia sẻ rằng họ giấu nhạc cụ trong các bức tường giả bí mật.

Aryana Sayeed – một nữ ngôi sao nhạc pop, đã cố gắng thoát khỏi Afghanistan. Cô từng làm giám khảo trong chương trình tài năng truyền hình mang tên “Giọng hát Afghanistan”. Đã quen thuộc với các đe dọa giết chóc của các phần tử Hồi giáo cứng rắn , Sayeed quyết định di tản vào ngày Taliban lên cầm quyền ở Kabul.

Hiện tại sống ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Sayeed chia sẻ: “Tôi phải sống sót và làm tiếng nói cho các phụ nữ khác ở Afghanistan”. Nữ ca sĩ kiêm nhạc sĩ này cho biết, cô đang đề nghị giới chức Thổ Nhĩ Kỳ giúp các nghệ sĩ âm nhạc khác thoát khỏi quê hương cô. Sayeed tuyên bố: “Taliban không phải là bạn bè của Afghanistan, chúng là kẻ thù của chúng tôi. Chỉ có kẻ thù mới đi tàn phá lịch sử và âm nhạc của bạn”.

Nhạc viện đìu hiu

Còn tại Viện Âm nhạc Quốc gia Afghanistan, hầu hết các lớp học đều trống trơn. Không một giảng viên hay sinh viên nào của viện này quay trở lại đây kể từ khi Taliban giành được chính quyền toàn quốc. Viện từng nổi tiếng về tính đại diện cao cho các tầng lớp nhân dân và từng được coi là gương mặt cho một Afghanistan mới. Giờ đây các chiến binh của mạng lưới Haqqani đang canh gác viện này. Haqqani là đồng minh của Taliban và bị Mỹ coi là một nhóm khủng bố.

Bên trong viện này, những chiếc đàn piano bám bụi nằm trong các căn phòng đã được khóa lại và một số nhạc cụ được chất đống trong một container đặt giữa sân trường. Các chiến binh bảo vệ nơi này cho biết họ đang đợi lệnh của cấp trên chỉ đạo về cách xử lý cơ sở này.

Đứng cạnh dhamboura (một nhạc cụ truyền thống), một chiến binh Haqqani nói: “Chúng tôi chẳng thích thú gì việc nghe mấy thứ này. Tôi chả biết đây là cái quái gì nữa. Tôi không quan tâm”.

Trong một lớp học ở cuối hành lang, một chiến binh Taliban ngồi nghỉ trên một tấm nệm nghe một giọng nam đang tụng kinh trên điện thoại di động.

Quay trở lại Kharabat, Mohammed Ibrahim Afzali từng điều hành một doanh nghiệp gia đình chuyên sửa chữa nhạc cụ. Vào giữa tháng 8 này, ông vứt hết các đồ nghề của mình, đập vỡ các nhạc cụ còn trong xưởng và đóng cửa. Người đàn ông 61 tuổi này giờ bán khoai tây chiên và đồ ăn nhanh để nuôi sống gia đình có tới 13 miệng ăn./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại