Tờ The Guardian đưa tin, có khoảng 700 triệu người trên thế giới mắc các bệnh thận mạn tính. Loại bệnh này có thể dẫn đến suy thận và tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, việc tìm hiểu các yếu tố nguy cơ gây bệnh là điều cần thiết để ngăn chặn sự khởi phát cũng như tiến triển của bệnh thận mạn tính.
Một nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học tại Viện Sức khỏe Toàn cầu George và Đại học New South Wales đã phát hiện ra mối liên hệ giữa hàm lượng axit béo omega 3 chuỗi dài có trong hải sản với nguy cơ mắc các bệnh về thận. Theo đó, hàm lượng omega 3 cao sẽ giúp nguy cơ mắc bệnh thận thấp đi. Các nhà khoa học cũng cho biết hàm lượng omega 3 nguồn gốc từ thực vật không có được mối liên hệ này. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y khoa BMJ.
Ăn thế nào để được lợi?
Các loại cá béo sống ở vùng nước lạnh rất giàu omega 3. (Ảnh minh họa).
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng ăn ít nhất hai phần cá béo như cá thu, cá mòi, cá hồi hoặc cá trích mỗi tuần liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính và cải thiện chức năng hoạt động của thận.
Tiến sĩ Matti Marklund, Viện Sức khỏe Toàn cầu George, nói: “Hàm lượng omega 3 cao nhất ở các loại cá béo sống ở vùng nước lạnh như cá hồi, cá mòi, cá thu và cá trích, trong khi hàm lượng omega 3 thấp hơn ở các động vật có vỏ như hàu, cua”.
Các phát hiện của nghiên cứu khẳng định thêm rằng tiêu thụ các loại cá béo và hải sản là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh.
Tiến sĩ Marklund nói thêm: “Các khuyến nghị về chế độ ăn uống hiện nay ở hầu hết các quốc gia đều cho rằng mọi người nên ăn ít nhất hai khẩu phần cá mỗi tuần, tốt nhất là cá béo. Với mỗi khẩu phần ăn như vậy sẽ cung cấp khoảng 250mg omega 3 chuỗi dài”.
Thông tin thêm về nghiên cứu
Động vật có vỏ chứa hàm lượng omega 3 thấp hơn các loại cá béo. (Ảnh minh họa).
Các nghiên cứu khác trước đây trên động vật cho thấy omega 3 có thể có lợi đối với sức khỏe của thận. Tuy nhiên cho tới nay, các nghiên cứu trên người để chứng minh lợi ích này vẫn còn hạn chế và chủ yếu dựa vào bảng câu hỏi về chế độ ăn uống.
Ở nghiên cứu trên, các nhà nghiên cứu đã tổng hợp kết quả của 19 nghiên cứu từ 12 quốc gia để kiểm tra mối liên hệ giữa hàm lượng omega 3 và sự phát triển các bệnh thận mạn tính ở người lớn. Khoảng 25.000 người có độ tuổi từ 49 đến 77 đã tham gia nghiên cứu.
Sau khi xem xét tất cả các yếu tố như tuổi tác, giới tính, chủng tộc, chỉ số khối cơ thể, việc sử dụng thuốc lá hoặc đồ uống có cồn, mức độ hoạt động thể chất, các bệnh mạn tính khác (bệnh tim, tiểu đường), các nhà khoa học nhận thấy những người có hàm lượng omega 3 trong cơ thể bằng việc ăn hải sản có nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính thấp hơn 8%. Mức độ omega 3 cao hơn cũng làm chậm đi quá trình suy giảm chức năng thận qua mỗi năm.
Các nhà nghiên cứu thừa nhận những phát hiện của họ chỉ dựa trên quan sát, do đó không chứng minh được việc bổ sung nhiều hải sản vào chế độ ăn uống chắc chắn làm giảm nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính. Tiến sĩ Marklund nói: “Chúng tôi cần các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng để xác định loại quan hệ nhân quả đó. Tuy nhiên, ở các phân tích sâu hơn, các kết quả đều tương tự và có vẻ nhất quán giữa các nhóm tuổi”.
“Mức độ omega 3 cao hơn luôn liên quan đến nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính thấp hơn".
(Nguồn: The Guardian)