Chảy máu mũi hay còn được gọi là chảy máu cam, xảy ra khi các mạch máu mũi bị tổn thương. Tổn thương này dẫn đến máu chảy ra từ bên trong mũi.
Tùy thuộc vào vùng mô tổn thương, chảy máu mũi được phân loại thành chảy máu mũi trước và chảy máu mũi sau.
Chảy máu mũi sau liên quan đến chảy máu ở phía sau khoang mũi, lượng máu chảy nhiều hơn so với chảy máu mũi trước.
Khoảng 60% dân số chảy máu cam ít nhất một lần trong đời và 6% trong số đó cần được chăm sóc y tế.
Chảy máu mũi trước
Chảy máu mũi trước: máu chảy ra từ vách ngăn mũi, vách ngăn mũi chứa các mạch máu dễ vỡ. Chảy máu mũi trước thường không nghiêm trọng và có thể điều trị tại nhà. Trẻ em thường bị chảy máu mũi trước.
Chảy máu mũi sau
Chảy máu mũi sau xảy ra khi các động mạch cung cấp máu cho mũi bị tổn thương. Tổn thương động mạch dẫn đến chảy máu nhiều hơn so với chảy máu mũi trước, máu có thể chảy vào cổ họng.
Chảy máu mũi sau xảy ra trong tình huống chảy máu mũi kéo dài hơn 20 phút hoặc diễn ra sau khi bị thương ở đầu hoặc mặt.
Chảy máu mũi sau thường xảy ra ở người lớn tuổi, người cao huyết áp, cần phải được chăm sóc y tế.
Các nguyên nhân gây ra chảy máu mũi
Thường xuyên ngoáy mũi là một trong những nguyên nhân gây chảy máu mũi
Một số nguyên nhân chính gây ra chảy máu mũi sau gồm tổn thương, kích ứng, tình trạng sức khỏe và các loại thuốc:
* Tổn thương hoặc kích ứng
- Xì mũi mạnh hoặc thường xuyên
- Thường xuyên ngoáy hoặc day mũi
- Hít phải các hóa chất, chẳng hạn như amoniac
- Tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc lá
- Tiếp xúc kéo dài với không khí khô
- Chấn thương mũi hoặc sọ
- Xảy ra sau phẫu thuật đầu hoặc mũi.
* Tình trạng sức khỏe hoặc các loại thuốc
- Tình trạng sức khỏe
- Huyết áp cao
- Phình động mạch cảnh
- Thiếu canxi
- Rối loạn về mạch máu ví dụ như bệnh rối loạn đông máu hoặc bệnh bạch cầu
- Các khối u xung quanh hoặc trong mũi
- Bệnh tự miễn và bệnh rối loạn miễn nhiễm
- Xơ vữa động mạch gây xơ cứng và thu hẹp động mạch
- Bệnh Von Willebrand là bệnh rối loạn đông cầm máu
* Các loại thuốc làm tăng nguy cơ chảy máu cam bao gồm thuốc chống viêm và làm loãng máu. Ví dụ như:
- Aspirin
- Clopidogrel
- Warfarin
- Liệu pháp điều trị bổ sung và thay thế như bạch quả và vitamin E
Theo Hiệp hội Rhinologic Hoa Kỳ, các nguyên nhân gây chảy máu cam phổ biến nhất là tổn thương, vật thể lạ trong mũi, nhiễm trùng và tiếp xúc với không khí khô.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp chảy máu mũi là tự phát, không rõ nguyên nhân.
Cách xử lý khi bị chảy máu mũi
Tư thế chúi đầu về phía trước là chuẩn để giúp máu không chảy vào họng
Thực hiện các bước sau:
- Giữ bình tĩnh
- Ngồi thẳng lưng, giữ đầu ở mức cao hơn tim
- Chúi đầu về phía trước ngăn máu chảy vào cổ họng
- Xì mũi nhẹ nhàng để loại bỏ cục máu đông
- Sử dụng thuốc xịt làm co màng mũi như oxymetazoline hoặc neo-synephrine
- Dùng ngón tay cái và trỏ bóp chặt hai bên cánh mũi (phần chóp mũi mềm)
- Giữ nguyên tư thế này trong 15 phút
- Kiểm tra xem máu còn chảy không
Thời gian chảy máu mũi kéo dài hơn 20 phút, cần phải được chăm sóc y tế ngay.
Sau khi máu đã ngừng chảy, có thể đặt một túi đá nhỏ trên mũi để giảm đau và sưng. Không ngoáy hoặc xì mũi trong vài giờ sau khi chảy máu mũi. Tránh các chất kích thích như khói thuốc lá cho đến khi vết thương lành hẳn.
Những bước trên hiệu quả trong việc điều trị chảy máu mũi phía trước. Đối với các triệu chứng chảy máu mũi phía sau mà không tự sơ cứu được thì cần phải được chăm sóc y tế.
Chăm sóc y tế
Các phương pháp chăm sóc y tế phổ biến nhất trong điều trị chảy máu cam bao gồm:
Phương pháp đốt điện áp dụng nếu phương pháp nhét bấc mũi không cầm được máu
Nhét bấc mũi: bịt mũi phía trước hoặc mũi phía sau bằng gạc, miếng cầm máu mũi hoặc bong bóng cao su tạo áp lực trực tiếp lên nguồn chảy máu, ngăn máu chảy ra. Bong bóng cao su hiệu quả trong việc ngăn chảy máu mũi sau.
Hóa chất hoặc đốt điện: phương pháp này áp dụng nếu phương pháp nhét bấc mũi không cầm được máu, áp dụng trong trường hợp chảy máu mũi trước. Các mạch máu được đốt bằng bạc nitrat, tia laze, một dòng điện.
Phẫu thuật ligation: Còn được gọi là clipping, ligation là một phương pháp phẫu thuật liên quan đến việc thắt các mạch máu, động mạch gây ra chảy máu.
Điều trị y tế là cần thiết nếu chảy máu mũi không cầm được sau 20 phút hoặc xảy ra thường xuyên.
Phòng ngừa
Chảy máu mũi phía sau có thể được ngăn ngừa bằng cách:
- Tránh sự kích thích, ví dụ như đặt các vật lạ bên trong mũi.
- Xì mũi nhẹ nhàng và chỉ xì mũi khi cần thiết.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong điều kiện khí hậu khô.
- Tránh các tình huống, hoạt động làm tăng nguy cơ chấn thương hoặc ảnh hưởng đến phần mặt, chẳng hạn như trong thể thao đồng đội.
- Hạn chế các nguyên nhân làm tăng nguy cơ chảy máu cam.
- Trao đổi với bác sĩ khi sử dụng thuốc tăng nguy cơ chảy máu cam.
- Tránh hoạt động nặng sau khi bị chảy máu cam ít nhất 7 ngày, để tránh tái phát.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
- Chảy máu mũi kéo dài hơn 20 phút
- Chảy máu mũi xảy ra sau một chấn thương
- Cảm nhận hoặc nếm thấy máu trong cổ họng ngay cả khi máu đã ngừng chảy
- Chảy máu mũi kèm các triệu chứng chóng mặt, sốt, ngất hoặc nôn
- Lượng máu chảy nhiều
- Chảy máu mũi cản trở hít thở
- Chảy máu mũi xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi
- Chảy máu mũi liên quan đến tình trạng sức khoẻ hoặc sử dụng thuốc.
* Theo Medicalnewstoday