Chạy đua vũ trang ở Bắc Cực: Có Thụy Điển và Phần Lan, NATO lấy 7 'chọi' 1 với Nga, liệu có thắng?

Hữu Hiển |

Nga đã có lợi thế quân sự ở Bắc Cực trong nhiều thập kỷ, nhưng NATO hy vọng rằng việc gia nhập gần đây của Thụy Điển và Phần Lan có thể giúp liên minh này nhanh chóng bắt kịp.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở ở London, Moscow có khả năng phòng thủ tầm xa "đáng kể" và "chắc chắn thách thức" NATO ở Bắc Cực. 8 trong số 11 tàu ngầm có khả năng phóng vũ khí hạt nhân tầm xa mà Nga sở hữu đang đồn trú tại Bán đảo Kola ở Bắc Cực.

Nima Khorrami - nhà nghiên cứu cộng tác tại tổ chức tư vấn Viện Bắc Cực có trụ sở tại Washington - nói với Euronews rằng, Nga đang đi trước các quốc gia Bắc Cực còn lại về mặt quân sự hóa khu vực, tuy nhiên, NATO đang thu hẹp khoảng cách này.

Theo Euronews, là những quốc gia chủ chốt ở Vòng Bắc Cực, Thụy Điển và Phần Lan đã và đang phát triể n năng lực quân sự và phòng thủ của mình trước các mối đe dọa từ nước láng giềng Nga ở đó.

Việc hai nước này gia nhập NATO – Phần Lan gia nhập vào tháng 4/2023 còn Thụy Điển gia nhập vào tháng 3/2024 – có nghĩa là 7 trong số 8 thành viên của Hội đồng Bắc Cực - diễn đàn liên chính phủ hàng đầu thúc đẩy hợp tác ở Bắc Cực - đều nằm trong liên minh quân sự NATO. Hội đồng Bắc Cực bao gồm: Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Mỹ và Nga.

Chạy đua vũ trang ở Bắc Cực: Có Thụy Điển và Phần Lan, NATO lấy 7 'chọi' 1 với Nga, liệu có thắng?- Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod (người mặc áo đen, đứng thứ hai từ phải sang) thăm địa điểm Black Ridge Viewing ở Kangerlussuaq, Greenland, vào ngày 20/5/2021. Ảnh: AP

NATO vẫn chưa soạn thảo kế hoạch đưa hai thành viên mới nhất của mình vào chiến lược Bắc Cực nhưng "Nga thấy mình gặp bất lợi do bảy quốc gia Bắc Cực đều là thành viên NATO", Khorrami nói.

"Tư cách thành viên này cho phép họ đưa ra nhận thức chung về mối đe dọa ở Bắc Cực, từ đó tạo điều kiện cho sự phối hợp tốt hơn và nhanh chóng hơn", ông nói thêm. "NATO có thể nâng cao quan điểm và triển khai các nguồn lực của mình nhanh chóng hơn, từ đó trở thành sự hiện diện an ninh đáng kể ở Bắc Cực."

Thụy Điển, Phần Lan: 'Năng lực quan trọng' của NATO ở Bắc Cực

Thụy Điển và Phần Lan đã phát triển "các năng lực quan trọng ở Bắc Cực", Sophie Arts - cán bộ dự án thuộc Quỹ Marshall Đức của Mỹ - nói với Euronews.

Arts cho biết, Stockholm đang tăng ngân sách quốc phòng và cân nhắc cách tăng số lượng nhân sự do mối đe dọa từ Nga trong khu vực; trước khi gia nhập NATO, hai nước đã hợp tác với các đồng minh như Na Uy để gia tăng sự hiện diện ở Bắc Cực.

Năm 2022, Thụy Điển, Phần Lan và Na Uy đã ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng với trọng tâm đặc biệt là Bắc Cực. Theo thỏa thuận, các nước này đồng ý tăng cường các hoạt động chung ở vùng Viễn Bắc và còn cho phép lực lượng vũ trang của họ hợp tác hơn nữa.

Theo Euronews, Vùng Bắc Cực của Thụy Điển là chìa khóa cho sự phát triển của châu Âu. Công ty khai thác mỏ quốc doanh LKAB của nước này cung cấp khoảng 80% quặng sắt ở châu Âu.

Thụy Điển cũng có Esrange - tổ hợp phóng vệ tinh quỹ đạo duy nhất của EU - đưa các nước châu Âu đến gần hơn với việc cạnh tranh trong cuộc đua không gian giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga.

Thụy Điển đang xây dựng một trung tâm trung tâm dữ liệu lớn ở phía bắc đất nước. Facebook đã đặt trung tâm dữ liệu ở thành phố Lulea của nước này từ năm 2017.

Tuy nhiên, chuyên gia Arts cho biết, một trong những thách thức chính của NATO trong tương lai là việc thiếu nhận thức chung về tình hình ở Bắc Cực khiến liên minh có nguy cơ gặp phải các mối đe dọa tiềm tàng.

Một trong những câu hỏi lớn là "làm thế nào NATO có thể tích hợp các lực lượng và kế hoạch phòng thủ của mình trên các chiến trường và lĩnh vực khác nhau để đảm bảo đưa ra cách tiếp cận an ninh 360 độ", bà nói.

NATO 'cảnh giác' trước mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực

Theo Euronews, vào tháng 10/2023, Đô đốc Rob Bauer - Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO - đã cảnh báo về mối đe dọa do Nga và Trung Quốc có thể gây ra ở khu vực Bắc Cực, đồng thời kêu gọi liên minh tiếp tục "cảnh giác" trước những động thái bất ngờ của đối thủ.

"Sự cạnh tranh và quân sự hóa ngày càng gia tăng ở khu vực Bắc Cực, đặc biệt là của Nga và Trung Quốc, là điều đáng lo ngại. Băng tan ở Bắc Cực đang tạo ra các tuyến đường biển mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của các tàu lớn và rút ngắn thời gian di chuyển. Chúng ta không thể ngây thơ và bỏ qua những ý định tiềm tàng của một số tác nhân trong khu vực", Đô đốc Bauer nói tại Hội nghị Vòng Bắc Cực.

Chạy đua vũ trang ở Bắc Cực: Có Thụy Điển và Phần Lan, NATO lấy 7 'chọi' 1 với Nga, liệu có thắng?- Ảnh 3.

Đô đốc Rob Bauer - Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO - phát biểu tại Hội nghị Vòng Bắc Cực vào tháng 10/2023. Ảnh: Arctic Circle

Theo Euronews, ngoài Nga, Trung Quốc cũng tìm kiếm ảnh hưởng ở vùng Viễn Bắc. Bắc Kinh tự nhận mình là một quốc gia gần Bắc Cực và đang tăng cường quan hệ với Moscow để mở rộng khả năng tiếp cận.

Năm ngoái, hai nước đã công bố hợp tác nhằm thúc đẩy phát triển Tuyến đường biển phía Bắc (Northern Sea Route) - một trong những tuyến đường vận chuyển chính ở Bắc Cực.

Trung Quốc và Nga cũng bắt đầu sản xuất khí đốt tự nhiên tại các dự án chung ở Bắc Cực, mang lại cho thị trường khổng lồ về khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Bắc Kinh một nguồn khí đốt mới.

Năm 2022, tàu chiến của hai nước đã tiến hành tập trận chung ở biển Bering, nơi ngăn cách Alaska và Nga.

Vào tháng 10 năm đó, Na Uy đã nâng mức cảnh báo quân sự.

Liselotte Odgaard - thành viên cấp cao tại tổ chức tư vấn Viện Hudson có trụ sở tại Washington – cho biết, việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ mang lại lợi ích cho Biển Baltic nhiều hơn Bắc Cực.

Do yếu tố địa lý, các quốc gia khác như Na Uy và Đan Mạch có "trách nhiệm tuần tra hợp pháp" ở những khu vực mà người Nga có thể mở rộng ảnh hưởng, Odgaard nói.

"Các tên lửa hạt nhân của Nga đồn trú ở Bắc Cực rất có thể được bắn qua không phận Greenland vì có rất ít sự giám sát đối với không phận đó. Có nghĩa là Đan Mạch nên tăng cường khả năng giám sát hơn", Odgaard nói với Euronews.

Odgaard cho biết, không thành viên NATO nào có tàu được gia cố bằng băng với khả năng phòng không và chống tàu ngầm. Các tàu ngầm hạt nhân của Nga - có khả năng tấn công tới Bắc Mỹ - có thể di chuyển từ Biển Barents đến Greenland mà không bị phát hiện.

"Điều này để lại những lỗ hổng lớn trong thế trận phòng thủ của NATO", Odgaard nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại