Chạy đua công nghệ Mặt Trăng

Tuấn Sơn |

Chương trình “Moon Race” (Chạy đua lên Mặt Trăng) đã được thông báo trong phiên bế mạc Hội nghị Thiên văn quốc tế 2018 tổ chức tại Bremen (Đức).

Mục đích của những người tham gia không phải là chinh phục một cách nhanh nhất khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trăng, mà là phát triển những công nghệ mới nhằm khai thác ổn định Mặt trăng.

Số lượng người tham gia, xuất thân và địa vị của họ là không hạn chế: Đó có thể là các cơ sở GD đại học, các sinh viên, các công ty khởi nghiệp, các phòng thí nghiệm công nghiệp…

"Trong thực tế, nhiều ý tưởng đã bị các tập đoàn công nghiệp lớn vứt bỏ. Trong khi đó, chúng tôi dự định tạo cơ hội cho mọi khả năng, nhằm thúc đẩy và cụ thể hóa việc khai thác Mặt trăng" – kỹ sư Pierre-Alexis Journel ở Phòng Thí nghiệm Airbus giải thích.

Ý tưởng nảy sinh trong nhóm một số kỹ sư trẻ của Airbus, những người làm việc trong 2 năm dưới bóng những đồng nghiệp "cây đa, cây đề". Những kỹ sư trẻ đó là những người sáng lập Moon Race Team.

Họ đã liên hệ chặt chẽ với NASA, với Tập đoàn Vinci Construction (Pháp) và Công ty Blue Origin của nhà tỷ phú Mỹ Jeff Bezos – người đầu tư hàng tỷ USD cho các dự án vũ trụ.

Cuộc chạy đua bắt đầu từ đầu năm 2019 và kéo dài trong 5 năm. Dự kiến có 4 hướng tìm kiếm: Chế tạo, năng lượng, sinh học và khai thác.

Giai đoạn đầu tiên của bất kỳ công trình nào trên Mặt trăng cũng phải dựa trên việc xây dựng căn cứ. Nhiều cơ quan vũ trụ đã thông báo ý định in gạch xây dựng từ lớp đất mặt, khoáng vật trên Mặt trăng bằng máy in 3D. Vấn đề còn lại là phát triển các công nghệ thích hợp.

Khi các "căn phòng" được xây dựng xong, người sống trên Mặt trăng sẽ phải đối diện với nhiều nguy hiểm và bất ngờ mà môi trường Mặt trăng mang đến.

"Trên Mặt trăng, ở phần nhìn thấy từ Trái đất, đêm kéo dài tới 14 ngày. Chính vì vậy, dân cư Mặt trăng sẽ phải cần nhiều ánh sáng và năng lượng. Ngoài giải pháp panel pin Mặt trời, có thể sẽ có những giải pháp khác nảy sinh trong thời gian diễn ra Moon Race" – ông Antoine Delle – Vedove, kỹ sư Airbus ở Toulouse (Pháp), cho biết.

Cuộc tranh đua tiếp theo, mang tính sinh học, đó là kiểm tra xem vi khuẩn có thể phát triển trong môi trường Mặt trăng hay không. Đó là sự mở đường cho sự sống nói chung phát triển.

Nhiệm vụ tiếp theo là khai thác nguồn tài nguyên giàu có trên Mặt trăng. Mục đích là tạo ra nước và oxy cần thiết cho con người khi sống trên Trái đất và trong vũ trụ.

Vào đầu năm 2019, những dự án đầu tiên sẽ được ban giám khảo xem xét và đánh giá. Những dự án được chọn vào vòng tiếp theo – vòng thiết kế, xây dựng căn cứ, sẽ phải chứng minh việc xây dựng là khả thi.

Giai đoạn tiếp theo sẽ làm xuất hiện các ý tưởng thử nghiệm trong môi trường Mặt trăng, trong bụi và nhiệt độ thấp. Trong giai đoạn cuối cùng, các công nghệ tốt nhất sẽ đưa lên Mặt trăng trong các sứ mệnh của Cơ quan Hàng không Vũ trụ châu Âu ESA và Công ty Blue Origin.

"Moon Race muốn định hướng các nhóm khởi nghiệp và đồng hành cùng họ, bởi họ gặp nhiều khó khăn khi tự phát triển những đề án lớn, nhiều tham vọng" – ông Pierre – Alexis Journel nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại