i đấy từng nói rằng, tận cùng của nụ cười là nước mắt. Vậy thì đằng sau cuộc đời của Châu Tinh Trì, người đàn ông mang nụ cười đến hàng triệu khán giả, là gì mà đến giờ người đời vẫn tò mò hỏi nhau?
Châu Tinh Trì thường cho rằng mình là đứa trẻ đáng thương nhất Hong Kong.
Vừa chập chững bước đi, Châu Tinh Trì đã phải chứng kiến cha ruột bạo hành mẹ bằng những trận đòn roi. Ngay bản thân Châu Tinh Trì cũng thường xuyên "ăn roi thay cơm". Trong suốt những năm tháng tuổi thơ đó, từng vết lằn đỏ trên khuôn mặt của mẹ cứ ám ảnh và theo ông vào từng giấc ngủ.
Địa ngục đòn roi kết thúc vào ngày cha ông bỏ đi, để lại gánh nặng nuôi 3 con thơ đè lên đôi vai người mẹ gầy gò yếu ớt. Sự nghèo khó hiển hiện trong mỗi bữa ăn chỉ có cháo với rau. Mẹ Châu không dám ăn no, mọi thức ăn vất vả mua được đều nhường cho con nhỏ. Nhìn người mẹ yếu đuối bươn chải giữa đời để nuôi 3 chị em khiến Châu Tinh Trì chỉ hận sao không thể lớn nhanh hơn một chút để gánh đỡ những nhọc nhằn.
Từ khi lên 7, Châu Tinh Trì đã cố gắng tự mưu sinh bằng cách ra chợ bán đồ làm móng tay. Những đồng tiền đầu tiên vẫn còn ướt mồ hôi được Châu Tinh Trì nắm chặt trong lòng bàn tay, nâng niu như cả bầu trời với hi vọng phần nào giảm bớt gánh nặng cho mẹ.
Không biết bao nhiêu lần Châu Tinh Trì quệt nước mắt nhìn mẹ bị người ta chửi mắng giữa chợ để tự hứa với lòng mình rằng, phải thật giàu có để không ai có thể làm mẹ bị tổn thương.
Có lẽ Châu Tinh Trì chẳng thể nào quên những buổi trưa nắng với đôi bàn chân rớm máu vì đi bộ khắp khu chợ bụi bặm, ồn ào để mời mọi người mua hàng nhưng ai cũng lướt qua vội vàng không buồn nhìn lại.
Châu Tinh Trì của ngày ấy chỉ biết òa khóc mỗi khi vấp ngã, chỉ biết ôm riết lấy những vết thương để đau khổ một mình, nuốt cạn những tổn thương để u uất trong nỗi ấm ức chẳng thể nguôi ngoai nổi để rồi lấy đó làm động lực tiếp tục sống.
Trên đời không ai được lựa chọn hoàn cảnh khi sinh ra, nhưng tất cả đều có quyền lựa chọn cách sống.
Những hạt mầm vương vãi trên mặt đất không có cơ hội lựa chọn nơi đâm chồi nảy lộc, nhưng có quyền lựa chọn cho bộ rễ của nó đâm xuống sâu trong lòng đất hay lan theo mặt đất nông kia. Nếu nó sợ đau, sợ phải vất vả đưa bộ rễ xuống sâu trong lòng đất, thì khi gió bão kéo đến nó có thể bị quật ngã bất cứ lúc nào.
Còn Châu Tinh Trì, ông chấp nhận chảy máu, chấp nhận đớn đau để thay đổi số phận.
Trong suốt quá trình trưởng thành gian nan, cứ mỗi lần vấp ngã, đứng lên, Châu Tinh Trì lại thấy suy nghĩ của mình dài rộng hơn một chút. Châu Tinh Trì đã bước qua tuổi thanh xuân của mình với vô vàn những lần vấp ngã như thế.
Cuộc sống cơ cực cũng là cơ duyên mang Châu Tinh Trì đến với võ thuật. Không đủ học phí lên cấp 3, ông học kungfu qua chiếc TV đen trắng nhà hàng xóm.
Năm 1983, Châu Tinh Trì tạm biệt mẹ và bà ngoại để lên thành phố với hi vọng đổi đời. Không tiền, không người thân, Châu Tinh Trì làm đủ mọi việc để kiếm sống, để cố bám trụ lại vì giấc mơ làm giàu, thoát khổ.
Châu không từ chối bất kỳ công việc gì từ dọn vệ sinh, bê hàng ở bến cảng, hầu bàn, bảo vệ... miễn là có tiền duy trì cuộc sống tại Hong Kong đắt đỏ.
Ngày ấy, ở Hong Kong có một câu nói đùa rằng muốn giàu nhanh nhất chỉ có thể làm giải trí. Điều này cũng không có gì bất ngờ bởi thời kỳ ấy, làng giải trí Hong Kong được xem là đỉnh cao ở Châu Á. Và Châu Tinh Trì đã quyết định chọn phim ảnh là "miền đất hứa" cho những giấc mơ dang dở từ thuở bé.
Không tiền tài, không mối quan hệ, Châu Tinh Trì bước vào làng giải trí với vốn liếng đơn giản chỉ là khát khao thoát khỏi thực tại cay đắng. Và cũng như tuổi thơ nghèo khó khi xưa, quả ngọt lại một lần nữa không đến sớm với Châu Tinh Trì.
Làng giải trí Hong Kong ai cũng biết rằng, Lương Triều Vỹ đến với nghệ thuật nhờ lời động viện của người bạn thân Châu Tinh Trì. Nhưng trớ trêu thay, khi mà Lương Triều Vỹ đã trở thành ngôi sao thì Châu Tinh Trì vẫn chìm nổi với những vai diễn không lời thoại hoặc xuất hiện thoáng qua như lính canh, xác chết…
Thậm chí, ông còn từng bị "chị đại" trong làng giải trí Hong Kong khinh bỉ, miệt thị nói rằng: "Cả đời cũng không thể ngóc đầu lên được".
Những tưởng, những lời nói cay nghiệt đó sẽ giết chết hạt mầm khao khát trong Châu. Nhưng may sao, Châu Tinh Trì có một trái tim đủ mạnh mẽ, dũng cảm với một lòng kiên định để chấp nhận khổ đau mà tiếp tục sống.
Cuộc đời, dù muốn hay không, ai cũng phải bước lên, giẫm lên sỏi đá để mặc bước chân rớm máu, dẫu có muốn trốn chạy cũng không thể, dẫu có muốn vùi đầu vào ký ức, sống chật hẹp trong một góc của thế giới, rồi cũng sẽ phải chấp nhận thực tại và đấu tranh để vượt lên.
Châu Tinh Trì từng cay đắng chia sẻ: "Cảm giác này rất quan trọng vì nó khiến tôi không thể nào quên được sự chua xót đến tận tim của những con người bé nhỏ"
Và Châu Tinh Trì đã chọn cách đối diện tất cả. Ông chấp nhận đi qua 5 năm trời với 50 vai diễn dù chẳng ai nhớ mặt.
Ông chấp nhận để đạo diễn nhìn mình bằng con mắt khinh bạc, chấp nhận bị đồng nghiệp mỉa mai, chấp nhận bị phóng viên Hong Kong gán cho cái mác "kẻ làm trò nhạt nhẽo".
Châu Tinh Trì đã chọn cách "trả thù" ngọt ngào nhất dành cho những người từng khinh rẻ mình bằng cách trở thành ngôi sao nổi danh khắp Hong Kong, rồi cả Châu Á và toàn thế giới.
Người ta vội quên đi cậu bé nghèo nơi xóm chợ bởi vì Châu của hiện tại đang ngồi trên ngai vàng của đế chế hài mang tên "Hài Tinh Gia".
Chất hài của Châu Tình Trì không phải tiếng cười dễ dãi, mà xuất phát từ một tâm hồn nhìn thấu xã hội, thấu hiểu tiếng lòng của những người bình dân những người khát khao được thay đổi cuộc đời, khát khao tìm cho mình một tình yêu chân thật.
Phim của Châu thoạt nhìn rất hỗn độn, rất mảng miếng, song giữa cái điên, cái khùng, cái "lẩu thập cẩm" ấy lại có sự trầm ngâm, chiêm nghiệm của một người đi qua cả nỗi đau và hạnh phúc. Để vì thế, hài của Châu Tinh Trì dễ dàng mang tới nụ cười nhưng cũng dễ dàng chạm đến trái tim người xem.
Trang Sina từng nhận xét: "Tinh Gia một tay xây nên thời đại hoàng kim của phim hài nhảm, tự mình tạo nên một dòng điện ảnh khác biệt, làm mưa làm gió khắp năm châu".
Trong số những đạo diễn Hong Kong (Trung Quốc) nổi tiếng, Châu Tinh Trì là người khó định nghĩa nhất. Đạo diễn Đỗ Kỳ Phong trầm tính. Vương Gia Vệ lịch thiệp. Từ Khắc có tài sáng tạo.
Vậy sự mô tả nào "vừa vặn" nhất với Châu Tinh Trì?
Lu Zhengyu, một nhà biên kịch làm việc cùng Châu Tinh Trì cho biết: "Không ai biết được trong đầu anh ấy nghĩ gì. Chúng tôi thường bàn bạc để có được nhiều ý tưởng khác nhau. Đó có thể là lý do tại sao nhiều người nói Châu Tinh Trì khắt khe. Nhưng anh cũng khắt khe với chính mình nữa".
Là anh hùng màn ảnh, nhưng ngoài đời Châu lại bị coi là kẻ "tiểu nhân". Ông vua dòng phim thị trường thường xuyên bị tố cáo là kẻ ích kỷ, tự cao tự đại, vong ân bội nghĩa. Bằng chứng rõ nét nhất là anh bị bạn bè tẩy chay, bằng hữu quay lưng.
Người ta nói rằng Tinh Gia là kẻ lập dị, lập dị từ trong việc làm phim cho đến cuộc đời. Tinh Gia giàu, chẳng ai có thể phủ nhận nhưng ông vẫn như kiểu của một gã "trọc phú" mới nổi.
Từ khi bắt đầu nổi tiếng, Châu miệt mài đi kiếm tiền. Ông đóng phim, sản xuất phim, kinh doanh bất động sản, mở rạp phim...Có lẽ bất kỳ việc gì kiếm ra tiền Châu đều bắt tay vào.
Giàu là thế, nhưng Châu lại hà tiện và keo kiệt đến đáng thương. Bản thân Châu cũng chưa từng phủ nhận sự tiết kiệm của bản thân. Ông cũng khẳng định sẽ không bao giờ sống lãng phí, dù chỉ 1 xu.
Với ông, bữa ăn ngon nhất chính là cơm mẹ nấu. Nếu lỡ đi ăn nhà hàng thì chắc chắn phải mang đồ thừa về.
Sở hữu trong tay khối tài sản giàu có nhưng Châu Tinh Trì chưa từng có một chiếc xe hơi nào. Phương tiện đi lại chính của ông chính là chiếc xe đạp thể thao cũng không còn mới.
Thỉnh thoảng có sự kiện quan trọng người ta thấy Châu Tinh Trì đi taxi, nhưng đó là đợt taxi giảm giá. Nếu người nổi tiếng lượt là váy áo thời trang, Châu chọn cho mình bộ quần áo thể thao giá rẻ chẳng của thương hiệu nào.
Trong làng giải trí lan truyền một câu chuyện rằng chẳng mấy ai muốn rủ Châu Tinh Trì đi ăn vì thường vua hài sẽ né tránh chuyện trả tiền. Hoặc nếu đi chơi chung thì Châu Tinh Trì sẽ tính chi li từng đồng.
Nhưng kỳ lạ một điều, mặc cho ngoài kia bao lời bàn tán, bỉ bôi, đả kích, Châu Tinh Trì đều chọn cách im lặng, ông tự thu mình vào một góc, cất kín tâm tư của mình vào một thế giới riêng. Và ông dần dần sợ những mối quan tâm hời hợt, những mối quan hệ xã giao.
Trong Hào Môn Kinh Động từng có một câu nói về sự cô đơn: "Con người rất kỳ lạ. Càng lớn con người càng cô đơn, như vậy, rốt cuộc là cô đơn chọn lựa con người, hay là con người lựa chọn cô đơn?"
Còn Châu Tinh Trì, ông đã chọn cô đơn hay cô đơn tìm thấy ông?
Trên phim, Châu Tinh Trì hài hước và đào hoa bao nhiêu thì cuộc đời ông lại trái ngược hoàn toàn, cô độc và khép mình trước mọi cuộc vui của cả làng giải trí. Ông thường chọn cho mình một chỗ ngồi kín đáo, tránh xa ánh nhìn của người đời để từ đó trầm ngâm cảm nhận sự vận động xung quanh.
Nỗi ám ảnh về quá khứ nghèo khổ biến Châu trở thành kẻ ‘trọc phú’ giàu có những vô cùng độc đoán, hà tiện. Châu không dám hoang phí, không dám lơi là một chút nào với đống tài sản của mình bởi ông luôn ám ảnh bởi sự nghèo khó. Ông chỉ sợ mình tiêu xài hoang phí, chớp mắt một cái lại trở về khoảng thời gian đau đớn như trước đây. Lúc nào ông cũng sống trong cảm giác sợ hãi sự nghèo đói sẽ ập đến với mình bất kỳ lúc nào.
Châu hà tiện, Châu ki bo, Châu bủn xỉn, đã biết bao "mỹ từ" dành cho Châu nhưng ông chẳng buồn quan tâm. Mặc kệ người đời nghĩ thế nào thì nghĩ, Châu vẫn cứ ngày ngày đi về một mình trên chiếc xe đạp thể thao và tự nhủ: "Cuộc sống này vốn là như vậy, tôi luôn cẩn thận tìm cho mình một lối đi riêng"
Châu từng có nhiều bạn bè, có những người sát cánh bên ông trong từng giai đoạn của cuộc sống. Nhưng rồi, thời gian qua đi, những hiểu lầm nối tiếp hiểu lầm khiến họ dần rời xa Châu. Có người nói rằng họ không thể chịu nổi tính cách lập dị, thói quen xem mình là số 1 của Châu.
Cuộc đời Châu từng gắn bó với nhiều bóng hồng, nhưng toàn là những đoạn tình đứt đoạn. Châu yêu không gian dối, không vụ lợi nhưng Châu chưa từng có ý định kết hôn. Bởi có lẽ trong kí ức của Châu Tinh Trì, nỗi ám ảnh hôn nhân đầy đòn roi và cãi vã từ cha mẹ khiến ông sợ hãi hạnh phúc, sợ hãi mái ấm. Vì thế nên Châu nghĩ, hãy cứ yêu đương đi nhưng đừng bao giờ nghĩ tới hôn nhân.
Vì thế, đàn bà bên đời Châu cứ đi qua như vậy mà chẳng ai có đủ kiên nhẫn để ở bên người đàn ông chưa từng lấy hôn nhân làm mục đích cho một chuyện tình.
Bạn bè quay lưng, người tình bỏ đi nhưng Châu chưa một lần giải thích, chưa một lần đôi co hay níu kéo bởi ông như chú nhím dữ dằn tự bảo vệ mình bằng những chiếc gai nhọn. Nếu Châu thay đổi, nhổ đi những chiếc gai trên người thì người chịu đau đớn, rỉ máu chính là Châu.
Và Châu chọn cô độc còn hơn tự làm đau chính mình.
Phải chăng chỉ trong cô đơn, Châu Tinh Trì mới cảm thấy an toàn...