Châu Phi dồn dập bùng phát xung đột: Kịch bản Mùa xuân Ả Rập sắp lặp lại ở Sudan?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Hàng chục ngàn người biểu tình đã tập trung trước trụ sở Bộ Quốc phòng và Dinh Tổng thống, đòi lật đổ chế độ và Tổng thống Omar Al-Bashir phải ra đi.

Tình hình Sudan đang hết sức căng thẳng. Từ mấy hôm nay, hàng chục ngàn người biểu tình đã tập trung trước trụ sở Bộ Quốc phòng và Dinh Tổng thống, đòi lật đổ chế độ và Tổng thống Omar Al-Bashir phải ra đi. 

Các lực lượng an ninh đã dùng đạn thật và hơi cay để giải tán cuộc biểu tình, làm 6 người chết và nhiều người khác bị thương. Đáng lưu ý, quân đội đã can thiệp, đụng độ với các lực lượng an ninh để bảo vệ người biểu tình.

Các cuộc biểu tình tương tự cũng đã diễn ra ở một số thành phố, đáng chú ý nhất là ở Darfur, giáp Nyala, thủ phủ của tỉnh Nam Darfur, Atbara ở phía bắc, Gedaref và Kassala ở phía Đông. 

Theo các nhà quan sát, đây là các đợt biểu tình lớn nhất kể từ khi bùng nổ ngày 19/12/2018 đến nay. Theo tổ chức Ân xá quốc tế Amnesty International, đến nay đã có hơn 30 người chết, 200 người bị thương và 800 người bị bắt.

Khởi nguồn từ kinh tế...

Tình hình căng thẳng ở Sudan đã có thể dự đoán trước được từ lâu. Hàng hoá khan hiếm, giá cả các nhu yếu phẩm tăng chóng mặt: xăng - 60%, đường - 40%, vận tải - 45%, bánh mỳ - 50%, giá điện, nước đều đồng loạt tăng từ 30-40%. 

Đồng bảng Sudan mất giá nghiêm trọng lên tới 80%. Tỷ lệ lạm phát phi mã vượt quá 30% mỗi tháng. Các biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ thực hiện theo khuyến nghị của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm phá giá đồng tiền, bãi bỏ trợ giá lúa mỳ, điện, nước và các nhu yếu phẩm khác đã làm cho đời sống của người dân càng thêm chật vật.

Các nhà phân tích kinh tế nhận xét rằng, tình hình kinh tế của Sudan không hề được cải thiện, ngay cả khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ được bãi bỏ tháng 10/2017. Tình hình này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Sự chia tách Nam Sudan và thành lập nước Cộng hoà Nam Sudan đã làm Khartoum mất đi 3/4 các mỏ dầu và việc quốc gia mới thành lập không trả thuế xuất khẩu dầu cho chính phủ Sudan khiến thu nhập của Sudan sụt giảm mạnh. Ngân sách quốc gia năm 2018 thâm hụt 2,5 tỷ USD. 

Châu Phi dồn dập bùng phát xung đột: Kịch bản Mùa xuân Ả Rập sắp lặp lại ở Sudan? - Ảnh 1.

Năm 2011, Sudan tách ra làm 2 quốc gia: Sudan và Nam Sudan. Map: Oxfam

Việc Khartoum kỳ vọng Juba sẽ trả 36 đô la cho một thùng dầu vận chuyển qua đường ống trên lãnh thổ Sudan và bồi thường cho Khartoum một khoản tiền lớn do mất các mỏ dầu sau khi miền Nam tách ra thành lập quốc gia riêng, đã không thực hiện được. 

Động thái này của chính phủ Nam Sudan là một nhân tố quan trọng đẩy nền kinh tế Sudan vào khủng hoảng trầm trọng.

Các cuộc xung đột với phiến quân ở các tỉnh biên giới ở Nam Kordofan và Blue Nile, cũng như các cuộc đụng độ thường xuyên với Nam Sudan do tranh chấp các khu vực dầu mỏ gần đây đã tiêu hao một khoản tiền không nhỏ của ngân sách quốc gia, làm cho nến kinh tế vốn đã khó khăn càng trở nên kiệt quệ. 

Để bù đắp lại sự thiếu hụt ngân sách, chính phủ buộc phải tăng các loại thuế đánh vào người dân và chấm dứt các khoản trợ cấp.

Là nước có diện tích hơn 1,9 triệu km2, lớn nhất châu Phi, đất nông nghiệp phì nhiêu với nguồn nước dồi dào của sông Nile, Sudan hoàn toàn có thể tự cung, tự cấp được về lương thực, thực phẩm, nuôi sống được toàn bộ dân số chỉ có 41 triệu người. 

Một thời gian dài, chính quyền Sudan đã quá dựa vào thu nhập từ dầu mỏ mà không chú ý đầu tư phát triển các lĩnh vực khác của nền kinh tế, đặc biệt là không khai thác đầy đủ tiềm năng của ngành nông nghiệp. Sự điều hành yếu kém của chính phủ cũng đã làm cho nền kinh tế vốn đã hết sức khó khăn trở nên tồi tệ hơn.

Không ai phủ nhận những khó khăn kinh tế của Sudan, nhưng là một quốc gia nhiều tài nguyên, Sudan hoàn toàn có thể cung cấp cho người dân một mức sống khá hơn nếu một phần số tiền hiện đang chi cho nhu cầu quân sự và duy trì bộ máy quan liêu của nhà nước được cắt giảm và sử dụng hợp lý hơn.

Trong khi đó, nạn tham nhũng lại trở thành căn bệnh trầm kha của đất nước. Theo Tổ chức minh bạch quốc tế (TI), Sudan xếp thứ 170/180 quốc gia về chỉ số tham nhũng.

Từ nguyên nhân kinh tế đến các đòi hỏi chính trị

Nguyên nhân ban đầu của các cuộc biểu tình là do đời sống khó khăn, nhưng gần đây những người biểu tình đã đưa ra các đòi hỏi về chính trị, trở thành phong trào chống chính phủ.

Tổng thống Omar Al-Bashir cầm quyền đã hơn 30 năm đã dẫn đến sự trì trệ, đông cứng và xuống cấp của các thể chế quyền lực. Trong suốt thời gian ấy, tình hình đất nước không những không được cải thiện mà còn ngày càng trở nên khó khăn hơn. Sudan vẫn là một trong những nước nghèo nhất châu Phi.

Việc chính quyền thẳng tay trấn áp những người bất đồng chính kiến cũng đã gây ra làn sóng bất bình trong xã hội, đặc biệt là các tầng lớp trẻ, giới sinh viên, trí thức.

Châu Phi dồn dập bùng phát xung đột: Kịch bản Mùa xuân Ả Rập sắp lặp lại ở Sudan? - Ảnh 3.

Trong tình hình như vậy, mặc dù uy tín của Tổng thống Omar Al-Bashir xuống rất thấp và ông đã giữ chức Tổng thống từ 1989 sau một cuộc đảo chính quân sự đến nay, nhưng ngày 10/8/2018, đảng Đại hội Dân tộc (NCP) cầm quyền Sudan vẫn ủng hộ ông tái tranh cử vào năm 2020, bất chấp Hiến pháp nước này quy định giới hạn tối đa là hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ kéo dài 5 năm đối với Tổng thống. 

Các nhà hoạt động chính trị, xã hội đã kêu gọi một chiến dịch chống lại việc tái ứng cử Tổng thống của ông.

Theo hãng thông tấn DPA của Đức, Tổng thống Omar Al-Bashir đã trao chính quyền cho quân đội. Nhiều nguồn tin từ Sudan cho biết Tổng thống Omar Al-Bashir đã chạy trốn khỏi đất nước. Những tin tức này chưa được kiểm chứng, nhưng nhiều khả năng đã xảy ra một cuộc đảo chính quân sự lật đổ Tổng thống Omar Al-Bashir.

Người dân Sudan đang hướng tới một sự thay đổi. Các lực lượng chính trị nòng cốt gồm đảng Đại hội Nhân dân (PCP) mang tư tưởng Hồi giáo của Hassan Turabi, đảng Umma (UP) do cựu Thủ tướng Sadiq Al-Mahdi và Đảng Cộng sản Sudan (CPS)... đang tập hợp lực lượng đấu tranh vì một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại