Châu Phi đề xuất kế hoạch hoà bình cho xung đột Ukraine: “Nhân tố mới, cơ hội mới”

Thu Hoài/VOV1 |

Là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc xung đột, các nhà lãnh đạo châu Phi đã công bố một bản kế hoạch hoà bình mới cho Nga-Ukraine, được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết những khác biệt chính trị ngày một lớn giữa các bên.

Theo Bộ Ngoại giao Nam Phi, Tổng thống nước này Cyril Ramaphosa, cùng các nhà lãnh đạo của 5 quốc gia châu Phi khác là Zambia, Senegal, Cộng hoà Conggo, Uganda sẽ sớm tới Moscow và Kiev nhằm thúc đẩy những điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán hòa bình hay ít nhất là một lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine. Theo Hãng tin Bloomberg, chuyến đi có thể diễn ra ngay đầu tháng 6 tới.

Châu Phi đề xuất kế hoạch hoà bình cho xung đột Ukraine: “Nhân tố mới, cơ hội mới” - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa trong phiên họp toàn thể tại hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi năm 2019. Ảnh: AP

Cuối tuần trước, Tổng thống Cyril Ramaphosa đã khởi động nỗ lực hoà giải với các cuộc điện đàm riêng rẽ với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Chi tiết kế hoạch hoà bình chưa được công bố, song theo Nhà lãnh đạo Nam Phi, cả Nga và Ukraine đều có phản hồi tích cực đối với nỗ lực của các quốc gia châu Phi.

“Các cuộc thảo luận của tôi với hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine đã chứng tỏ rằng cả hai đều sẵn sàng tiếp đón các nhà lãnh đạo châu Phi và thảo luận về cách chấm dứt cuộc xung đột này. Tuy nhiên thành công của các nỗ lực này còn phụ thuộc vào cách các cuộc thảo luận sẽ được tổ chức”, Tổng thống Ramaphosa nói.

Nam Phi, một thành viên của nhóm các nền kinh tế đang phát triển BRICs cùng với Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, nằm trong số các quốc gia từng bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của Liên hợp quốc hồi năm ngoái về việc lên án chiến dịch đặc biệt của Nga tại Ukraine.

Trong khi đó, Uganda, dù là một đồng minh của Mỹ về an ninh khu vực ở Đông phi, song cũng nhiều lần nhấn mạnh về tình hữu nghị với Nga, cũng như lập trường trung lập trong cuộc xung đột tại Ukraine.

Với lập trường trung lập được thể hiện trong suốt hơn 1 năm qua, vai trò hòa giải của các quốc gia châu Phi được kỳ vọng sẽ mang lại kết quả.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov nhấn mạnh: “Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa là quan trọng và mang tính xây dựng. Tổng thống Ramaphosa đã nói rằng, châu Phi với tư cách là lục địa lớn nhất cũng muốn đưa ra tiếng nói của mình trong các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết tình hình ở Ukraine. Nga sẵn sàng lắng nghe mọi đề xuất”.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng hoan nghênh sáng kiến của các nước châu Phi. Theo người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric, Liên Hợp Quốc ủng hộ bất kỳ sáng kiến nào có thể dẫn đến một nền hoà bình phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, với luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Thế giới đang ngày càng cảm nhận rõ những tác động của cuộc xung đột tại Ukraine. Căng thẳng và chia rẽ toàn cầu ngày một trầm trọng, nguồn lực dành cho việc xử lý các cuộc khủng hoảng và vấn đề toàn cầu cấp bách khác ngày một suy giảm. Cuộc khủng hoảng Ukraine đã tác động tiêu cực đến châu Phi, khiến giá lương thực và nhiên liệu ngày càng tăng. Chính vì thế tiếng nói của một trong những khu vực chịu tác động nặng nề nhất được kỳ vọng sẽ được các bên lắng nghe./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại