Đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi có thể thúc đẩy nợ trên lục địa đen và tạo ra các nền kinh tế "hoàn toàn phụ thuộc" vào Trung Quốc, theo các chuyên gia tài chính.
Đã có khoảng 86 tỉ USD được Trung Quốc giải ngân từ năm 2000 đến năm 2014 để tài trợ cho hơn 3.000 dự án cơ sở hạ tầng ở châu Phi. Có nhiều chuyên gia cho rằng mức đầu tư này không phải là màu hồng cho các nước châu Phi sau khi họ quan sát các nhà lãnh đạo họp tại hội nghị "vành đai và con đường" do Trung Quốc khởi xướng tại Bắc Kinh.
Zuneid Yousuf, thuộc Tập đoàn MBI, cho biết: “10.000 công ty nhà nước hoạt động ở Trung Quốc hôm nay đã thực hiện khoản đầu tư khổng lồ này và không nghi ngờ rằng chúng có tác động đáng kể ở nhiều khu vực. Những dự án cơ sở hạ tầng tạo việc làm, tạo cơ hội phát triển kỹ năng và chuyển giao công nghệ mới. Tuy nhiên, các công ty này chỉ tạo ra những lợi ích ngắn hạn và tạo ra những rủi ro trong tương lai".
Một trong những vấn đề chính xung quanh cách tiếp cận của Trung Quốc là mức nợ nguy hiểm cao mà họ mang đến cho các quốc gia châu Phi. Điều này có thể dẫn đến sự phát triển không bền vững cho các nền kinh tế đang phát triển.
Ngoài ra còn có nguy cơ rằng lục địa đen sẽ trở nên quá phụ thuộc vào một quốc gia, điều có thể cho phép Trung Quốc tiếp tục giữ vững một mức độ ảnh hưởng cao tại lục địa này.
Ông Yousuf khẳng định thêm: “Trung Quốc đang tìm cách thể hiện mình như một gương mặt mới của toàn cầu hóa, một hình ảnh về một quốc gia làm việc chăm chỉ sẽ được miêu tả tại hội nghị thượng đỉnh vành đai và con đường trong tuần này. Vấn đề về mô hình 'toàn cầu hóa' hiện tại của Trung Quốc là không khuyến khích tăng cường sự tương tác giữa các quốc gia trên quy mô toàn cầu mà là gia tăng tương tác với Trung Quốc trên quy mô toàn cầu.
Thực tế ở châu Phi là một mô hình toàn cầu hóa chỉ hoạt động vì lợi ích của Trung Quốc. Có một mô hình hiệu quả hơn, một mô hình sẽ không làm mất lợi ích ngắn hạn nêu trên, đồng thời tránh được những cạm bẫy của những khoản nợ không bền vững là sẽ tập trung đầu tư vào quan hệ đối tác với các doanh nghiệp địa phương. Bằng cách này sẽ không cần sử dụng tới các khoản vay lớn của chính phủ. Ngoài ra, cách này có thể tạo việc làm, phát triển kỹ năng, và chuyển giao công nghệ sẽ được ăn sâu ở cấp địa phương và phát triển hữu cơ".
Zambia là một trường hợp thú vị về quan hệ châu Phi-Trung Quốc. Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Zambia. Tuy nhiên, Zambia lại thường được coi là một ví dụ về những hạn chế của đầu tư Trung Quốc.
Mô hình cho vay chính phủ từ trên xuống đã dẫn đến những căng thẳng. Một ví dụ gần đây là vấn đề luật lao động, và có nhiều thông tin cho rằng các nhà đầu tư Trung Quốc ở Zambia đã ngăn cản những đại diện cho người lao động có mặt tại các công trường xây dựng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thì tuyên bố dự án ‘vành đai và con đường’ tại châu Phi là nỗ lực của Trung Quốc để thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng và biến đổi hoàn toàn châu Phi.