Ông Vương Duy Bảo, cháu nội "vua Mèo" Vương Chí Sình đã gửi thư lên Thủ tướng kêu cứu xung quanh việc bị tước quyền sử dụng tòa dinh thự họ Vương nổi tiếng tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang.
Chiều 20/8, trao đổi với PV, ông Vương Duy Bảo (cháu nội "vua Mèo", nguyên là Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VH, TT&DL) cho biết, năm 1993 dinh thự họ Vương được Bộ Văn hóa Thông tin (sau này đổi tên thành Bộ VH, TT&DL) công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia nhưng gia đình không được bàn bạc, thông báo.
Ông Vương Duy Bảo.
Mãi đến năm 2002, gia đình họ Vương mới biết quyết định này khi cán bộ địa phương tới đưa những người họ hàng của ông ra khỏi dinh thự, với lý do dựa trên văn bản 937-QĐ/BT của Bộ Văn hóa Thông tin, cơ quan chức năng của tỉnh sẽ trùng tu dinh thự làm bảo tàng.
"Từ cuối năm 1978, tôi đã công tác ở Bộ Văn hóa Thông tin cho đến ngày về hưu năm 2016, nhưng khi công nhận khu dinh thự là di tích năm 1993 tôi và người nhà không hề được thông báo.
Việc tự tiện công nhận di tích cho ngôi nhà gia đình đang sinh sống nhưng không thông báo đã khiến bố tôi là cụ Vương Quỳnh Sơn khi đó nổi cáu. Bố tôi có thư gửi tới lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin", ông Bảo nói.
Ông cho hay, trong thông báo số 1125 năm 2002 của Bộ Văn hóa Thông tin khẳng định, tại văn bản 937, Bộ không quốc hữu hóa quyền sở hữu ngôi nhà của những người được thừa kế hợp pháp.
"Thời điểm đó, lãnh đạo tỉnh Hà Giang đồng ý với văn bản của Bộ Văn hóa Thông tin, nhưng đến nay lại không thực hiện theo.
Gia đình chúng tôi thừa kế, đang còn sống mà lại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dinh thự cho Phòng Văn hóa - Thông tin Đồng Văn quản lý lâu dài từ 2012 là chuyện hoàn toàn lạ đời", ông Bảo nêu rõ.
Cháu nội "vua Mèo" khẳng định, từ trước đến nay, ông chưa bao giờ ký bất cứ văn bản nào mua bán, trao đổi hay hiến tòa dinh thự này cho Nhà nước.
"Một số thông tin nói rằng gia đình tôi hiến nhưng nếu như thế thì hãy đưa văn bản đó ra cho mọi người xem. Tôi khẳng định không ký bất cứ văn bản hiến, trao đổi, mua bán nào cả.
Ngoài ra, nếu tôi hiến cho Nhà nước thì phải có bảng vàng vinh danh ghi lại hoặc giấy đồng ý hiến được đóng khung treo trong khu dinh thực, nhưng thực tế nếu ai vào thăm sẽ thấy không có những thứ này mà chỉ có bảng công nhận di tích", ông Bảo nói.
Nguyên Cục phó Cục Văn hóa cơ sở cho biết, sau khi có kết luận của Bộ Văn hóa Thông tin vào năm 2002, ông cùng bố đã vận động, thuyết phục bà con ra ngoài dinh thự sinh sống với tiền hỗ trợ cùng đất tạm dựng.
"Nhưng giờ mọi việc lại làm như thế khiến bà con rất bực và ảnh hưởng đến niềm tin. Hiện nay, sau khi có thư của tôi, Thủ tướng đã yêu cầu kiểm tra lại nên mong nếu sai thì phải sửa chứ không để thế được", ông Bảo bày tỏ.
Trong chiều 20/8, trao đổi với PV, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, đã nắm được thông tin phản ánh của ông Vương Duy Bảo. Tuy nhiên, theo ông Quý việc giải quyết cần có thời gian, quy trình.