Trong lịch sử phong kiến Trung Hoa, Hoàng đế thường được ví như người ngồi trên vinh hoa phú quý của cả thiên hạ.
Chính vì vậy, số lượng những ông vua coi trọng việc tiết kiệm không nhiều, mà trên phương diện này, Đạo Quang Hoàng đế của Thanh triều lại được xếp ở vị trí số một.
Tuy nhiên, sự tiết kiệm thái quá của Đạo Quang lại bị hậu thế cười chê là keo kiệt. Thậm chí, vị vua này còn suýt chút nữa đẩy Thanh triều vào cảnh diệt vong vì thói quen hà tiện của mình.
Tiết kiệm - "làn gió mới" làm đảo lộn cuộc sống của vua quan Thanh triều
Tới thời kỳ tại vị của Đạo Quang, giai đoạn cực thịnh của Đại Thanh từ sớm đã lùi vào quá khứ. Bấy giờ, triều đình lâm vào cảnh mục nát, khởi nghĩa nông dân bùng nổ ở khắp nơi.
Cũng bởi chi phí quân sự càng lúc càng gia tăng, quốc khố Thanh triều cũng nhanh chóng cạn kiệt.
Đối mặt với cục diện này, Hoàng đế Đạo Quang lòng nóng như lửa đốt. Ông cho rằng, bản thân mình nhất định phải tìm ra một giải pháp ngăn chặn xu thế suy sụp của Đại Thanh. Và phương pháp được vị Hoàng đế này chọn chính là lấy việc tiết kiệm làm quốc sách.
Từ đầu thời nhà Thanh, nguồn thuế do triều đình thu từ địa phương đều là các cố định và có quy chế rõ ràng. Nói cách khác, điều này đồng nghĩa với việc nguồn tài chính thu vào của Thanh triều lúc bấy giờ rất khó có thể tăng lên.
Chưa dừng lại ở đó, Đại Thanh lại chọn chính sách "trọng nông ức thương", bế quan tỏa cảng. Chính vì vậy, việc mở mang ngân khố quốc gia là vô cùng khó khăn.
Đạo Quang cho rằng, cách duy nhất để cứu vãn quốc khố sắp rơi vào cảnh trống rỗng chỉ có thể là cắt giảm chi tiêu.
Với mong muốn cứu vớt Thanh triều đang trên đà suy vong, Đạo Quang đã khởi xướng phong trào tiết kiệm bằng cách "thắt lưng buộc bụng". (Ảnh minh họa).
Nhằm đề xướng phong trào tiết kiệm, vị Hoàng đế này đã để chính mình cùng các thành viên hoàng tộc đi đầu làm gương.
Cụ thể, ông trực tiếp cắt giảm lượng bạc chi tiêu hàng năm của cả hoàng cung từ con số 400 ngàn xuống còn một nửa. Trên dưới hoàng cung cả năm chỉ có thể vẻn vẹn tiêu dùng trong khoảng 200 ngàn lượng.
Đồ dùng thường ngày của Hoàng đế cũng liên tục được giản lược. Ngay tới giấy và bút mực đều phải chuyển thành đồ bình dân.
Đạo Quang còn quy định, ngoại trừ Thái hậu, Hoàng đế và Hoàng hậu, các phi tần cùng người làm trong cung không được phép ăn thịt vào những ngày không phải lễ tết.
Phi tần của nhà vua cũng bị cấm sử dụng đồ trang điểm, không được ăn vận trang phục sặc sỡ, đắt đỏ.
Đồng thời, vị Hoàng đế này còn cắt giảm tới mức tối đa khẩu phần ăn của chính mình. So với những bữa ngự thiện có tới cả trăm món như Càn Long hay Từ Hi, Đạo Quang cả 1 ngày chỉ dùng tổng cộng 4 món mặn, 1 món canh.
Dưới thời kỳ Đạo Quang tại vị, từ vua tới quan đều "chuộng" mặc những bộ y phục cũ nát, rách rưới để lấy việc tiết kiệm lên làm đầu. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Thế nhưng tất cả những sự cắt giảm chi tiêu này vẫn chưa thấm tháp vào đâu.
Điều khiến hậu thế không khỏi "ngả mũ bái phục" trước sự hà tiện của Đạo Quang còn nằm ở một việc làm khó tín. Đó chính là vị Hoàng đế này sẵn sàng… mặc quần áo vá!
Vốn coi việc tiết kiệm làm đầu, nhà vua vốn không bao giờ bỏ đi những bộ quần áo đã cũ rách. Thay vào đó, ông sẽ cho người vá lại y phục và tiếp tục sử dụng như thể chẳng có việc gì.
Chỉ tiếc rằng, sự hà tiện của nhà vua lại trở thành điểm yếu để kẻ gian lợi dụng. Sự thực là dưới thời kỳ Đạo Quang tại vị, giá của những bộ quần áo "vá chằng vá đụp" thậm chí đã có lúc lên tới mấy chục lạng bạc, đắt hơn nhiều so với một bộ y phục lành lặn làm bằng nhung lụa.
Hoàng đế đã đích thân làm gương, quan viên Thanh triều lúc bấy giờ cũng chẳng ai dám không theo. Thậm chí, họ còn sẵn sàng mặc đồ vải thô, cố tình làm rách áo quần để vá lại, coi việc mặc những trang phục tả tơi này chính là vinh hiển.
Hà tiện sai chỗ, Thanh triều càng trượt dốc nhanh trên đà diệt vong
Nói một cách khách quan, tinh thần tiết kiệm của Đạo Quang cũng có điểm tích cực: Đó chính là thay đổi bầu không khí xa hoa lãng phí ngập tràn Thanh triều từ thời Càn Long cho tới lúc bấy giờ.
Những bữa tiệc xa hoa vốn phổ biến ở Thanh triều một thời đã trở thành một thứ "cấm kỵ" vào thời kỳ Đạo Quang tại vị. (Tranh minh họa).
Tuy nhiên, Đạo Quang dù lấy việc tiết kiệm làm đầu, nhưng lại thi hành theo kiểu "bỏ gốc lấy ngọn", "tham bát bỏ mâm". Sự hà tiện không đúng chỗ của vị Hoàng đế này từng nhiều lần suýt gây ra đại họa.
Sử cũ ghi lại, trước khi chiến tranh thuốc phiện nổ ra, ở vùng Tây Vực có Trương Cách Nhĩ dấy binh làm phản.
Đạo Quang từng cử Tướng quân Trường Linh tập hợp gần 10 ngàn quân Thanh ở nhiều địa phương để tổ chức tấn công toàn diện, lần lượt thu phục phản loạn.
Đầu năm Đạo Quang thứ 8, Trước Cách Nhĩ bị binh lính nhà Thanh bắt giữ và áp giải về Bắc Kinh, phản loạn chính thức bị dẹp yên.
Trên con đường áp giải trọng phạm về kinh thành, các tướng sĩ ca vang khúc khải hoàn, ai nấy đều chắc mẩm lần này Hoàng đế sẽ thưởng hậu, hoặc chí ít cũng có thể mở tiệc khao quân một bữa ra trò.
Quả nhiên không ngoài dự liệu của họ, trong buổi lễ dâng tù binh hôm đó, Đạo Quang vô cùng vui vẻ, lập tức tuyên bố chuẩn bị đại yến trọng thưởng binh sĩ.
Đoàn quân thắng trận trở về hồ hởi vô cùng. Thế nhưng tới lúc thức ăn được dọn lên, ai nấy đều không thể tin nổi vào mắt mình.
Bởi lẽ, buổi "đại yến" khao quân của Đạo Quang Hoàng đế không có lấy một miếng thịt, một hớp rượu, thậm chí tới rau dưa cũng chỉ được vài cọng.
Trên thực tế, phần thưởng mà họ nhận được sau khi đã đổ máu giết giặc trên sa trường thực chất lại chỉ là một bát mì không thịt.
Những người tham gia yến tiệc hôm ấy ai nấy cũng sững sờ. Ngay tới Trường Linh tướng quân cũng không khỏi ngỡ ngàng trước kiểu đãi ngộ quá mực hà tiện của Hoàng đế.
Là một người tinh thông binh pháp, thấu hiểu lòng quân, vị tướng quân này nhìn ra rằng: Sự keo kiệt lần này rất có thể sẽ tạo thành binh biến.
Sự thực lịch sử cũng chứng minh rằng lo lắng của Trường Linh tướng quân không phải là không có cơ sở. Bởi loạn Chu Thử thời nhà Đường cũng bắt nguồn từ việc triều đình dùng cơm canh đạm bạc "khao thưởng" các tướng sĩ mới đánh giặc xong.
Kết quả là binh lính vì phẫn nộ mà phát động binh biến, đem Hoàng đế Đường Đức Tông đuổi ra khỏi thành Trường An, tạo thành một giai thoại bi hài trong lịch sử Trung Quốc.
Vì vậy, trước tình thế căng thẳng này, Trường Linh tướng quân cùng một vài tướng lĩnh thân cận khác phải tự tay móc tiền túi, gom góp mãi mới có thể mua rượu thịt cho binh lính thưởng dụng.
Nếu không nhờ thủ hạ chấp nhận bỏ tiền túi, chỉ e rằng tình cảnh của Đạo Quang Hoàng đế sẽ chẳng khác vua Đường năm xưa là bao.
Việc tiết kiệm một cách thái quá và không phải lối đã gây không ít khó khăn cho cuộc sống của Hoàng đế nói riêng và triều đình nói chung. (Ảnh minh họa).
Sau này, khi đưa ra phương án phòng thủ Tân Cương, các tướng lĩnh từ sớm đã biết bản tính hà tiện của Hoàng đế nên "cắn răng" chỉ dám xin 18 ngàn lính ở lại trấn thủ.
Thế nhưng Đạo Quang vẫn liên tục kỳ kèo mặc cả, đòi bớt một thêm hai, nhất quyết chỉ cho phép giữa lại 6000 người.
Trước số binh lính ít ỏi này, các tướng lĩnh đề xuất phương án chỉ phòng thủ phía đông khu vực này. Nào ngờ Hoàng đế lại lớn tiếng trách mắng bọn họ lơi là cảnh giác, thậm chí còn nghi ngờ những người này có dã tâm khác.
Sau khi chiến tranh thuốc phiện bùng nổ, có bề tôi từng dâng tấu xin Đạo Quang tăng thêm kinh phí xây dựng đội phòng thủ trên biển.
Vừa nghe tới việc phải tốn tiền, sắc mặt Hoàng đế lập tức sa sầm. Kết quả của việc này sau đó ai cũng biết.
Vốn dĩ, Anh quốc lúc bấy giờ đã có ưu thế kỹ thuật vượt trội hơn hẳn, lại thêm Thanh triều với phòng tuyến hải quân lỏng lẻo, không được tu bổ. Sau cùng, lãnh thổ Thanh triều bị quân địch liên tiếp công thành chiếm đất, lại đánh tới tận thành Nam Kinh.
Triều đình nhà Thanh khi đó bị buộc phải ký kết "Điều ước Nam Kinh", còn phải bồi thường 2100 vạn đồng tiền
Cắt xén chi phí dành cho quân sự chính là một trong những lý do khiến Thanh triều thất thế trước các thế lực bên ngoài và liên tục phải ký kết nhiều hiệp ước bất bình đẳng.
Từ cổ chí kim, Hoàng đế được coi là người ở ngôi "cửu ngũ chí tôn". Chỉ cần là người có thể đem lại cơm no, áo ấm cho muôn dân trăm họ, việc vua chúa có được một cuộc sống sung túc, thoải mái cũng là điều dễ hiểu.
Mặc dù Đạo Quang Hoàng đế ngoài mặt đề cao việc tiết kiệm. Nhưng trên thực tế, hành động của ông lại là tính toán chi ly từng việc ăn uống, không hề mang lại lợi ích cho quốc gia, bách tính.
Vì vậy, thói quen tiết kiệm của vị Hoàng đế Thanh triều này không những không lưu lại ý nghĩa tốt đẹp nào mà còn bị hậu thế cười chê suốt nhiều đời.