Nếu đã từng theo dõi các bộ phim Trung Quốc, ít nhiều bạn sẽ biết đến sức ép của kỳ thi Đại học ở đất nước tỷ dân. Kỳ thi đại học được xem là mang tính quyết định tới số phận của một học sinh Trung Quốc.
Do đó, học sinh nào cũng nỗ lực học ngày học đêm với mong muốn đạt điểm cao, nắm chắc cơ hội vào ngôi trường Đại học hàng đầu, dễ dàng quyết định tương lai bản thân sau này. Trong thời đại các nhà tuyển dụng Trung Quốc vẫn ưa chuộng bằng cấp, thế nhưng có một nữ sinh cố tình nhận điểm 0 trong kỳ thi tuyển sinh đại học. Đăc biệt, khi biết được nguyên nhân dẫn đến hành động này của cô thì ai nấy cũng đều xót xa.
Học sinh Trung Quốc sẵn sàng học ngày học đêm để thi đỗ vào ngôi trường Đại học hàng đầu
Sẩm Hoan sinh ra trong gia đình nghèo khó. Năm lên 2 tuổi, bố mẹ Sẩm Hoan qua đời sau một vụ va chạm xe máy. Vì không chịu nổi cú sốc trước sự ra đi đột ngột của hai người con, bà nội Sẩm Hoan bị ốm nặng, sau đó nằm liệt hẳn trên giường.
Trước hàng loạt biến cố ập đến với gia đình, ông nội Sẩm Quan là Sẩm Huỳnh đã không chấp nhận gục ngã, nỗ lực trở thành trụ cột kinh tế của gia đình. Để kiếm tiền chăm sóc vợ và nuôi dạy cháu gái, ông không hề nề hà việc gì, ai thuê gì làm nấy. Ban ngày, ông sẽ ra ngoài làm công việc đồng áng, chăm sóc ruộng vườn. Đến đêm, ông sẽ đi giao hàng thuê, bán rau hay làm nhân viên bảo vệ.
Từ khi còn nhỏ, Sẩm Hoan đã ý thức hoàn cảnh gia đình và nỗi nhọc nhằn của ông nội. Chính vì vậy, nữ sinh luôn nỗ lực học tập chăm chỉ trên trường, vì cô tin, những điều duy nhất có thể thay đổi cuộc đời cô là một bảng điểm đẹp và tấm vé vào trường Đại học hàng đầu.
Ban ngày, sau khi tan học, Sẩm Hoan sẽ phụ ông làm việc nhà, đi làm thuê cho các gia đình giàu có trong thôn. Đến tối, Sẩm Hoan sẽ thay ông chăm sóc bà nội. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, song ông nội Sẩm Hoan chưa bao giờ cho phép cháu bỏ học.
Không phụ kỳ vọng của ông nội, Sẩm Hoan luôn cố gắng học tập, phụ ông làm việc nhà và chăm sóc bà nội
Không phụ kỳ vọng của ông nội, từ cấp tiểu học, lên đến cấp 2, cấp 3, Sẩm Hoan luôn đạt thành tích học tập xuất sắc, được nhiều thầy cô và bạn bè yêu mến, tạo điều kiện hết mức để cô tiếp tục đi học. Chính vì vậy, trước kỳ thi đại học quan trọng của cháu gái, ông bà Sẩm Hoan không khỏi kỳ vọng cháu có thể đỗ vào một ngôi trường danh giá và thay đổi cuộc đời.
Tuy nhiên, khi điểm số thi đại học năm ấy của Sẩm Hoan được công bố, ông Sẩm Huỳnh hoàn toàn thất vọng. Bởi Sẩm Hoan chỉ đạt 47/750, một số điểm cực thấp so với năng lực học tập bình thường của nữ sinh.
"Dù cho điểm số 47 này có được nhân lên 10 lần cũng chẳng phản ánh được hết năng lực học tập của cháu tôi", ông Sẩm Huỳnh tâm sự về kết quả thi đại học thấp bất thường của cháu gái.
Người ông không cam lòng, yêu cầu kiểm tra lại giấy làm bài của cháu gái. Đáng tiếc, không có điểm gì bất thường trong quá trình chấm thi. Và khoảnh khắc nhìn thấy tờ giấy làm bài thi của Sẩm Hoan, ông nội cô đã rơi nước mắt. Bởi lẽ hầu hết tờ giấy làm bài thi của Sẩm Hoan hoàn toàn để trắng, vì vậy việc cô học sinh đạt mức điểm thấp thảm hại là điều dễ hiểu.
Người ông rơi nước mắt sau khi nhìn thấy hàng loạt bài thi Đại học bỏ trắng của cháu gái
Khi trở về nhà từ phòng phúc khảo điểm thi, Sẩm Hoan đã thú nhận mọi chuyện với ông bà nội. Hoá ra nữ sinh đã tự ý thức mình là thanh niên duy nhất trong nhà, nếu tiếp tục dành 4 năm để đi học Đại học sẽ khiến ông bà mình càng thêm vất vả. Khi ngồi ở phòng thi Đại học, Sẩm Hoan đã tự quyết định tương lai bằng việc bỏ trống giấy thi. Thay vì trở thành một cô tân sinh viên, nữ sinh chọn cách ra ngoài làm việc kiếm tiền, dùng toàn bộ số tiền có được để chăm sóc ông bà nội.
Sau khi nghe những lời giải thích của cháu gái, ông Sẩm Huỳnh bật khóc nức nở. Ông vừa vui khi có người cháu gái hiếu thảo, song cũng thương xót vì quyết định dại dột của cháu. Sau cùng, ông Sẩm Huỳnh đã tìm đến giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Sẩm Hoan, nhờ thầy giáo thuyết phục cháu gái tiếp tục con đường đi học.
Trong cuộc nói chuyện riêng giữa Sẩm Hoan và thầy chủ nhiệm, thầy tâm sự với cô về tình hình xã hội hiện tại, rằng tại Trung Quốc, nếu một người chỉ tốt nghiệp cấp 3, không có bằng cấp Đại học sẽ khó kiếm được một công việc tốt sau này. Tốt hơn hết, Sẩm Hoan hãy theo học một ngôi trường nào đó, rồi dùng chính tài năng để kiếm học bổng và tự trang trải chi phí học tập sau này.
Khi ngồi trong phòng thi, Sẩm Hoan đã tự quyết định tương lai bằng cách từ bỏ ước mơ vào Đại học (Ảnh minh hoạ)
Sau lời khuyên của thầy chủ nhiệm, Sẩm Hoan cuối cùng cũng đồng ý đi học trở lại. Để xua tan bớt nỗi lo về hoàn cảnh gia đình của học trò, thầy chủ nhiệm đã liên hệ với thầy hiệu trưởng, xin thành lập một quỹ hỗ trợ sinh viên nghèo vượt khó ngay trong trường cấp 3 của Sẩm Hoan. Số tiền quyên góp được gửi cho Sẩm Hoan tuy không nhiều, song cũng phần nào giảm tải áp lực tâm lý cho gia đình cô.
Cùng năm đó, Sẩm Hoan quay trở về trường cấp 3 để ôn thi lại Đại học. Mặc dù phải học cùng với những đàn em kém tuổi, song Sẩm Hoan không cảm thấy e ngại vì cô đã hiểu giá trị của cơ hội được đi học. Bên cạnh đó, do Sẩm Hoan vốn có nền tảng kiến thức tốt, chính vì vậy việc ôn thi tiếp một năm cũng không gây áp lực quá nhiều lên nữ sinh.
Suy cho cùng, đứng trước cơ hội thi Đại học, mọi thí sinh đều có cơ hội ngang nhau để chạm đến ước mơ. Kỳ thi Đại học ở Trung Quốc cũng là cơ hội để những học sinh nghèo có cơ hội thay đổi vận mệnh, làm chủ tương lai sau này.
Nếu Sẩm Hoan nhận thức được điều này, cô đã không phải mất thêm một năm ôn thi Đại học và làm dở dang con đường học vấn của bản thân. Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2022 sắp tới, chúng ta hy vọng sẽ không có trường hợp đáng tiếc nào như Sẩm Hoan, vì hoàn cảnh gia đình mà phải từ bỏ ước mơ vào trường Đại học.
Hãy nhớ rằng, Đại học vẫn là một trong những con đường ngắn nhất để thay đổi tương lai! (Ảnh minh họa)
Nguồn: Sohu