Ý tưởng về việc triển khai một hạm đội Châu Âu đến tuần tra ở vùng Vịnh Persian là một “hành động phát đi thông điệp thù địch” và “mang tính khiêu khích, làm gia tăng căng thẳng”, hãng thông tấn Fars dẫn lời phát ngôn viên của chính phủ Iran - ông Ali Rabiei cho biết ngày hôm qua (28/7).
An ninh trong khu vực nên được duy trì và bảo đảm bởi chính các nước vùng Vịnh chứ không phải các nước ở bên ngoài, ông Ali Rabiei nhấn mạnh.
Căng thẳng giữa Iran và Anh bắt đầu leo thang từ ngày 4/7 khi Thủy quân Lục chiến Hoàng gia Anh và lực lượng cảnh sát Gibraltar bắt giữ một siêu tàu chở dầu của Iran mang tên Grace 1 ở ngoài khơi bờ biển phía nam của Tây Ban Nha. Giới chức ở London nói rằng, con tàu của Iran bị nghi vận chuyện dầu mỏ đến cho Syria, vi phạm các biện pháp trừng phạt của Liên minh Châu Âu (EU). Tehran thẳng thừng bác bỏ cáo buộc trên.
Ngày 19/7, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã bắt giữ một tàu chở dầu mang cờ Anh – tàu Stena Impero ở Eo biển Hormuz với lý do con tàu này vi phạm các quy định về hàng hải.
Những vụ việc trên đẩy London và Tehran vào một cuộc đối đầu quyết liệt, hai bên cáo buộc nhau là “cướp biển”.
Hồi tuần trước, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt đã kêu gọi thiết lập một hạm đội hải quân chung của Châu Âu đến làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn hàng hải ở Eo biển Hormuz – nơi nối giữa vùng Vịnh Persian với Ấn Độ Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer nói rằng, Berlin sẽ cân nhắc việc tham gia vào đội quân chúng nói trên một khi có sự “rõ ràng” về cơ chế. Pháp, Italia và Đan Mạch được cho là đều bày tỏ mong muốn tham gia vào hạm đội hải quân chung của Châu Âu.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cáo buộc những quan chức diều hâu về chính sách đối ngoại ở Washington đã tìm cách đẩy London vào cuộc xung đột với Iran “với hy vọng lôi nước này vào một bãi mìn”. Hồi cuối tuần vừa rồi, ông Zarif cảnh báo các quan chức Mỹ không được nghĩ đến viễn cảnh dùng hành động quân sự dù là hạn chế nhằm vào Tehran. “Chiến tranh ngắn ngày với Iran là một ảo tưởng”, ông Zarif nhấn mạnh.
Cuộc đối đầu giữa Iran và Anh và các nước phương Tây gây lo ngại khắp toàn cầu bởi mỗi động thái của họ đều mang đến nguy cơ về việc bất kỳ một sự hiểu nhầm hay bất kỳ bước đi sai lầm nào đều có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh.
Tình hình Trung Đông đang gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế sau khi quan hệ Mỹ-Iran đã đảo chiều từ hòa dịu sang đối đầu kể từ khi ông Trump lên nắm quyền. Chính quyền của Tổng thống Trump áp dụng một lập trường cứng rắn với Iran, khác hẳn với chính sách của chính quyền tiền nhiệm Barack Obama. Mỹ đã rất tức giận khi Iran tiến hành thử tên lửa đạn đạo hồi đầu năm 2017.
Mỹ đã tuyên bố đặt Iran vào “tầm ngắm” đồng thời nhanh chóng tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo.
Trong diễn biến đẩy tình hình căng thẳng leo thang lên một cấp độ mới, Tổng thống Trump hồi tháng 5 năm ngoái cuối cùng cũng đã “xé toạc” thỏa thuận hạt nhân JCPOA từng được các cường quốc Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc miêu tả là bước đột phá mang tính lịch sử.
Kể từ sau hành động trên của Tổng thống Trump, mối quan hệ giữa Mỹ và Iran xấu đi trầm trọng.
Chính quyền của Tổng thống Trump hơn một năm qua đã thực hiện “chiến dịch gây sức ép tối đa” nhằm làm kiệt quệ nền kinh tế Iran và khiến các nhà lãnh đạo của Iran phải đến bàn đàm phán. Tuy nhiên, rõ ràng áp lực tối đa đã khiến Iran trở nên cứng rắn hơn, hiếu chiến hơn.
Hôm 20/6, Iran không ngần ngại bắn rơi một máy bay do thám không người lái của Mỹ. Cùng với đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo nước ông sẽ tăng cường hoạt động làm giàu uranium bắt đầu từ 7/7 tới nếu các nước Châu Âu không tìm ra được một con đường nhằm nới lỏng biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Iran.