Châu âu tham gia cuộc đua phát triển máy bay chiến đấu tương lai

TUẤN SƠN |

Việc Đức và Pháp đạt được thỏa thuận hợp tác phát triển máy bay chiến đấu tương lai, châu Âu đã chính thức tham gia cuộc đua phát triển công nghệ hàng không quân sự mới cùng các siêu cường Nga, Mỹ, Trung Quốc. Máy bay chiến đấu tương lai của châu Âu không chỉ đơn thuần là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, mà sẽ là 5+ hoặc thế hệ thứ 6.

Tiếp tục mô hình phát triển hợp nhất của châu Âu?

Những ý tưởng đầu tiên về việc hợp tác phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới lần đầu tiên được đưa ra trong trong cuộc hội kiến giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Makron trong năm 2017. Cả Đức và Pháp đều kỳ vọng máy bay chiến đấu mới sẽ thay thế cho dòng máy bay chiến đấu thế hệ 4 Eurofighter Typhoon và Dassault Rafale.

Hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp đều thống nhất, máy bay chiến đấu tương lai có thể xếp vào thế hệ 5+ hoặc 6. Tham gia phát triển chương trình là các tập đoàn quân sự hàng đầu của hai nước gồm: Dassault, Airbus, Thales, MBDA, Safran.

Theo truyền thống phát triển vũ khí mới của châu Âu, dự án hợp tác giữa Đức và Pháp trong tương lai có thể có thêm các thành viên mới để giảm bớt gánh nặng chi phí phát triển, công nghệ hàng không quân sự, cũng như giảm giá thành nhờ gia tăng số lượng máy bay đặt hàng.

Trong quá khứ, Pháp và Anh từng có chương trình hợp tác phát triển máy bay chiến đấu tương lai với tên gọi Future Combat Air System. Anh và Pháp từng hy vọng, máy bay chiến đấu mới sẽ thay thế cho cho đơn vị máy bay thế hệ 4 hiện có với chi phí ban đầu của chương trình ước khoảng 2 tỷ euro.

Tuy nhiên, sự nguội lạnh trong quan hệ giữa Paris và London đã khiến chương trình dù không bị đổ bể, nhưng cũng bị đóng băng dài hạn.

Sau khi Anh quyết định rời Liên minh châu Âu (Brexit), Pháp buộc phải tìm kiếm đối tác mới cho ý tưởng phát triển máy bay chiến đấu tương lai và Đức là đối tác sáng giá. Không quân Đức hiện có lực lượng không quân bắt đầu lạc hậu và có nhu cầu thay thế từ năm 2020.

Berlin có hai lựa chọn mua thêm máy bay Typhoon hoặc máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 (ý tưởng vấp phải sự phản đối gay gắt trong giới lập pháp Đức).

Tuy nhiên, việc lựa chọn máy bay Typhoon có vẻ như không khôn ngoan đối với Đức, khi Anh có khả năng rút khỏi chương trình hợp tác chung Eurofighter của châu Âu. Như vậy, rõ ràng việc hợp tác với cường quốc khoa học-kỹ thuật quân sự như Pháp phát triển dòng máy bay chiến đấu mới là lựa chọn hợp lý.

Châu âu tham gia cuộc đua phát triển máy bay chiến đấu tương lai - Ảnh 1.
Châu âu tham gia cuộc đua phát triển máy bay chiến đấu tương lai - Ảnh 2.

Bất đồng trong quan điểm phát triển đã khiến chương trình hợp tác Eurofighter Typhoon tan vỡ với việc Pháp rút khỏi chương trình và phát triển máy bay chiến đấu Rafale. Ảnh: Getty.

Quay lại với Anh, kịch bản quá khứ đang lặp lại khi Pháp và phần còn lại của châu Âu bất đồng về vấn đề phát triển phiên bản hải quân của máy bay chiến đấu Eurofighter. Kết quả của mâu thuẫn là Pháp rời khỏi chương trình Eurofighter và phát triển dòng máy bay chiến đấu riêng Rafale.

Việc châu Âu có cùng lúc hai dòng chiến đấu cơ có tính năng tương đương đã khiến cả Typhoon và Rafale không đạt được doanh số kỳ vọng trên thị trường vũ khí quốc tế.

Khả năng London quay trở lại hợp tác với châu Âu tham gia chương trình phát triển máy bay chiến đấu tương lai hiện khó có thể xảy ra. London đã được tiếp cận máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-35 và với vai trò là đồng minh thân cận của Mỹ, Anh cũng có nhiều cơ hội tiếp cận sớm với máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 đang được phát triển bên kia bờ đại dương.

Xu hướng phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6

Hiện tại, những tiêu chí kỹ thuật của máy bay thế hệ 5+ hay 6 vẫn đang trong quá trình phác thảo. Vậy máy bay thế hệ thứ 6 cần những tiêu chí gì? Điều này đang được xây dựng dựa trên những xu hướng phát triển máy bay chiến đấu chủ đạo tương lai của các cường quốc quân sự như trên thế giới.

Theo đó, những tiêu chí sơ bộ về máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 là phải có hai phiên bản là có người lái và không người lái; khả năng tích hợp sâu vào các hệ thống chiến đấu tự động hóa. Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 có thể trở thành trung tâm chỉ huy các thiết bị bay không người lái khác trong mạng lưới chỉ huy hợp nhất.

Châu âu tham gia cuộc đua phát triển máy bay chiến đấu tương lai - Ảnh 3.

Mô hình máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 do Boeing phát triển. Ảnh: Defense News.

Cùng với đó, máy bay chiến đấu thế hệ 6 phải có khả năng hoạt động cả trên không trung, lẫn trên tầng cao nhất của khí quyển.

Thiết kế và vật liệu chế tạo máy bay chiến đấu tương lai sẽ có những khác biệt đáng kể so với máy bay truyền thống, thậm chí nó có thể là sự hợp nhất hoặc tách nhỏ của nhiều phương tiện chiến đấu độc lập với nhau.

Yếu tố tàng hình về cả bức xạ nhiệt lẫn ra-đa đều cao hơn so với máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.

Yếu tố cuối cùng trên máy bay chiến đấu thế hệ 6 được xác định ở thời điểm hiện tại là vũ khí năng lượng cao. Sự phổ biến của vũ khí chùm hạt định hướng như la-de, vi-ba… sẽ trở nên phổ biến trên máy bay chiến đấu thế hệ 6.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại