Châu Âu phản ứng thận trọng về bầu cử Mỹ: Nga "hài lòng", Đức lo ngại về kịch bản cuộc chiến pháp lý

Hồng Anh |

"Dù ai là người chiến thắng, thì thật tệ khi các chiến dịch tranh cử ở Mỹ đều tập trung chủ yếu vào các vấn đề đối nội", Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier bình luận.

Các chính trị gia châu Âu vẫn tiếp tục kiên nhẫn và thận trọng theo dõi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ khi kết quả chưa ngã ngủ, mặc dù đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày hôm qua đã tuyên bố "thắng đậm" và cho biết sẽ tới Tòa án Tối cao để yêu cầu rà soát kết quả kiểm phiếu tại một số bang chiến địa do có tình trạng "gian lận", báo The Guardian (Anh) đưa tin.

Hầu hết các lãnh đạo và quan chức chính phủ cấp cao tại châu Âu vẫn giữ im lặng và chờ đợi các diễn biến tiếp theo của cuộc bầu cử tại Mỹ, tuy nhiên vẫn có một số quan chức lên tiếng trong thời điểm này.

Ngoại trưởng Tây Ban Nha Aráncha González Laya hối thúc các nhà lãnh đạo Mỹ chờ đợi tới khi tất cả phiếu bầu được kiểm, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer lại cảnh báo về nguy cơ cuộc chiến pháp lý có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

"Tình huống này rất dễ dẫn đến bùng nổ. Đây là tình huống có thể dẫn đến khủng hoảng hiến pháp ở Mỹ, như nhiều chuyên gia đã đưa ra nhận định đúng đắn về điều này. Và đây là một điều rất đáng quan ngại", bà Kramp-Karrenbauer nói.

Ông Josep Borrell, người đứng đầu mảng đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), cho biết: "Người dân Mỹ đã lên tiếng. Trong lúc chúng ta chờ đợi kết quả bầu cử, EU vẫn sẵn sàng tiếp tục xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ xuyên Đại Tây Dương [với Mỹ], dựa trên các giá trị chung và lịch sử của chúng ta".

Tại Đức, nhiều ý kiến lo ngại rằng nếu ông Biden có chiến thắng thì ông cũng sẽ phải đối mặt với nhiều bất lợi khi đảng Cộng hòa gần như đã chắc chắn nắm quyền kiểm soát Thượng viện.

Ông Peter Altmaier, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức, một đồng minh chính trị thân cận với Thủ tướng Angela Merkel, nhận định: "Tôi e rằng nếu đây là một kết quá sít sao thì sẽ có một cuộc thảo luận rất, rất dài về nó. Dù ai là người chiến thắng, thì thật tệ khi các chiến dịch tranh cử ở Mỹ đều tập trung chủ yếu vào các vấn đề đối nội".

Tại Anh, Ngoại trưởng Dominic Raab đã kêu gọi mọi người kiên nhẫn chờ đợi kết quả cuối cùng, trong khi cựu Ngoại trưởng thuộc đảng Bảo thủ Jeremy Hunt lo ngại cho danh tiếng của các nền dân chủ trên thế giới nêu cuộc bầu cử tại Mỹ phải kết thúc ở Tòa án Tối cao, trong những cáo buộc gian lận.

Theo ông Hunt, việc kéo dài quy trình bầu cử sẽ chỉ có lợi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bởi các nhà lãnh đạo này có thể lấy đó làm một ví dụ của sự hỗn loạn.

Về phía Nga, các đồng minh của Tổng thống Putin đã thể hiện sự hài lòng trước những kết quả cho đến lúc này, và tuyên bố rằng những kết quả đó đã chứng minh rằng các cáo buộc Nga can thiệp vào chiến thắng năn 2016 của ông Trump đều là sai.

Ông Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Nga, cho biết: "Đã đến lúc nước Mỹ cần quay lại với việc làm chính trị tỉnh táo, và chúng tôi luôn ủng hộ điều đó".

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại