Một trạm khí đốt hóa lỏng ở Italy. Ảnh: The New York Times
Trên khắp lục địa già, người ta lo ngại việc Nga cắt giảm khí đốt sẽ buộc các chính phủ phải chia tỷ lệ sử dụng nhiên liệu và các doanh nghiệp phải đóng cửa nhà máy, khiến hàng nghìn người mất việc làm.
Cho đến nay, các cuộc săn lùng nguồn cung thay thế đã đạt được kết quả nhất định. Dù vậy, ông Michael Stoppard, Phó Chủ tịch phụ trách Chiến lược Khí đốt Toàn cầu của Công ty Nghiên cứu S&P Global cho biết: “Vẫn có một nỗi lo rất lớn và chính đáng về mùa đông sắp tới”.
Cuộc chạy đua tìm nguồn thay thế
Khi Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên, châu Âu buộc phải tìm kiếm nguồn cung cấp thay thế ở khắp mọi nơi để duy trì hoạt động của nền kinh tế. Các nhà máy nhiệt điện than đang được hồi sinh. Hàng tỷ USD đang được chi cho các thiết bị đầu cuối để nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), phần lớn là từ các mỏ đá phiến ở Texas (Mỹ). Các quan chức cấp cao và nguyên thủ quốc gia ở châu Âu liên tục tới Qatar, Azerbaijan, Na Uy và Algeria để hoàn tất các thỏa thuận năng lượng.
Năm tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, châu Âu đang trong giai đoạn chuyển đổi nhanh chóng và ngày càng không thể đảo ngược về cách sử dụng năng lượng để sưởi ấm và làm mát các ngôi nhà, thúc đẩy hoạt động kinh doanh và sản xuất điện.
Lượng khí đốt tự nhiên từ Nga - từng là nguồn cung năng lượng lớn nhất của châu Âu, đã ít hơn 1/3 so với một năm trước. Tuần trước, Gazprom, gã khổng lồ năng lượng của Nga, một lần nữa giảm mạnh dòng khí đốt vận chuyển qua đường ống từ Nga đến Đức, khiến giá khí đốt tương lai của châu Âu tăng lên mức kỷ lục.
Chưa đầy 24h giờ sau thông báo của Gazprom, Liên minh Châu Âu đã kêu gọi cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng trong toàn khối. Đây là điều gần như không thể tưởng tượng được sau hàng chục năm châu Âu sử dụng khí đốt từ Siberia vận chuyển qua các đường ống kéo dài hàng nghìn km. Điều này cũng đang gây chấn động cho các nhà máy và buộc các chính phủ phải tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế.
Những nỗ lực đa chiều nhằm tìm giải pháp thay thế cho khí đốt của Nga đã phần nào bù đắp lại sự thiếu hụt. Theo ông Jack Sharples, thành viên Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, mặc dù Gazprom cắt giảm cung cấp, nhưng nguồn khí đốt tự nhiên ở châu Âu trong nửa đầu năm 2022 gần bằng với cùng kỳ năm 2021.
Yếu tố nổi bật trong kết quả này là khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), được làm lạnh thành dạng lỏng cô đặc và vận chuyển bằng tàu. LNG về cơ bản đã thay thế khí đốt Nga trở thành nguồn nhiên liệu chính của châu Âu. Khoảng một nửa nguồn cung LNG đến từ Mỹ.
Kho khí đốt của châu Âu hiện đã lấp đầy khoảng 67%, cao hơn 10 điểm phần trăm so với một năm trước. Tỷ lệ này không còn xa so với mục tiêu lấp đầy 80% trước mùa đông mà Liên minh châu Âu đã đặt ra.
Nhưng những lo ngại vẫn đó và có nhiều lý do khiến nỗ lực của châu Âu có thể thất bại. Các vấn đề thời tiết - một mùa đông đặc biệt lạnh giá, một cơn bão ở Biển Bắc khiến Na Uy mất sản lượng khí đốt hoặc một mùa bão Đại Tây Dương dồn dập khiến các chuyến tàu chở LNG bị chậm trễ – vẫn có thể khiến châu Âu rơi vào tình trạng thiếu năng lượng.
Ngành công nghiệp hứng đòn
Chi phí năng lượng cao ngất ngưởng ở châu Âu đang đặt nhiều ngành công nghiệp vào thế đề phòng, buộc phải thực hiện những thay đổi để giúp châu Âu đạt được mục tiêu tiết kiệm 15% khí đốt.
Một nhà máy thép thuộc sở hữu của ArcelorMittal ở Hamburg, Đức trong nhiều năm đã sử dụng khí đốt tự nhiên để chiết xuất sắt. Nhưng gần đây, nhà máy này đã chuyển sang mua kim loại đầu vào từ một nhà máy “chị em” ở Canada vì đối tác tiếp cận được nguồn năng lượng giá rẻ hơn. Giá khí đốt tự nhiên ở Bắc Mỹ, dù tăng theo xu hướng chung, nhưng chỉ bằng khoảng 1/7 so với giá ở châu Âu.
Ông Uwe Braun, Giám đốc Điều hành của ArcelorMittal cho biết: “Khí đốt tự nhiên đắt đỏ tới mức chúng tôi không đủ khả năng chi trả”.
Rất ít nhà phân tích hoặc nhà điều hành kỳ vọng tình hình sẽ cải thiện trong những tháng tới. Thay vào đó, mùa đông sắp tới sẽ là giai đoạn khó khăn hơn với các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như lò luyện kim, nhà sản xuất phân bón và thủy tinh.
Tại Romania, Tập đoàn ALRO gần đây cho biết họ đã đóng cửa sản xuất một nhà máy nhôm lớn và sa thải 500 nhân công do chi phí năng lượng cao khiến công ty này không thể cạnh tranh.
LNG là giải pháp thay thế tốn kém
Các chuyến tàu vận chuyển LNG tới châu Âu là một giải pháp thay thế tốn kém. “Cơn khát” LNG ngày càng tăng của Châu Âu có thể ảnh hưởng tới các khu vực khác trên thế giới vốn phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu này.
Về cơ bản, châu Âu đang ra giá để LNG chuyển khỏi các thị trường khác, chủ yếu ở châu Á - nơi Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là những khách hàng lớn.
Ông Ben van Beurden, Giám đốc Điều hành của Shell, một nhà cung cấp LNG cho biết: châu Âu đang “đưa LNG khỏi các thị trường không sẵn sàng trả mức giá mà châu Âu có thể trả. Đó là một vị trí không hề dễ chịu”.
Các quốc gia như Đức và Romania cũng đang thực hiện nhiều giải pháp, bao gồm việc khôi phục hoạt động hoặc trì hoãn việc loại bỏ các nhà máy nhiệt điện đốt than. Điều này là nhằm giảm thiểu lượng khí đốt sử dụng trong các nhà máy điện và để dành cho các nhu cầu thiết yếu như sưởi ấm trong nhà hoặc vận hành các nhà máy công nghiệp.
Vẫn còn nhiều điều yếu tố bất ổn khác. Mặc dù châu Âu có hơn 20 trạm tiếp nhận khí đốt tự nhiên hóa lỏng, nhưng không có trạm nào ở Đức. Berlin đang tìm cách xây dựng 4 trạm và đã chi 2,5 tỷ Euro (2,55 tỷ USD) để thuê 4 tàu xử lý LNG, nhưng vẫn chưa rõ liệu có tàu nào trong số này có thể đi vào hoạt động đủ nhanh để đảm bảo nguồn cung trong mùa đông tới hay không.
Những yếu tố khó dự đoán
Thời tiết cũng có thể là yếu tố quan trọng và không chỉ ở châu Âu. Một mùa đông lạnh giá ở châu Á - lâu nay vốn là thị trường hàng đầu của khí đốt hóa lỏng, sẽ khiến các bên phải cạnh tranh khốc liệt để giành nguồn cung LNG hạn chế trên toàn cầu.
Châu Âu vẫn còn một lựa chọn nữa. Trước khi cuộc khủng hoảng khí đốt xảy ra, chính phủ Hà Lan đã đặt ra kế hoạch đóng cửa mỏ Groningen khổng lồ ở phía Bắc nước này vì sự phản đối của người dân địa phương. Đây là một trong số ít nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên lớn ở lục địa Châu Âu, có thể cung cấp tới 40% sản lượng tiêu thụ hàng năm của Đức.
Một số nhà quan sát đặt câu hỏi về việc chính phủ Hà Lan có tiếp tục miễn cưỡng đánh thức “gã khổng lồ đang ngủ yên” để đưa lượng khí đốt đáng kể trở lại lưới điện hay không.
Chính phủ Hà Lan đã quyết định trì hoãn việc đóng cửa vĩnh viễn các giếng khí đốt vì “diễn biến địa chính trị bất ổn”, nhưng khẳng định sẽ chỉ xem xét sử dụng Groningen “trong trường hợp xấu nhất, nếu sự an toàn của người dân gặp rủi ro”. Lập trường này có thể được thử thách trong những tháng tới./.