Châu Âu "mở hé cửa" cho chất cấm lan tràn?

Nam Phong |

Việc Sakho có thể bị cấm thi đấu do dùng chất cấm đang gây xôn xao. Nhưng đó chỉ là bề nổi của tảng băng. Bởi nếu đào sâu, ngay cả các HLV hay thậm chí UEFA cũng bị đặt nghi vấn.

Mamadou Sakho và mối họa từ thuốc.. giảm cân

Sakho có lẽ đang là một trong những cầu thủ đạt phong độ cao nhất của Liverpool. Đội chủ sân Anfield thắng liên tục trong hơn 1 tháng qua và lọt vào bán kết Europa League một phần nhờ phong độ xuất sắc của trung vệ người Pháp.

Nhưng đùng một cái, người ta ngã ngửa khi nghe tin anh dương tính với chất cấm. Kết quả của Sakho được xác định trong trận lượt về vòng knock-out Europa League với Manchester United (hai đội hòa 1-1).

Giống như người bạn thân Kolo Toure (hồi năm 2011) ở Liverpool, Sakho có khả năng bị cấm thi đấu từ 6 tháng đến 1 năm và khả năng lỡ hẹn với Euro 2016.


Sakho nhiều khả năng sẽ bị cấm thi đấu dài hạn.

Sakho nhiều khả năng sẽ bị cấm thi đấu dài hạn.

Trung vệ này bị cho là đã sử dụng một loại thuốc giảm cân có chứa chất cấm. Mặc sức cho anh thanh minh, thông báo của UEFA cho biết họ đã cảnh báo các cầu thủ từ tận... 2 năm trước.

Nhưng vấn đề ở đây là, tại sao đã biết như vậy, mà Sakho vẫn dùng. Vì anh thật sự không rõ thành phần của nó, không được bác sỹ của CLB tư vấn? (khó tin với một môi trường chuyên nghiệp như Premier League).

Hay là túng quá, hóa liều? Sakho từng bị HLV Brendan Rodgers chê là... quá béo, và đày ải trên băng ghế dự bị, trước khi Jurgen Klopp đến. Anh nôn nóng lấy lại phong độ tới mức sử dụng thuốc giảm cân có cả những chất cấm?

Và những bức xúc của Arsene Wenger

Trong một bài phát biểu hồi tháng 11 năm ngoái, HLV Arsene Wenger từng ám chỉ việc nhiều CLB bóng đá ở Châu Âu cố tình sử dụng chất cấm cho cầu thủ.

“Tôi không bao giờ tiêm cho cầu thủ để khiến họ thi đấu tốt hơn”, HLV người Pháp nói. “Nhưng tôi biết có CLB từng đối đầu với tôi đã làm điều đó”.

Bài phát biểu đó làm đau đầu cả FA lẫn UEFA. Họ liền yêu cầu “Giáo sư” giải thích. Thế quái nào có CLB từng gặp Arsenal dùng doping mà FA hay UEFA lại không hay biết?

Chẳng biết có phải để chiều lòng Wenger và dư luận hay không, mà 1 tuần sau, UEFA ra lệnh cấm thi đấu tới 4 năm với tiền vệ Arijan Ademi của CLB Dinamo Zagreb.

Phải nói thêm, Ademi là nhân tố chủ chốt của Zagreb trong trận thắng Arsenal 2-1 trên sân nhà gây chấn động Champions League.

Tại anh, tại ả... hay tại cả đôi bên?

Vấn nạn sử dụng doping và chất cấm từ lâu đã gây nhức nhối trong bóng đá. Nhưng có lẽ trong mớ lùng nhùng đang diễn ra, chẳng ai trong sạch 100%. Ngay cả đó là những người có tiếng là đàng hoàng như... Wenger.

Bởi chính HLV đạo mạo người Pháp, từng bị học trò cũ Paul Merson “đâm lén” trên tạp chí So Foot vào năm 2011. Merson tiết lộ với báo chí rằng, đã “được Arsenal tiêm một chất gì đó vào người” trước trận đấu.

Dĩ nhiên Arsenal sau đó một mực khẳng định rằng nó chỉ là một loại vitamin thông thường, còn Wenger thì khẳng định, ông sẽ sẵn sàng từ chức nếu người ta phát hiện ông dùng doping cho cầu thủ.

Nhưng cũng chỉ mới đầu tháng 4, tờ Sunday Times tiết lộ một thông tin gây rúng động làng bóng nước Anh. Họ cho biết có tới 150 cầu thủ tại Anh, bao gồm cả những người đang chơi bóng tại Premier League sử dụng chất cấm.

Mọi chuyện bung bét, bởi thông tin từ một bác sĩ có tên là Mark Bonar, người được cho là từng kê hàng loạt đơn thuốc gồm toàn những “thuốc cấm” như EPO, steroid và thuốc kích thích tăng trưởng hóc-môn cho cầu thủ.

Trong danh sách các khách hàng của Mark Bonar có ai? Báo chí Anh tin rằng đó là những cầu thủ của Chelsea, Leicester City, Birmingham City và cả Arsenal.

Ngay cả UEFA cũng không vô can?

Tờ The Guardian từng đưa ra nghi vấn về việc liệu UEFA có làm ngơ cho những hành vi của các CLB (dựa trên các cáo buộc của Wenger).

Một thời gian không lâu sau đó, UEFA thay đổi quy trình xét nghiệm doping, khi bao gồm thêm cả các biện pháp thử máu và nhiều phương pháp chi tiết hơn.

Và thế là tỷ lệ các cầu thủ bị dương tính đột ngột tăng lên, và phần lớn thuộc về các CLB vô danh tham dự đấu trường Châu Âu. Phải chăng trước đó, UEFA đã làm ngơ cho các CLB nhỏ để tăng thêm kịch tính cho mỗi trận đấu?

Bóng đá là một thể thao luôn yêu cầu các VĐV phải có sức khỏe toàn diện, không yêu cầu khối lượng cơ bắp kinh hoàng như Rugby, nhưng có tính đối kháng rất cao.

Rio Ferdinand từng bị treo giò vì... quên kiểm tra doping.
Rio Ferdinand từng bị treo giò vì... quên kiểm tra doping.

Không yêu cầu các cầu thủ phải chạy vài chục km như các VĐV điền kinh, nhưng bóng đá đòi hỏi sự dẻo dai và sức bền trong suốt 90 phút.

Nói nôm na là môn thể thao vua luôn rất khắt khe về mặt sức khỏe. Và điều đó khiến các cầu thủ phải làm tất cả để đạt trạng thái tốt nhất, bao gồm cả việc sử dụng các loại thuốc.

Trước Sakho, đã có cả những ngôi sao nổi tiếng như Japp Stam, Edgar Davis, Frank de Boer (HLV hiện tại của Ajax), hay Rio Ferdinand,... dính vào những chất cấm. Còn số lượng những cầu thủ vô danh thì không đếm xuể.

Rất khó để có thể kết luận rõ ràng rằng các cầu thủ hay HLV liệu có cố tình sử dụng chất cấm hay không. Và việc sử dụng chất cấm sẽ luôn là vấn nạn nhức nhối trong bóng đá.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại