Châu Âu hối hả giục Iran thả tàu dầu Anh

Quý Hoàng |

Các cường quốc châu Âu vào thứ Bảy kêu gọi Iran để thả một con tàu chở dầu mang cờ Anh mà nước này đã bắt giữ ở eo biển Hormuz.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cho biết họ đã bắt giữ tàu dầu Stena Impero hôm thứ Sáu vì vi phạm "các quy tắc hàng hải quốc tế" ở eo biển Hormuz – một tuyến đường biển huyết mạch chở khoảng một phần ba lượng dầu biển trên thế giới.

Động thái này diễn ra chỉ vài giờ sau khi một tòa án ở Gibraltar thuộc Anh nói rằng sẽ kéo dài thêm 30 ngày nữa việc giam giữ một tàu chở dầu Iran bị họ thu giữ hai tuần trước về các cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của EU đối với Syria.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt nói, vụ việc hôm thứ Sáu cho thấy "những dấu hiệu đáng lo ngại rằng Iran có thể đang chọn con đường nguy hiểm là tiến hành hành vi bất hợp pháp và gây bất ổn".

Chính phủ Anh cũng khuyến nghị các tàu nước này tránh eo biển Hormuz trong "một giai đoạn tạm thời".

"Chúng tôi vẫn quan ngại sâu sắc về những hành động không thể chấp nhận được của Iran, điều này thể hiện thách thức rõ ràng đối với tự do hàng hải quốc tế", một phát ngôn viên của Anh nói sau cuộc họp qua đêm của ủy ban khẩn cấp COBRA.

Đức và Pháp cũng kêu gọi Iran thả tàu chở dầu của Anh, điều Berlin gọi là "tình tiết gia tăng nguy hiểm trong tình hình vốn đã căng thẳng".

Căng thẳng ở vùng Vịnh đã tăng vọt kể từ tháng Năm sau khi Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi không kích đáp trả Iran nhưng sau đó đã hủy lệnh vào phút cuối vì lo ngại thương vong sẽ ở mức cao.

Washington cũng đổ lỗi cho Iran về nhiều cuộc tấn công vào các tàu chở dầu ở vùng Vịnh.

Ông Trump nói rằng, sự cố hôm thứ Sáu "chỉ thể hiện những gì tôi đang nói về Iran: rắc rối. Không có gì ngoài rắc rối."

Tàu Stena Impero đang trên đường tới Saudi Arabia vào thứ Sáu khi nó đâm vào một tàu cá, theo các nhà chức trách cảng tại Bandar Abbas - nơi con tàu chở dầu này đang neo đậu.

Allah-Morad Afifipoor, Giám đốc Sở cảng vụ và hàng hải Hormozgan, Iran cho biết, các chuyên gia sẽ điều tra vụ việc.

Tàu chở dầu này "có 23 thủy thủ và tất cả họ đều ở trên tàu", hãng tin Fars của Iran dẫn lời quan chức này.

Philippines cho biết 18 người Ấn Độ, ba người Nga, một người Latvia và một người Philippines đã có mặt trên tàu.

Cả Manila và New Delhi cho biết họ đã liên lạc với Tehran để giải cứu công dân.

"Một trong những lý do khiến tàu chở dầu của Anh bị bắt giữ để điều tra thêm là vì trong thời gian di chuyển họ đã tắt bộ truyền, phát tín hiệu," ông nói với hãng tin ILNA.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại