Châu Âu đầy mâu thuẫn khi đứng trước TQ: Sợ sức ảnh hưởng nhưng lại mê tiền của Bắc Kinh

Thủy Thu |

Vào năm 2016, một làn sóng phản đối bùng phát khi công ty Trung Quốc mua lại nhà sản xuất robot công nghiệp KUKA của Đức.

Một châu Âu mâu thuẫn

Các quan chức ở Brussels hoặc Berlin có thể cảm thấy lo ngại trước ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc đối với nền kinh tế châu Âu khi Bắc Kinh đã kiểm soát một loạt cảng biển ở lục địa già, còn các công ty Trung Quốc thì đang mua lại các công ty công nghệ cao ở đay nhưng tại thị trấn Arnstadt, mối lo ngại này dường như không tồn tại, The New York Times (NYT - Mỹ) cho biết.

Tại thị trấn có 28.000 người này, một công ty Trung Quốc đã lên kế hoạch đầu tư hơn 2 tỷ USD xây dựng nhà máy sản xuất ắc quy ở ngoại ô.

Dự án được đầu tư bởi Công ty TNHH công nghệ năng lượng mới đương đại Amperex (CATL). Đây là trường hợp rất đáng chú ý bởi công ty Trung Quốc đã chọn xây dựng nhà máy mới ở EU thay vì mua lại các nhà máy sẵn có như trước đây.

Châu Âu đầy mâu thuẫn khi đứng trước TQ: Sợ sức ảnh hưởng nhưng lại mê tiền của Bắc Kinh - Ảnh 1.

Một nhà thờ ở Arnstadt. Ảnh: NYT

"Có lẽ không có nơi nào đầy mâu thuẫn như châu Âu trước các khoản đầu tư từ Trung Quốc: Sợ sức ảnh hưởng nhưng lại ham tiền của Bắc Kinh", NYT

Vào năm 2016, một làn sóng phản đối bùng phát khi công ty Trung Quốc mua lại nhà sản xuất robot công nghiệp KUKA của Đức. Vào đầu năm ngoái, một nhà đầu tư Trung Quốc đã mua 10% cổ phần của Daimler, gã khổng lồ trong lĩnh vực sản xuất ô tô Đức. Những thương vụ này đã thúc đẩy sự ra đời của các quy định pháp luật mới nhằm giúp các quốc gia thành viên EU tăng cường khả năng xem xét các khoản đầu tư nước ngoài.

Nhưng trong tuyên bố vào mùa hè năm ngoái, CATL cho biết họ đã chọn khu công nghiệp Erfurter Kreuz để xây dựng nhà máy mới sản xuất ắc quy dùng cho xe điện, vốn được cung cấp tới các công ty như Volvo hay BMW.

Những người ủng hộ cho rằng, dự án CATL cho thấy một giai đoạn mới tích cực hơn từ sự trỗi dậy của Trung Quốc trong vai trò như một siêu cường kinh tế. Công ty Trung Quốc sẽ mang đến công nghệ tiên tiến của riêng mình thay vì mua lại công nghệ châu Âu hoặc thương hiệu mang tính biểu tượng như Volvo.

Châu Âu đầy mâu thuẫn khi đứng trước TQ: Sợ sức ảnh hưởng nhưng lại mê tiền của Bắc Kinh - Ảnh 2.

CATL mua lại một nhà máy sản xuất pin mặt trời ở Arnstadt và sẽ xây dựng một nhà máy mới. Công ty sẽ cung cấp pin xe điện cho các công ty như Volvo và BMW. Ảnh: NYt

Theo NYT, giới chức Đức cũng cho biết, thay vì sử dụng lao động giá rẻ phá vỡ cơ hội việc làm trong lĩnh vực công nghiệp châu Âu, Trung Quốc sẽ tạo ra 2.000 việc làm mới. Đây là một lập luận rất hấp dẫn khi suy thoái kinh tế sắp xảy ra và thị trường việc làm Đức đang bắt đầu có dấu hiệu suy yếu.

"Những gì chúng tôi đang làm hoàn toàn trái với trường hợp của KUKA," Wolfgang Tiefensee, Trưởng ban kinh tế bang Thuringia, cựu Bộ trưởng Bộ giao thông Đức nói.

Ông Wolfgang Tiefensee vô cùng tâm huyết với việc thu hút vốn đầu tư từ CATL, vào năm 2017, khi nghe tin công ty đang tìm kiếm địa điểm xây dựng nhà máy ở châu Âu, ông đã nhanh chóng sắp xếp đặt chuyến bay tới trụ sở của công ty này ở thành phố ven biển ở tỉnh Phúc Kiến để thuyết phục.

"Chúng tôi đang mở đường chuyển giao công nghệ ắc quy từ Trung Quốc sang châu Âu", cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông Đức nói trong cuộc phỏng vấn tại văn phòng ông ở Erfurt, "Đây là hình thức hợp tác hoàn toàn mới".

Sự trỗi dậy của Trung Quốc

Một số nhà phân tích cảnh báo rằng, ý định đằng sau Trung Quốc không thực sự đẹp đẽ như vẻ bề ngoài, do CATL là một phần trong chiến lược quan trọng về công nghệ được nhà nước Trung Quốc kiểm soát. Ắc quy có thể chiếm khoảng một nửa chi phí của một chiếc xe điện. Với sự phổ biến của xe điện, bất cứ ai làm chủ ngành kinh doanh ắc quy sẽ thống trị ngành công nghiệp ô tô.

Đội ngũ lãnh đạo của Arnstadt cho biết, địa chính trị không phải là điều mà giới chức thành phố lo ngại. Họ mong muốn khoản thuế mà CATL sẽ mang lại, khoản tiền này sẽ dùng để xây dựng các trường mẫu giáo, bể bơi công cộng và đưa thành phố trở thành trung tâm của một ngành công nghiệp lớn.

Châu Âu đầy mâu thuẫn khi đứng trước TQ: Sợ sức ảnh hưởng nhưng lại mê tiền của Bắc Kinh - Ảnh 3.

"Công việc của tôi là cải thiện thành phố. Những vấn đề khác đều không thể tham gia thảo luận", Thị trưởng Frank Spilling nói. Ảnh: NYT

Thị trưởng Frank Spilling cho biết, ông nhận thức rõ về những nỗ lực nhằm mở rộng ảnh hưởng trên toàn thế giới của Trung Quốc.

"Đó không phải là công việc của tôi", Spilling nói, "Công việc của tôi là cải thiện thành phố. Những vấn đề khác đều không thể tham gia thảo luận. Ngay cả khi tôi chỉ trích, tôi nghi ngờ rằng liệu có ai sẽ quan tâm đến nhưng điều tôi nói".

Theo NYT, quan điểm của ông đã được phần lớn giới chính trị thành phố tán thành. Dự án của CATL không gặp phải bất cứ trở ngại nào. Jan Kobel, đại diện của đảng Xanh Hội đồng thành phố Arnstadt cho biết: "Mọi người đều chào đón nó".

Tuy nhiên, ông Kobel và những người khác cũng có một số điểm không hài lòng chỉ trích rằng, CATL chỉ cung cấp thông tin cơ bản về kế hoạch cho các quan chức của Arnstadt, mặc dù quy mô của dự án đang mở rộng với tốc độ chóng mặt.

Ban đầu, công ty có kế hoạch đầu tư 240 triệu euro nhưng theo truyền thông địa phương, cùng với sự bùng nổ của các đơn đặt hàng, vốn đầu tư đã tăng lên 1,8 tỷ euro, tương đương 2 tỷ USD. Sản xuất dự kiến ​​sẽ bắt đầu vào năm tới.

"Nó đến quá nhanh", Judith Rüber, vợ ông Kobel, đồng thời là cựu lãnh đạo đảng cánh tả của Arnstadt, nói. "Chúng ta có thể dung hòa dự án vào xã hội hay không là điều rất đáng chú ý".

Người phát ngôn của CATL đã từ chối trả lời các câu hỏi về lý do tại sao công ty lại chọn Arnstad và từ chối trả lời bất kỳ câu hỏi nào khác. Bà này cho biết, công ty sẽ chia sẻ thêm thông tin ở triển lãm ô tô quốc tế tại Frankfurt trong tháng này.

Có người đã nhìn thấy một số giám đốc điều hành CATL tại châu Á và châu Âu xuất hiện ở Stadtbrauerei Arnstadt nhưng các quan chức thành phố cho biết họ chỉ liên lạc với đại diện của CATL.

CATL cũng tiếp quản một khu nhà máy quy mô lớn từng dùng để sản xuất pin mặt trời gần khu công nghiệp hiện nay. SolarWorld - công ty cũ tại đây đã phải đóng cửa, một phần vì sự cạnh tranh chi phí rất thấp của công ty Trung Quốc.

Thời gian qua, dường như không có dấu hiệu của sự sống ở khu vực này. Chỉ một vài chiếc xe xuất hiện trong một bãi đậu xe ngổn ngang gạch đá, xung quanh lấp đầy cỏ dại. Khi các phóng viên và nhiếp ảnh gia của NYT bất ngờ ghé thăm, nhân viên CATL rất nhiệt tình nhưng nói rằng ông không có quyền trả lời các câu hỏi hoặc cho phép chụp ảnh.

Phóng viên Eberhardt Pfeiffer chia sẻ, CATL vô cùng kín đáo đến mức hầu hết người dân địa phương không thực sự nắm rõ quy mô của dự án và ảnh hưởng của nó.

"Từ quan điểm của tôi" Pfeiffer vừa thưởng thức cà phê trong một quán cà phê ở quảng trường thị trấn vừa nói, "Mọi người thực sự chưa hiểu rõ về dự án".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại