Châu Âu đang tranh thủ gom khí đốt Nga với tốc độ chóng mặt, khả năng sẽ gây đảo lộn thị trường LNG vốn dĩ đã mong manh

Khánh Vy |

Việc châu Âu ra sức tìm nguồn cung thay thế cho khí đốt tự nhiên mà khối này từ trước đến nay vẫn nhập khẩu từ Nga đang đẩy thế giới đến bờ vực của tình trạng khan hiếm năng lượng trầm trọng trong mùa đông tới. Ảnh hưởng tồi tệ nhất của sự khan hiếm này có thể xảy ra ở những nền kinh tế nghèo hơn tại châu Á.

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Liên minh châu Âu (EU) đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga. Các nước trong khối này vì thế tăng cường mua khí hoá lỏng (LNG) - một lựa chọn thay thế hấp dẫn cho khí đốt Nga vì LNG có thể được vận chuyển bằng tàu biển thay vì qua đường ống. LNG cũng là một nguồn năng lượng hoá thạch sạch hơn so với than đá hay dầu mỏ.

Tuy nhiên, nếu khối EU 'giảm mạnh' được sự phụ thuộc vào khí đốt Nga đúng như kế hoạch mà họ đề ra - đến cuối năm nay giảm 2/3 nhập khẩu khí đốt Nga - nhu cầu toàn cầu về LNG sẽ vượt hơn 26 triệu tấn cuối năm 2022, theo một báo cáo mới đây của công ty tư vấn Rystad Energy. Sự thiếu hụt này tương đương gần 7% nhu cầu LNG toàn cầu trong cả năm 2021, hoặc mức tiêu thụ LNG của cả thế giới trong 25 ngày.

Châu Âu đang tranh thủ gom khí đốt Nga với tốc độ chóng mặt, khả năng sẽ gây đảo lộn thị trường LNG vốn dĩ đã mong manh  - Ảnh 1.

Châu Âu tích cực gom mua LNG

Theo CNN, Châu Âu đã gom mua LNG với tốc độ chóng mặt trong những tháng gần đây. Các nước EU và Anh đã nhập khẩu 28,2 triệu tấn LNG trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4 năm nay, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái - theo dữ liệu từ Independent Commodity Intelligence Services. Trong đó, Pháp và Tây Ban Nha là hai nước mua nhiều LNG nhất.

Nhà phân tích cấp cao Kaushal Ramesh của Rystad Energy nói rằng nguy cơ khan hiếm LNG đã trở nên rõ ràng vào tháng 3, khi "EU thông báo rằng sẽ tăng nhập khẩu LNG thêm 50 tỷ mét khối so với năm 2021".

"Giai đoạn này đang mở đường cho một thời kỳ kéo dài với nguồn cung thiếu hụt, giá tăng cao, mức độ biến động rất lớn, và địa chính trị LNG gia tăng", ông Ramesh viết trong báo cáo.

Châu Âu đang tranh thủ gom khí đốt Nga với tốc độ chóng mặt, khả năng sẽ gây đảo lộn thị trường LNG vốn dĩ đã mong manh  - Ảnh 2.

Các quốc gia châu Âu nhập khẩu lượng lớn khí đốt từ Nga.

Vào hôm thứ 5 (26/5), giá LNG ở khu vực Đông Á đã tăng 114% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 22 USD/mmbtu, theo dữ liệu từ ICIS. Thương mại LNG toàn cầu tăng 6% trong năm ngoái, do sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu sau đại dịch tại khu vực châu Á – theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Người tiêu dùng trên toàn cầu có thể phải trả mức giá LNG còn cao hơn nữa khi nhu cầu của châu Âu tiếp tục tăng mạnh. Giá LNG có mối liên kết chặt chẽ với giá khí đốt tự nhiên mà châu Âu nhập khẩu bằng đường ống. Giá tham chiếu của giá khí đốt tự nhiên giao sau tại châu Âu gần đây đã lên gần 30 USD/mmbtu, giảm từ mức kỷ lục 67 USD/mmbtu hồi tháng 3, nhưng có thể tăng vượt 100 USD/mmbt nếu Nga đột ngột cắt khí đốt hoàn toàn đối với cả châu Âu. Hiện tại, nước này đã cắt cung cấp khí đốt cho Ba Lan, Bulgaria và Phần Lan.

Châu Á đành ngậm ngùi đứng sau trong cuộc đua

Châu Á là khu vực nhập khẩu nhiều LNG nhất, ít nhất kể từ năm 2010 – theo bà Ruth Liao, biên tập viên trang LNG Americas. Tuy nhiên, một số khách hàng ở châu Á sẽ khó cạnh tranh nổi với các nước giàu có hơn ở châu Âu và rốt cục có thể bị đánh bật, cho dù Nga có bất ngờ "khoá van" khí đốt với châu Âu hay không. "Mùa đông tới sẽ là một rủi ro lớn xét tới việc nguồn cung LNG có thể cân bằng ra sao giữa nhu cầu của cả châu Âu và châu Á", bà Liao nói.

Châu Âu đang tranh thủ gom khí đốt Nga với tốc độ chóng mặt, khả năng sẽ gây đảo lộn thị trường LNG vốn dĩ đã mong manh  - Ảnh 3.

Việc châu Âu ra sức tìm nguồn cung thay thế cho khí đốt tự nhiên mà khối này vẫn nhập khẩu từ Nga đang đẩy thế giới đến bờ vực của tình trạng khan hiếm năng lượng trầm trọng trong mùa đông năm nay

Ông Ramesh nói rằng những quốc gia như Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh có thể sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi dòng LNG chuyển hướng sang châu Âu. Chuyên gia kinh tế cấp cao Eric Heymann của Deutsche Bank thì khuyến nghị các nước nhập khẩu khí đốt nên bắt đầu ký các hợp đồng dài hạn với nhà cung cấp.

"Một tỷ lệ lớn hơn trong cầu và cung LNG đang dựa trên các hợp đồng ngắn hạn và linh hoạt, hoặc trên thị trường giao ngay. Giá cả là yếu tố quyết định LNG sẽ được bán về đâu", ông Heymann cho biết.

Từ tháng 11, Ấn Độ và Pakistan đều đã giảm nhập khẩu LNG 15%, mà nguyên nhân chủ yếu là do giá tăng cao - theo dữ liệu từ công ty phân tích Vortexa. Kết quả là nhu cầu LNG của châu Á có thể "sứt mẻ vĩnh viễn", với một số quốc gia phải chuyển sang tăng sử dụng than đá và dầu mỏ - Rystad Energy nhận định.

Một số quốc gia khác có thể đẩy mạnh việc dịch chuyển sang năng lượng tái sinh. LNG vẫn được xem là một trong những nguồn năng lượng hoá thạch sạch nhất, và là một thành phần chủ chốt của dịch chuyển năng lượng.

Tuy nhiên, các bằng chứng khá trái chiều. Một số nghiên cứu cho thấy LNG tạo ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính ít hơn nhiều, trong khi một số nghiên cứu khác lại phát hiện thấy ở LNG tỷ lệ rò rỉ methane cao hơn tại một số giai đoạn trong quy trình sản xuất. Mà theo Liên hiệp quốc, trong thời gian 100 năm, khí methane đóng góp vào sự nóng lên toàn cầu nhiều gấp 34 lần so với khí thải carbon dioxide.

Các nhà xuất khẩu hưởng lợi lớn

Giá LNG cao là một tin tốt đối với các nước xuất khẩu lớn loại nhiên liệu này, bao gồm Mỹ, Qatar và Australia. Mỹ là nguồn cung cấp khoảng 45% nhập khẩu khí hoá lỏng của châu Âu trong vòng 2 tháng trở lại đây – theo Vortexa. Qatar cung cấp khoảng hơn 1/5.

"Có một điều gây tranh cãi là khoảng 13,5% nhu cầu nhập khẩu LNG của châu Âu vẫn đang được đáp ứng bởi dự án LNG của Nga ở Bắc Cực", chuyên gia Felix Booth của Vortexa phát biểu.

Hiện nay, một loạt dự án LNG đang được xây mới hoặc khôi phục để tranh thủ nhu cầu cấp thiết của châu Âu, bao gồm Đức, đối với nguồn năng lượng này. 35% nhu cầu khí đốt của Đức hiện đang được đáp ứng bởi Nga.

Châu Âu đang tranh thủ gom khí đốt Nga với tốc độ chóng mặt, khả năng sẽ gây đảo lộn thị trường LNG vốn dĩ đã mong manh  - Ảnh 4.

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã công bố kế hoạch xây dựng 2 cảng nhập khẩu LNG, và một trong những công ty năng lượng lớn nhất của Đức là RWE dự kiến sẽ ký một thoả thuận mua khí đốt thời hạn 15 năm với công ty sản xuất LNG Mỹ Sempra.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất LNG sẽ không thể hành động đủ nhanh để ngăn chặn sự thiếu hụt khí đốt toàn cầu trong mùa đông năm nay.

"Nhu cầu tăng mạnh trên toàn cầu đã thúc đẩy các dự án LNG mới phát triển với tốc độ mạnh mẽ nhất trong vòng hơn 1 thập kỷ trở lại đây. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng của các dự án này cho thấy chỉ từ sau năm 2024 trở đi mới có thể có được sự giải toả nguồn cung thực sự", báo cáo của Rystad Energy nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại