Trợ cấp lên đến hơn 500 tỷ USD
Chính phủ Anh vừa xác nhận kế hoạch trợ cấp hoá đơn tiền điện cho doanh nghiệp và hộ gia đình, theo CNN. Đây cũng là giải pháp được nhiều chính phủ châu Âu thực hiện trong một cuộc chạy đua tốn kém về chi phí nhằm bảo vệ nền kinh tế vào mùa đông sắp tới, trong bối cảnh Nga đang cắt đứt nguồn cung khí đốt.
Theo các chuyên gia, dự kiến kế hoạch của Anh có thể lên tới 150 tỷ Bảng ( tương đương 172 tỷ USD). Nếu tính toán với con số từ các chương trình tương tự tại Đức, Áo, và một số quốc gia châu Âu khác, tổng kinh phí sẽ lên tới hơn 500 tỷ USD.
Từ tháng 10, các hộ gia đình tại Anh sẽ trả tối đa 2.500 Bảng (2.880 USD) cho hoá đơn tiền điện trong vòng 2 năm tới. Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức từ thiện và công ích với chi phí tiêu thụ điện trong vòng 6 tháng tới, hoặc có thể lâu hơn.
"Do chương trình không nhắm tới những đối tượng cần hỗ trợ nhất, mà mang tính dàn trải, do đó, quy mô là khá tốn kém", Salomon Fiedler, chuyên gia tại Ngân hàng Berenberg nói.
"Gói hỗ trợ cho các hộ gia đình có thể lên tới 100 tỷ Bảng (4% GDP của Anh), các biện pháp sau đó cho các doanh nghiệp có thể đẩy con số này lên 150 tỷ Bảng", ông nói.
Gói hỗ trợ có thể "phình" to hơn
Hiện người Anh đang đứng trước tình hình kinh tế nhiều khó khăn. Hiện, trung bình giá điện hàng năm của mỗi gia đình đã tăng 54% trong năm nay lên 1.971 Bảng (2.263 USD). Nếu không có các biện pháp hỗ trợ của chính phủ, giá điện có thể tăng hơn 3.500 Bảng trong tháng 10, và cao hơn vào đầu năm sau. Nhiều doanh nghiệp hiện đang đối mặt với sức ép lớn và đã đưa ra dự báo có thể sẽ không trụ nổi trong mùa đông năm nay.
"Cái giá của sự thụ động có thể sẽ lớn hơn nhiều so với gói hỗ trợ này", Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng nói trong một tuyên bố gần đây.
Thủ tướng Anh Liz Truss khi công bố các biện pháp này tại Quốc hội, đã bác khả năng sẽ áp đặt thuế đối với mức doanh thu tăng vọt của các công ty năng lượng. Thay vào đó, bà Liz Truss cho rằng chính phủ sẽ phải tăng vay nợ để thực hiện kế hoạch trên.
Theo các chuyên gia, kế hoạch này sẽ làm tăng lo ngại từ các nhà đầu tư, vốn đã có cái nhìn không mấy tiêu cực về sự thiếu bền vững của tình hình an ninh tài chính Anh. Việc tăng vay có thể khiến các nhà đầu tư từ bỏ đồng Bảng Anh, vốn đã giảm xuống mức thấp nhất trong 37 năm qua, và tiếp tục làm tăng sức ép lạm phát.
Bruegel, một viện nghiên cứu chính sách tại Brussels, vào tháng trước cho biết EU và Anh đã hỗ trợ 280 tỷ USD để bảo vệ người tiêu dùng trước việc giá năng lượng tăng.
Các phân tích trên bao gồm những khoản chi tiêu được thực hiện từ tháng 9/2021 – khi giá năng lượng toàn cầu bắt đầu tăng – cho đến tháng 7 năm nay.
Nhưng phần lớn trong các chính sách hỗ trợ này bắt đầu từ cuối tháng 2, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, khiến giá dầu và khí đốt tăng mạnh, Giovanni Sgaravatti, chuyên gia phân tích tại Bruegel nói.
Chính phủ Đức đã công bố gói hỗ trợ 65 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế. Áo vào thứ tư cũng cho biết sẽ duy trì giá điện không đổi từ tháng 12- tháng 6/2024, trong đó Reuters cho biết kế hoạch này sẽ tiêu tốn khoảng 4 tỷ USD.
Cho dù chi phí tổng thể của gói hỗ trợ từ các chính phủ châu Âu đã lên tới 500 tỷ USD, rõ ràng các nước hiểu còn nhiều điều phải làm trước những căng thẳng xoay quanh vấn đề năng lượng với Nga.