Châu Âu chậm chân so với Mỹ và Trung Quốc trong đầu tư không quân

Hà Linh |

Nhiều nhà phân tích cảnh báo rằng không quân châu Âu đang bị bỏ xa bởi Mỹ và Trung Quốc vốn đã rất hào phóng rót kinh phí vào các dự án chiến đấu cơ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã dự buổi khai mạc Triển lãm Hàng không Paris (từ 17-23/6) - sự kiện dự kiến diễn ra lễ ký kết thỏa thuận khung hợp tác về Hệ thống Chiến đấu cơ Tương lai (FCAS) của các Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Đức và Tây Ban Nha.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) nhận định FCAS sẽ hỗ trợ gắn kết sức mạnh quân sự châu Âu và giảm thiểu phụ thuộc vào thiết bị của Mỹ. FCAS còn bao gồm cả máy bay không người lái và tên lửa hành trình.

Tuy nhiên, chi tiêu quốc phòng châu Âu vẫn khiêm tốn và chưa thể đuổi kịp Mỹ và Trung Quốc vốn đều chủ trương tăng cường sức mạnh quân sự. Các công ty quốc phòng châu Âu còn đối mặt với đối thủ từ Mỹ đang ngày càng lớn mạnh, đặc biệt là trong tháng này hai công ty Raytheon và United Technologies còn tuyên bố sáp nhập.

Ông Philippe Plouvier tại Tập đoàn tư vấn Boston ở Pháp nhận định: “Ngày càng gia tăng mất cân bằng giữa phương thức châu Âu xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng, vũ trụ và hàng không với Mỹ, Trung Quốc".

Ông Plouvier nhấn mạnh Tổng thống Trump đã tăng chi tiêu quốc phòng của Mỹ đạt mức 700 tỷ USD trong năm 2019, trong khi đó nếu so sánh thì con số này ở năm 2002 là 200 USD. Trung Quốc trong khi đó cũng không kém, trở thành quốc gia chi tiêu quốc phòng lớn thứ hai trên thế giới, ở mức 250 tỷ USD.

Theo công ty phân tích của Anh là IHS Markit, 5 quốc gia châu Âu lớn gồm Đức, Pháp, Anh, Italy và Tây Ban Nha đã chi tổng cộng 200 tỷ USD cho quốc phòng trong năm 2018.

Việc châu Âu hình thành đối thủ đủ mạnh để cạnh tranh với các nhà thầu quốc phòng Mỹ không phải là điều đơn giản.

Năm 2012, Airbus và BAE Systems từng có ý định sáp nhập để tạo ra một “ông lớn” có sức mạnh tương đương các nhà thầu quốc phòng Mỹ nhưng Đức không đồng tình và dự án này chìm xuống.

Các nhà phân tích còn nêu ra vấn đề khiến châu Âu chậm chân về chi tiêu quốc phòng, đó là hạn chế trong cấp vốn cho phát triển công nghệ mới then chốt.

Ông Plouvier cho rằng: “Khi so sánh Airbus, Safran hay Thales với các doanh nghiệp khác của Mỹ có thể thấy các công ty châu Âu có lợi nhuận lớn hơn. Tuy nhiên doanh nghiệp châu Âu không thu được nhiều tiền bởi đã dùng phần lớn lợi nhuận đầu tư vào mở rộng”.

Dòng tiền tự do của Airbus trong một năm rơi vào khoảng 4 tỷ USD trong khi Boeing đạt mốc 12 tỷ USD.

Do vậy, ông Plouvier nói: “Nếu không có vốn, bạn không thể hiện đại hóa, điều này đồng nghĩa với hạn chế trong tự cấp tài chính cho nghiên cứu hoặc chuyển đổi công nghệ, như vậy là chưa chuẩn bị đúng đắn cho tương lai”.

Các công ty châu Âu còn phải chấp nhận mức lợi nhuận thấp trong các dự án quốc phòng, đặc biệt là khi những quốc gia thuộc Lục địa già đắn đo về số tiền cần phải chi khi các dự án vượt quá ngân sách.

Ví dự Airbus đã phải dành 2 năm đàm phán với chính phủ mới được phép ngừng dự án máy bay vận tải quân sự A400M do gặp khó khăn trong sản xuất dẫn đến vượt quá ngân sách.

Trong khi đó, các công ty Mỹ có thể sử dụng tiền thu từ dự án quân sự để giảm giá thiết bị hàng không vũ trụ thương mại, gây áp lực lên các đối thủ châu Âu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại