Thời điểm phóng robot tự hành ExoMars lên sao Hỏa bị hoãn do xung đột Ukraine
Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) và ESA hợp tác thực hiện chương trình phát triển robot tự hành ExoMars, với mục tiêu tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa.
Việc phóng robot này dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới, nhưng bị hoãn hồi tháng 3, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở quốc gia láng giềng.
Sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine và phương Tây áp hàng loạt biện pháp trừng phạt , ESA quyết định chấm dứt hợp tác với Roscosmos trong dự án chung, Tổng giám đốc ESA Josef Aschbacher thông báo trên Twitter.
Ông Aschbacher cho biết sẽ thông báo thêm về tương lai của sứ mệnh này vào ngày 20/7.
ESA cân nhắc hợp tác nhiều hơn với Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sau khi xác định cần cắt đứt quan hệ với Nga, ông Aschbacher cho biết.
“Về địa - chính trị, rõ ràng chúng ta cần cắt đứt quan hệ với Nga, và quyết định này đã được các quốc gia thành viên đưa ra. Vì thế, thật không may cho ngành khoa học công nghệ và những kỹ sư đã làm việc trong dự án trong suốt 4 thập kỷ. Nhưng chúng ta không còn lựa chọn”, ông nói.
Tàu tự hành ExoMars còn gọi là Rosalind Franklin, được đặt tên theo một nhà khoa học đáng kính đã có công giải mã cấu trúc phân tử ADN.
Sứ mệnh của robot sẽ là khoan các lỗ sâu khoảng 2m để lấy mẫu phục vụ nghiên cứu ngay trên tàu. ExoMars dự kiến có thể di chuyển từ 50 – 100m mỗi ngày trên sao Hỏa. Theo NASA, thời gian trên sao Hỏa dài hơn 1 giờ đồng hồ so với thời gian trên Trái đất.