Châu Á rơi vào cuộc đua vũ trang vì Nhật Bản mua thêm 105 tiêm kích F-35 của Mỹ?

Minh Thu |

Giới phân tích nhận định, việc Nhật Bản quyết định mua thêm 105 tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ có thể khuấy động một cuộc chạy đua vũ trang mới ở châu Á.

Hôm 27/5, trong chuyến thăm 4 ngày tới Nhật Bản, Tổng thống Donald Trump xác nhận Nhật Bản có ý định mua thêm 105 chiến đấu cơ tàng hình thứ 5 của Mỹ là F-35.

“Nhật Bản mới chỉ thông báo ý định mua thêm 105 chiến đấu cơ tàng hình F-35. Bởi vì là tàng hình nên thực tế, các ngài không thể nhìn thấy được. Thương vụ này sẽ đưa Nhật Bản trở thành đồng minh của Mỹ sở hữu số lượng F-35 nhiều nhất”, Tổng thống Trump phát biểu tại Cung điện Akasaka của Nhật Bản.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), trên thực tế, việc mua thêm 105 tiêm kích F-35 không những giúp Nhật Bản tái khẳng định vai trò là người dẫn dắt an ninh hàng đầu trong khu vực, mà còn tạo ra thách thức mới cho quân đội Trung Quốc, lực lượng đang ngày càng mở rộng sự hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong những năm gần đây.

Ngoài Nhật Bản, hơn 10 quốc gia đồng minh khác của Mỹ cũng đã đặt mua các chiến đấu cơ F-35. Cụ thể, chính phủ Australia đã quyết định chi ngân sách 17 tỷ USD để mua 72 chiếc F-35 từ Mỹ và Hàn Quốc đặt hàng 40 chiếc F-35. Thậm chí, Tập đoàn Lockheed Martin, đơn vị sản xuất F-35, còn cho biết Seoul sẽ mua thêm 20 chiếc F-35.

Lâu nay, Washington và Tokyo có cùng chung nỗi lo về việc Bắc Kinh mở rộng hoạt động quân sự. Do đó, cách đây 3 năm, Nhật Bản đã cho công bố chiến lược chính sách đối ngoại mới “Tự do và Mở cửa ở Ấn Độ - Thái Bình Dương” nhằm thúc đẩy thi hành “các quy định luật pháp, tự do hàng hải và tự do thương mại” trong khu vực.

Mối quan ngại của Washington được thể hiện qua bản báo thường niên của Quốc hội Mỹ. Nội dung bản báo cáo cảnh báo “trong những thập niên tới, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tập trung vào sức mạnh và sự thịnh vượng của quốc gia khi nắm trong tay đội quân ‘tầm cỡ quốc tế’’ nhằm bảo vệ vị thế của Trung Quốc là một cường quốc”.

Giới quan sát quân sự thì cho rằng, thương vụ mua 105 F-35 của Nhật Bản cùng kế hoạch hiện đại hóa hạm đội tàu sân bay trực thăng lớp Izumo sẽ tạo ra mối đe dọa cho “cuộc chơi” của Trung Quốc ở Biển Đông .

Dù không phải là một quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Nhật Bản xem đây là tuyến đường vận tải biển đóng vai trò thiết yếu đối với quốc gia.

Ông Zhou Chenming, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh chia sẻ, “thương vụ F-35 có thể giúp Nhật Bản đối phó trước những mối đe dọa từ Trung Quốc . Đây cũng là một phần quan trọng trong chiến lược chèn ép của Mỹ. Nhưng thương vụ F-35 sẽ gây ra sự rối loạn cho cán cân sức mạnh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương khi Nhật Bản sở hữu số lượng lớn F-35”.

Giới phân tích cho biết thêm, dù các chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 J-20 giúp Trung Quốc chiếm ưu thế trong cuộc đua sở hữu tiêm kích tàng hình nhưng trên thực tế, Trung Quốc đang phải đối mặt với những vấn đề liên quan tới động cơ máy bay kể từ khi J-20 được triển khai hoạt động vào năm 2017.

Đây là lý do việc Nhật Bản mua thêm 105 tiêm kích F-35 sẽ càng làm tăng thêm sức ép và buộc Trung Quốc tăng tốc cũng như cải thiện chương trình phát triển J-20.

Ông Zhang Baohui, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương tại Đại học Lingnan ở Hong Kong cho hay, “nếu Nhật Bản mua các chiến đấu cơ F-35B và triển khai trên tàu sân bay trực thăng, tình hình Biển Đông sẽ có nhiều biến động. Hiện tại Nhật Bản cũng đã có kế hoạch đưa F-35B lên hoạt động trên các tàu sân bay”.

Đồng quan điểm trên, Giáo sư Ryo Hinata-Yamaguchi tại Đại học Quốc gia Pusan của Hàn Quốc cho biết, “trong bối cảnh Nhật Bản muốn nâng cấp các tàu sân bay trực thăng lớp Izumo với khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, thì F-35B là lựa chọn duy nhất”.

Cũng theo ông Yamaguchi, thương vụ F-35 là nhằm “tăng cường năng lực của Nhật Bản để chiếm ưu thế trên không và trên biển. Đây là năng lực phòng thủ thiết yếu để Nhật Bản bảo vệ các đảo”.

Ngoài ra, ông Yamaguchi chi hay thương vụ F-35 còn là minh chứng cho mối quan hệ liên quân ngày càng thân thiết giữa Washington và Tokyo cũng như cải thiện năng lực phối hợp hành động chung.

Châu Á rơi vào cuộc đua vũ trang vì Nhật Bản mua thêm 105 tiêm kích F-35 của Mỹ? - Ảnh 1.

Nhật Bản có kế hoạch hiện đại hóa các tàu sân bay trực thăng.

Ông Song Zhongping, chuyên gia phân tích quân sự ở Hong Kong chia sẻ, “thương vụ mua thêm 105 tiêm kích F-35 chắc chắn sẽ tạo ra một cuộc đua vũ trang trong khu vực và thúc đẩy Trung Quốc tăng tốc phát triển cũng như triển khai các chiến đấu cơ tàng hình tối tân mà quân đội nước này nắm trong tay để đối phó trước sự hiện diện của quân đội Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực”.

“Nhật Bản hiện cần nâng cấp phi đội không quân lỗi thời với 200 chiếc F-15 đang gần bước vào giai đoạn loại biên. Trong khi đó, nhiều quốc gia khác cũng đang sở hữu nhiều thế hệ chiến đấu cơ tối tân mới. Nói cách khác, mọi diễn biến sẽ dẫn tới thời kỳ mới của các chiến đấu cơ tàng hình”.

Chuyên gia an ninh hàng hải Collin Koh tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore nhận định, F-35 sẽ giúp Nhật Bản nắm ưu thế lớn trong cuộc đua sở hữu các chiến đấu cơ tàng hình.

“Nhật Bản sẽ trở thành một trong những lực lượng không quân trang bị vũ khí hiện đại nhất trong khu vực và trên thế giới”, ông Koh nói.

Cũng the ông Koh, ngoài mối lo ngại từ Trung Quốc, Nhật Bản còn tính tới cả Triều Tiên.

“Động thái của Nhật Bản được xem là phản ứng của quốc gia này trong thời gian gần đây trước cái gọi là môi trường an ninh ngày càng khắc nghiệt không chỉ vì Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa thông qua việc triển khai các chiến đấu cơ thế hệ mới như J-20 mà còn là từ mối đe dọa Triều Tiên ”, ông Koh kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại