Châu Á “bạo tay” mua sắm vũ khí

Hoa Vinh |

Với lý do từ các mối đe dọa khủng bố, xung đột vũ trang, sự trở lại của cuộc cạnh tranh sức ảnh hưởng trên trường quốc tế đã thúc đẩy “một cuộc chạy đua vũ trang trên toàn thế giới”, với mức chi kỷ lục năm 2016 là 1.568 tỷ USD, theo nhật báo kinh tế Les Echos (Pháp).

Theo nhận định của trang mạng Trường nghiên cứu quốc tế RSIS (Singapore) mới đây, châu Á hiện nay dường như đã trở thành thị trường tiêu thụ vũ khí lớn nhất thế giới.

1. Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), một tổ chức nghiên cứu chính sách, gần đây công bố dữ liệu cho thấy rằng lượng chuyển giao vũ khí hạng nặng giai đoạn 2012-2016 đã đạt mức cao nhất so với bất kỳ giai đoạn 5 năm nào kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Câu hỏi được đặt ra là vào thời điểm thương mại quốc tế sụt giảm, tại sao thị trường vũ khí toàn cầu lại hoạt động tốt đến vậy?

Các báo cáo chỉ rõ, sau nhiều thập kỷ duy trì hoặc giảm chi phí quân sự, cuộc đua vũ trang quay trở lại vào giữa năm 2015 với số tiền đầu tư vào lĩnh vực này lên đến 1.676 tỷ USD, tương đương 2,3% GDP của toàn thế giới, theo thẩm định của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Sipri. Trong đó, riêng Mỹ chiếm 40%, với khoảng 622 tỷ USD.

Sau 15 năm tương đối giải trừ vũ khí, châu Âu chuyển sang chiến lược phòng thủ vì “thời kỳ vô lo đã chấm dứt”, như lời cảnh báo vào cuối tháng 12-2016 trên tờ Les Echos của Tham mưu trưởng quân đội Pháp, Tướng Pierre de Villiers.

Trong khu vực Liên minh châu Âu, hiện chỉ có bốn nước trên tổng số 28 nước thành viên tôn trọng mục tiêu 2% GDP dành cho quốc phòng do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ấn định. Nếu các nước khác cũng tuân theo mục tiêu trên, tổng chi phí của toàn khối sẽ ở mức 100 tỷ USD hàng năm.

Tại khu vực Trung Đông, các nước vùng Vịnh liên tục tăng số lượng đơn đặt hàng vũ khí để đối phó với tình hình bất ổn trong vùng do khủng bố thánh chiến và cuộc chạy đua vũ trang giữa Saudi Arabia đứng thứ 5 trên thế giới với 48,6 tỷ USD và theo sau là Iran.

Các nước vùng Bantic cũng muốn tăng đầu tư cho quốc phòng, đứng hàng thứ 6 trên thế giới về chi phí quốc phòng với khoảng 48 tỷ USD.

Từ năm 2008, Nga đã thúc đẩy kế hoạch hiện đại hóa quân đội để chiếm lại vị thế cường quốc quân sự. Thế nhưng, theo nhật báo Les Echos, hiện tượng tăng ngân sách quân sự một cách chóng mặt lại diễn ra ở châu Á. Tổng chi phí quốc phòng của châu Á cao hơn 100 tỷ USD so với tổng chi của toàn Liên minh châu Âu.

2.Theo nhận định của trang mạng Trường nghiên cứu quốc tế RSIS (Singapore) mới đây, châu Á hiện dường như đã trở thành thị trường tiêu thụ vũ khí lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, khu vực này cũng đang có nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại vũ khí tinh vi hiện đại. Đây là điều tốt đối với các doanh nghiệp quốc phòng của Mỹ và Trung Quốc, là những quốc gia cung cấp vũ khí lớn nhất cho khu vực châu Á.

Châu Á “bạo tay” mua sắm vũ khí - Ảnh 1.

Vũ khí thông thường được mua bán ngày một nhiều hơn ở một số nước châu Á.

Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế (SIPRI) gần đây đã công bố số liệu về các thỏa thuận mua bán vũ khí toàn cầu trong năm 2017, trong đó khẳng định châu Á (bao gồm cả khu vực tiểu lục địa Ấn Độ) và khu vực châu Đại Dương tiếp tục là thị trường vũ khí lớn nhất thế giới trong một thập kỷ qua.

Theo SIPRI, châu Á chiếm phần lớn (42%) toàn bộ các thương vụ mua bán và chuyển giao vũ khí thế giới trong giai đoạn 2013-2017, vượt xa khu vực Trung Đông (cũng là một thị trường mua bán vũ khí lớn của thế giới với tỷ lệ 32%).

Trong khi thị phần tại khu vực này có sự giảm nhẹ so với giai đoạn từ năm 2008 đến 2012 (khi khu vực này chiếm tới 46%), các thương vụ mua bán vũ khí của châu Á trên thực tế gần đây đã tăng, tương ứng với việc các mặt hàng vũ khí xuất khẩu toàn cầu tăng cao.

Những quốc gia mua vũ khí nhiều nhất của thế giới cũng thuộc châu Á. Theo SIPRI, trong giai đoạn 2013-2017, 5/10 nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Australia, Pakistan.

Trên thực tế, chỉ riêng Ấn Độ đã chiếm 12% tổng các vụ chuyển giao vũ khí trong giai đoạn này và tiếp tục duy trì vị trí quốc gia mua sắm vũ khí lớn nhất thế giới trong vài năm qua (vượt qua cả Saudi Arabia). Trong giai đoạn 2013-2017, lượng vũ khí nhập khẩu của Ấn Độ đã tăng tới 24% so với giai đoạn 2008-2012.

Tất cả các thương vụ vũ khí nói trên xuất phát từ bối cảnh tiếp tục có xu hướng gia tăng chi tiêu quân sự trong khu vực này. Cũng theo SIPRI, chi tiêu quân sự tại châu Á và châu Đại Dương trong năm 2017 đã tăng 3,6% so với năm 2016 và cao hơn tới 59% so với một thập kỷ trước đây. Hai trong số những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng này là Mỹ và Trung Quốc.

SIPRI cho hay, Mỹ đã giành được 34% thị phần vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2013-2017, vượt xa Nga (nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới với thị phần 22%). Trong năm 2017, các thương vụ chuyển giao vũ khí của Mỹ đã đạt số lượng lớn nhất trong vòng 20 năm qua.

Ngoài ra, xuất khẩu vũ khí của Mỹ trong giai đoạn 2013-2017 đã tăng tới 25% so với giai đoạn 2008-2012, nới rộng khoảng cách giữa nước này với các quốc gia xuất khẩu vũ khí khác.

Châu Á tiêu thụ 1/3 các mặt hàng vũ khí xuất khẩu của Mỹ trong giai đoạn 2013-2017. Trong khi Nga vẫn vượt qua Mỹ xét về tổng lượng vũ khí bán tại châu Á (chiếm tới 34% tổng lượng vũ khí được chuyển giao cho khu vực này), Mỹ đã bắt đầu “cướp được” những khách hàng truyền thống của Moscow trong khu vực. Mỹ cũng đã trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai của New Delhi.

Trên thực tế, giữa giai đoạn 2008-2012 và giai đoạn 2013-2017, lượng vũ khí Ấn Độ mua từ Mỹ tăng tới 557%. Indonesia (nước đã mua các máy bay chiến đấu của Nga) cũng đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí của nước này, và nước hưởng lợi cũng là Mỹ.

Trung Quốc cũng được lợi từ xu hướng gia tăng mua sắm vũ khí tại châu Á. Lượng mặt hàng vũ khí chính xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng 38% trong giai đoạn 2013-2017 so với giai đoạn 2008-2012, đồng thời chiếm tới 5,7% thị phần vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2013-2017 (mặc dù điều này mới chỉ giúp nước này đứng ở vị trí thứ 5, sau Mỹ, Nga, Pháp và Đức).

Lấy Trung Quốc là một ví dụ sẽ thấy, tại quốc gia này, do được thúc đẩy bởi nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng và ngành công nghiệp quốc phòng ngày càng phát triển mạnh mẽ, quân đội Trung Quốc tiếp tục đưa vào số lượng lớn trang thiết bị quân sự ngày càng tinh vi và có năng lực lớn hơn, không chỉ sử dụng trong nước, nước này đã xuất khẩu một lượng lớn vũ khí ra ngoài.

Ví dụ, hải quân Trung Quốc những năm qua liên tục đưa vào sử dụng hàng chục tàu chiến mới với năng lực ngày càng lớn, những vũ khí và hệ thống cảm biến tiên tiến hơn.

Theo tờ The Diplomat, công cuộc hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc còn bao gồm cả việc nâng cấp các trang thiết bị cũ. Không chỉ dành nguồn lực cho việc sản xuất mới, quân đội Trung Quốc còn đầu tư cho việc nâng cấp các vũ khí hạng nặng hiện có. Với việc nâng cấp các phương tiện hiện có, quân đội Trung Quốc hiện có năng lực lớn hơn so với cách đây chỉ vài năm.

Hầu hết các khách hàng vũ khí lớn nhất của Trung Quốc cũng ở khu vực châu Á, và trong giai đoạn 2013-2017, châu Á chiếm tới 72% tổng lượng vũ khí được chuyển giao.

Hai nước mua nhiều vũ khí nhất của Trung Quốc là Pakistan và Bangladesh, chiếm tới hơn 50% tổng lượng vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc. Pakistan, trên thực tế, đang mua khoảng 70% tổng lượng vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng đã giành được những thương vụ ấn tượng, bao gồm những thỏa thuận xuất khẩu 8 tàu ngầm lớp Yuan tới Pakistan và 3 tàu ngầm cùng loại tới Thái Lan.

Trung Quốc cũng đã bán xe tăng cho Myanmar và các tên lửa chống hạm cho Indonesia, xuất khẩu các thiết bị bay không người lái có vũ khí tới Iraq, Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất, Nigeria và Ai Cập.

Đồng thời, Trung Quốc cũng đang bắt đầu giảm lượng vũ khí nhập khẩu trong bối cảnh ngành công nghiệp quốc phòng trong nước tiếp tục được cải thiện và phát triển, chế tạo ra nhiều hệ thống vũ khí quân sự có sức cạnh tranh trên toàn cầu.

Thực tế đây là tin xấu trong cuộc đua dài hơi đối với Nga, vốn đang lý giải cho tất cả các vụ mua sắm vũ khí Trung Quốc. Tất nhiên, các thương vụ vũ khí sắp tới vẫn còn là vấn đề của tương lai chứ không phải quá khứ.

Tuy nhiên, đối với thị trường vũ khí tại châu Á, quãng thời gian 5 năm tới nhiều khả năng vẫn sẽ diễn ra tương tự như 5 năm qua. Những căng thẳng trong khu vực, trong tiểu lục địa Ấn Độ, các khu vực biển, và nhất là trên và xung quanh bán đảo Triều Tiên sẽ tiếp tục định hướng, định hình việc gia tăng chi tiêu quốc phòng, gây tác động tới các thương vụ vũ khí trong khu vực.

Do vậy, châu Á sẽ tiếp tục nỗ lực để có thể được sở hữu những vũ khí, khí tài mới và hiện đại nhất của các nước. Đó là các loại máy bay chiến đấu, hệ thống phòng không và tàu hải quân.

Ngoài ra, các nước cũng sẽ xuất hiện xu hướng tăng cường mua bán các hệ thống vũ khí mà trước đây hiếm khi được nhìn thấy tại châu Á như các tàu ngầm hiện đại hoặc các hệ thống pháo tên lửa phòng không vô cùng chính xác.

Những xu hướng nói trên phần nào cho thấy châu Á tiếp tục là một “thị trường phải có” đối với các nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Điều này cũng đòi hỏi các hãng chế tạo vũ khí hàng đầu thế giới - rất nhiều trong số này phụ thuộc lớn vào doanh số bán hàng nước ngoài để tồn tại - phải tiếp tục cải tiến sản phẩm, đáp ứng được các nhu cầu càng cao của khách hàng châu Á.

3. Có một điều hiển nhiên đó là những bất ổn về chính trị luôn kèm theo những khó khăn về kinh tế. Điều đó không chỉ được cảm nhận ở những diễn biến trên các thị trường, hay những lệnh trừng phạt trả đũa kinh tế đan xen, mà còn được thể hiện ở ngay những khoản chi phí khổng lồ của các đợt tấn công mà nước Mỹ đã phải bỏ ra, hay cái giá mà nước Nga phải trả khi tham gia vào cuộc nội chiến tại Syria.

Châu Á “bạo tay” mua sắm vũ khí - Ảnh 2.

Vũ khí Mỹ hiện diện ngày càng nhiều trong biên chế của nhiều nước châu Á. Ảnh: Time.

Theo các chuyên gia về quân sự, cuộc tấn công chỉ diễn ra trong một thời gian rất ngắn, có sử dụng tên lửa Tomahawak vào rạng sáng hôm 14-4, đã ngay lập tức “ngốn” của nền kinh tế lớn nhất thế giới 240 triệu USD và con số này nhiều khả năng sẽ chưa dừng lại tại đây.

Theo tờ Financial Times và các báo cáo độc lập, cuộc chiến ở Afghanistan đã tiêu tốn của Mỹ khoảng 1.000 tỷ USD, trong khi 1.700 tỷ USD là cái giá mà Mỹ phải trả cho cuộc chiến ở Iraq. Thậm chí, số liệu thống kê các khoản chi phí vẫn chưa dừng lại khi mà Washington vẫn tiếp tục phải chi trả các khoản phúc lợi xã hội cho cựu chiến binh trở về từ các chiến trường này.

Trong khi đó, tại Nga, các lệnh trừng phạt kinh tế từ Mỹ và phương Tây liên quan cũng đang làm nền kinh tế nước này ảnh hưởng lớn, xuất khẩu vũ khí cũng là cách để tạo ra một nguồn thu lớn hơn cho ngân sách.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại