ChatGPT: Cơ hội đổi mới giáo dục

Phương liên |

Mặc dù mới xuất hiện từ cuối tháng 11/2022, và rộ lên trong đầu năm nay, nhưng ứng dụng ChatGPT nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận. Mà không chỉ gây sự chú ý, bàn luận, số người đăng ký sử dụng ChatGPT cũng tăng cao từng giờ. Trong đó, một chủ đề được nêu ra để thảo luận đó là ChatGPT liệu có phải là một mối lo, hay là cơ hội đổi mới giáo dục?

ChatGPT: Cơ hội đổi mới giáo dục - Ảnh 1.

Ứng dụng ChatGPT có thể trả lời bất cứ câu hỏi nào khi người dùng yêu cầu.

Mối đe dọa mới của giáo dục?

Khi ChatGPT xuất hiện và thu hút hàng triệu người dùng trên toàn thế giới mỗi ngày, thì chủ đề “ChatGPT ảnh hưởng như thế nào với giáo dục?” cũng được đưa ra thảo luận. Bởi vì khác với các công cụ chat thông thường, ứng dụng trí tuệ nhân tạo này có khả năng trả lời bất cứ câu hỏi nào mà người dùng nêu ra, thậm chí có thể viết một bài luận về bất cứ chủ đề gì được yêu cầu.

Điểm hấp dẫn của ChatGPT là khả năng trả lời đa dạng câu hỏi ở nhiều lĩnh vực, từ câu hỏi liên quan đến tri thức cho đến việc tạo ra nội dung theo yêu cầu, như kịch bản phim, hay thậm chí lập trình, sửa lỗi. Sự đối thoại thông minh của siêu AI này cũng như khả năng cập nhật dữ liệu để “tự hoàn thiện” với các ngôn ngữ khác nhau đang khiến nhiều người tò mò có, lo ngại có.

Khảo sát của chúng tôi với một số sinh viên gặp ngẫu nhiên ở ngoài xã hội cũng như trên mạng xã hội đều bày tỏ sự hào hứng với sản phẩm mới này. Một số bạn trẻ đã cài đặt ứng dụng này trong điện thoại, và coi như một app mới vừa có thể chơi vừa có thể học. “Với các câu hỏi về công thức Toán, Lý, Hóa thì em thấy câu trả lời nhanh và độ chính xác cao. Tuy nhiên, khi em thử yêu cầu ChatGPT viết một đoạn văn thì dường như công nghệ này sử dụng tiếng Việt chưa thành thạo”, Minh - một học sinh lớp 12 ở Hà Nội, chia sẻ.

Với những nhóm người dùng khác, ChatGPT mang lại những hiệu quả đáng kinh ngạc. Một người thử dùng ChatGPT để thiết kế chương trình học cho học sinh và chỉ mất 6 phút để soạn một giáo án dài 6 trang mà giáo viên có thể sử dụng ngay, với chất lượng khá. Để ra một kết quả tương tự, team soạn giáo án có thể sẽ tốn ít nhất 1-2 buổi suy nghĩ và vài chục giờ làm việc.

Tương tự, trong bài viết công bố tuần qua, GS Trương Nguyện Thành nêu dẫn chứng sinh động: “Tôi làm một ví dụ yêu cầu ChatGPT viết một bài luận để làm hồ sơ xin học ngành công nghệ thông tin AI ở đại học Mỹ dựa trên một số yếu tố cá nhân tôi nêu qua những gạch đầu dòng. ChatGPT viết một bài luận hay hơn khả năng tôi có thể viết. Điều ngạc nhiên qua kiến thức về những bài tự luận mà nó đã học, nó đánh giá thông tin về việc tôi giỏi toán không đủ mạnh. Nó tự chế ra một yếu tố hoàn toàn giả tạo nhưng có khả năng tăng tính cạnh tranh của hồ sơ xin vào đại học cho tôi”. Từ dẫn chứng đó, GS Thành quả quyết: “Như thế việc giải quyết vấn đề trong cuộc sống thì trách nhiệm của con người giờ chỉ còn đánh giá các giải pháp mà AI đề xuất, yêu cầu AI thay đổi và hoàn chỉnh sau đó quyết định sử dụng hay triển khai. Còn các vấn đề khác thì AI có thể hoàn tất hiệu quả và nhanh chóng hơn con người nhiều”.

TS Đặng Minh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ CMC ATI cho rằng: "ChatGPT tạo được mối quan tâm lớn bởi lần đầu có một sản phẩm AI được giới thiệu rộng rãi, trí tuệ nhân tạo nhưng đem đến cảm giác rất gần trí tuệ của con người". Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng đánh giá những sản phẩm mới như ChatGPT đều có tính hai mặt.

Về mặt tốt, người dùng có thể tận dụng AI để thu thập thông tin kiến thức, nhờ gợi ý các ý tưởng theo dữ liệu mà ChatGPT được huấn luyện. Giải pháp của OpenAI có thể giúp tiết kiệm thời gian bằng cách trả lời nhanh, đi thẳng vấn đề, thay vì đưa ra danh sách đường link và người dùng phải tự tổng hợp như khi sử dụng Google.

Ngược lại, đây cũng có thể trở thành vấn đề nguy hiểm nếu câu trả lời sai sót về mặt thông tin. "ChatGPT chỉ là một mô hình ngôn ngữ, có thể trả lời sai hoặc chưa chính xác, không có link dẫn nguồn để minh chứng kết quả đưa ra", ông Tuấn nói. Ngoài ra, trong những cuộc trò chuyện, ChatGPT không hiểu bối cảnh hoặc cảm xúc của người dùng, nên có thể trả lời không phù hợp hoặc gây tác động xấu đến trải nghiệm. ChatGPT vẫn chưa phải là sản phẩm hoàn thiện.

Lo ngại việc lạm dụng ChatGPT sẽ dễ làm cho học sinh, sinh viên lười suy nghĩ và phụ thuộc hoàn toàn vào ứng dụng này, dẫn đến thụ động trong việc học bởi hiện nhiều trường học ở Mỹ, Austraila… đã cấm học sinh sử dụng ChatGPT và một số chatbot AI khác có khả năng tạo lập văn bản như bài luận, bài kiểm tra. Mối lo về sự “gian lận tri thức” bắt đầu được đặt ra trong trường học.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), các bạn học sinh và sinh viên không nên lạm dụng ChatGPT. “Điều cốt yếu là trước khi dùng ChatGPT, học sinh, sinh viên cần xác định rằng mục đích sử dụng của mình là gì, để từ đó không bị lệ thuộc vào AI này, làm mất dần khả năng tư duy khoa học và phản biện cũng như động lực học tập”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

ChatGPT: Cơ hội đổi mới giáo dục - Ảnh 2.

Ứng dụng ChatGPT trả lời câu hỏi về giáo dục bằng tiếng Việt.

Hãy coi là một cơ hội thay đổi

Một số chuyên gia giáo dục khác thì cho rằng, nếu biết cách khai thác ChatGPT, đây sẽ trở thành công cụ hỗ trợ rất tốt trong đời sống, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Ngược lại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo này có thể khiến các giáo viên khó kiểm soát người học, còn học sinh, sinh viên sẽ rơi vào tình trạng ngại tư duy do phụ thuộc vào ChatGPT.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, không nên lo ngại và cũng đừng cấm đoán, hạn chế sử dụng ChatGPT. Thay vào đó, chúng ta thay đổi cách giáo dục. Giáo viên sẽ phải làm việc nhiều hơn, vất vả hơn, đòi hỏi tư duy sáng tạo hơn để yêu cầu học sinh, sinh viên của mình làm những bài tập mà không thể dựa vào những công cụ trí tuệ nhân tạo.

Quay ngược thời gian, cuối thế kỷ trước, khi internet xuất hiện ở Việt Nam, nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự lo lắng. Vì thế, cần phải bình tĩnh trước ChatGPT. PGS.TS Trần Thành Nam tin rằng, ChatGPT sẽ thay thế những giáo viên truyền thống, dạy theo tiếp cận nội dung. Lên lớp chủ yếu dành thời gian để kể về các sự kiện, cung cấp thông tin đơn thuần.

Nhưng, cũng theo vị chuyên gia này, ChatGPT sẽ không thay thế được giáo viên hiện đại, những giáo viên dạy học theo cách tiếp cận dựa trên năng lực, dạy học bằng cách đưa ra những câu hỏi kích thích sự tư duy sáng tạo, coi trọng tư duy phản biện trong quá trình kiểm tra đánh giá hơn là trí nhớ. ChatGPT cũng hoàn toàn không thể tạo được cảm hứng học tập.

Nó chỉ chỉ ra được các bước đi, các kết quả nhưng không thể hướng dẫn người học được cái quan trọng là những nhà khoa học đi trước đã tư duy như thế nào để giải quyết từng bước và đi đến kết quả cuối cùng.

Quan điểm này cũng trùng với suy nghĩ của GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Vị chuyên gia giáo dục này cho rằng sự tiến bộ của công nghệ là xu hướng tất yếu. Nếu chúng ta kìm hãm sự tiến bộ là một xu hướng rất lạc hậu. Vấn đề cần suy nghĩ là chúng ta sử dụng chúng như thế nào. GS Minh cũng cho rằng, trong giáo dục hay dạy học, không phải chỉ thuần túy dạy kiến thức, mà điều quan trọng là tìm ra khả năng để phát triển năng lực của mỗi người. Điều mà các loại công nghệ, ứng dụng khó có thể thay thế.

“Trong giáo dục, tính “người” là rất cao. Tôi nghĩ không điều gì thay thế được vai trò của người thầy. Vì vậy, chúng ta không nên quan ngại mà cần khuyến khích việc sử dụng các ứng dụng công nghệ một cách đúng đắn, nhân văn. Đó mới là điều cần thiết. Chứ không nên bảo các học trò đừng dùng mạng và các ứng dụng công nghệ. Giáo dục các em cách dùng văn minh mới là điều quan trọng”, GS Minh nhấn mạnh.

Còn GS Trương Nguyện Thành thì cho rằng, công cụ trí tuệ nhân tạo sẽ là một "cái não" thứ hai hoạt động với công suất cao hơn, một người bạn, một người thầy, một đồng nghiệp, một trợ lực tốt nhất có thể vì khả năng đáp ứng mọi nhu cầu sử dụng cho từng cá nhân. Lúc bấy giờ vai trò của người thầy cũng sẽ phải thay đổi một cách toàn diện.

Số người dùng tăng vọt

ChatGPT có tên đầy đủ là Chat Generative Pre-training Transformer (hay còn gọi tắt là chatbot) là công cụ hỏi đáp tự động được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) do Công ty Công nghệ OpenAI (Mỹ) phát triển. Ứng dụng này sử dụng kỹ thuật học máy có tên gọi Học tăng cường từ Phản hồi con người (RLHF). Chỉ sau một thời gian ngắn kể từ khi ra mắt, ChatGPT nhanh chóng “gây sốt” trên toàn cầu với hơn 1 triệu người đăng ký sau một tuần, và hiện tại đã có trên 100 triệu người dùng.

Theo thống kê của Ngân hàng đầu tư UBS, dựa trên dữ liệu từ Similar Web, ChatGPT, được OpenAI công bố cuối tháng 11/2022, thu hút 57 triệu người dùng sau một tháng ra mắt. Tuy nhiên, chỉ đến ngày 31/1, siêu AI đã đạt 100 triệu người dùng. Trung bình mỗi ngày trong tháng 1, nó có 13 triệu người truy cập. Ngày 2/2, OpenAI tung ra gói đăng ký 20 USD/tháng cho phiên bản ChatGPT Plus, cung cấp cho người dùng dịch vụ ổn định hơn, nhanh hơn cùng các tính năng tiên tiến so với bản miễn phí. Hiện ChatGPT Plus chỉ dành cho người dùng tại Mỹ và phải đăng ký trong danh sách chờ.

Tại Việt Nam, tuần qua, ChatGPT cũng gây sốt trong cộng đồng sử dụng mạng xã hội. Nhiều người tìm cách đăng ký và sử dụng ChatGPT…

Mặc dù mới ra mắt và chưa hoàn chỉnh, nhất là với ngôn ngữ tiếng Việt, song giới chuyên gia công nghệ và nhiều người sử dụng mạng xã hội thừa nhận đây là một sản phẩm cực kỳ thông minh, có khả năng “tự lớn”, “tự hoàn chỉnh” theo từng giờ, dựa trên dữ liệu của người dùng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại