CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 7 CỦA QUỐC HỘI: Nỗi lo về ô nhiễm, ngập lụt đô thị

Nhóm Phóng viên |

Những nội dung về bảo đảm an ninh nguồn nước, ô nhiễm môi trường, ngập lụt đô thị, được nhiều đại biểu nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 4-6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn đầu tiên đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Đặng Quốc Khánh. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đăng đàn trả lời chất vấn.

Lo an ninh nguồn nước

Đại biểu (ĐB) Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) và ĐB Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) lo ngại việc gia tăng tình trạng hạn hán, suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn; vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước cho sinh hoạt, đặc biệt là vùng khan hiếm nước ngọt là thách thức lớn và đề nghị bộ trưởng nêu giải pháp.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất về biến đổi khí hậu, trong đó có tác động đến nguồn nước, do đó phải có những giải pháp sớm để bảo đảm được an ninh nguồn nước.

Với khoảng 60% nguồn nước bị phụ thuộc ở nước ngoài, 40% là nguồn nước nội sinh, để bảo vệ được nguồn nước nội sinh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải tiếp tục bảo vệ rừng, trồng thêm rừng với dự án 1 tỉ cây xanh; tiếp tục sử dụng có hiệu quả nguồn nước; duyệt quy hoạch về tài nguyên nước và quy hoạch điều tra, đánh giá tài nguyên nước của quốc gia và nhiều giải pháp khác.

"Chúng ta cần tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động trong việc tích trữ nước, sử dụng tiết kiệm nước. Tiếp tục xử lý việc điều hòa, điều phối nguồn nước để bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia" - Bộ trưởng TN-MT nói và cho biết các bộ đã bàn bạc phương án chuyển dịch cơ cấu ngành để thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời tính đến "công trình, phi công trình", nghĩa là đồng bộ các công trình để giữ được nước ngọt.

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) về tình trạng sạt lở, sụt lún bờ biển, bờ sông đang bủa vây vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với mức độ phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất người dân trong vùng, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết biến đổi khí hậu tác động rất lớn, không chỉ sạt lở khu vực ĐBSCL mà khu vực miền núi phía Bắc, lũ lụt ở miền Trung cũng gây sạt lở rất lớn. "Chúng ta luôn luôn phải lường trước để có kế hoạch ứng phó".

Hiện bộ đang đánh giá trữ lượng cát, sỏi ở ĐBSCL; các địa phương cần rà soát lại quy hoạch, sắp xếp, bố trí lại dân cư tránh những nơi có nguy cơ cao sạt lở; xử lý việc lấn chiếm lòng sông, bờ sông để tránh thay đổi dòng chảy. Bộ TN-MT cũng chỉ đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn nâng cao hiệu quả dự báo, cảnh báo về sạt lở, sụt lún, nhiễm mặn.

Tham gia trả lời về nội dung này, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng cách thức sử dụng nước sẽ tác động tới số lượng nước và chất lượng nước. "Chúng ta chưa bao giờ xem nước là một tài nguyên, cứ nghĩ nước là vô hạn nhưng thật sự nước là tài nguyên hữu hạn" - Bộ trưởng nói và đề nghị cần có một "tuyên ngôn" với bà con nông dân ĐBSCL và cả nước rằng chúng ta không phải là một quốc gia dư thừa nước mà sẽ ngày càng khan hiếm hơn để ứng phó và có chiến lược tổng thể.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) chất vấn về tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng Ảnh: LÂM HIỂN

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) chất vấn về tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng Ảnh: LÂM HIỂN

Truy việc ngập đô thị

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) về những nguyên nhân gây ra ngập úng tại các đô thị, nhất là các đô thị lớn, Bộ trưởng TN-MT đồng thuận với nhận định của đại biểu là do các công trình bê tông, khu dân cư lấn chiếm ao, hồ.

Nêu lý do ở đô thị trước đây tại sao không ngập, ông Khánh cho biết là do có ao, hồ làm điều tiết, tích trữ nước khi mưa lớn, sau đó các hệ thống thoát nước chảy chưa kịp thì ao, hồ là nơi tích lũy. Do đó, muốn để chống ngập úng đô thị, chúng ta phải có nghiên cứu quy hoạch, xây dựng đô thị một cách bài bản, trong đó phải nâng cấp các hệ thống thoát nước, đặc biệt là những đô thị như Hà Nội và TP HCM cần có một hệ thống thoát nước đồng bộ và bài bản.

Tham gia cùng trả lời, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận tình trạng ngập úng đô thị hiện nay diễn ra rất phức tạp. Vì vậy, cùng với hoàn thiện pháp luật và cơ chế, chính sách có liên quan đến công tác thoát nước, xử lý nước thải; nâng cao chất lượng quản lý, quy hoạch, xây dựng quy hoạch đô thị; tập trung nguồn lực để xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) và ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) chất vấn về tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng. Đề nghị Bộ trưởng nêu kế hoạch và giải pháp trong việc hồi sinh các dòng sông chết.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thừa nhận những dòng sông như sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu, đặc biệt là các sông nội thành Hà Nội bị ô nhiễm nặng. Dù Bộ TN-MT và các địa phương tích cực triển khai các giải pháp "nhưng kết quả chưa cải tạo được bao nhiêu", bởi việc kiểm soát xả thải đối với cụm công nghiệp và làng nghề chưa xử lý được, do nguồn lực đầu tư hệ thống thu gom, xử lý.

Cho rằng việc thu gom, xử lý rác thải, tạo được dòng chảy các dòng sông cần có kế hoạch, sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các địa phương, ông Đặng Quốc Khánh đề nghị chính quyền phải tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp có ý thức tự giác trong bảo vệ môi trường vì "kiểm tra nhiều đến mấy cũng không thể hết". Bên cạnh đó, cần tạo dòng chảy tự nhiên cho các dòng sông để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bộ cũng sẽ tham mưu Chính phủ để báo cáo Quốc hội trong đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2026 - 2030) quan tâm đến việc xử lý các dòng sông ô nhiễm này với một nguồn lực tương đối lớn.

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) về giải pháp quản lý tốt nguồn phát thải, xả thải từ các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cũng như nước thải sinh hoạt, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết cả nước chỉ có khoảng 17% nước thải sinh hoạt được xử lý - tỉ lệ rất thấp. Ông đồng tình hoạt động hợp tác công - tư, xã hội hóa đầu tư các nhà máy xử lý nước thải, góp phần tăng cường xử lý chất thải đô thị. Bên cạnh đó, sẽ phối hợp địa phương, Bộ Công an xử lý nghiêm việc cố tình xả thải không đạt yêu cầu ra môi trường.

Đầu giờ sáng 5-6 đến 9 giờ, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, sau đó chất vấn Tổng Kiểm toán và Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch.

Không xuất khẩu đất hiếm thô

Trong tham gia giải trình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết tổng lượng đất hiếm ở Việt Nam chiếm 18% trên thế giới. Tuy nhiên, đây là thị trường hết sức phức tạp, chủ yếu do các nước lớn đang điều hành thị trường này. Do đó, việc khai thác đất hiếm này đã được Chính phủ chỉ đạo sát sao, đã có dự án điều tra, đánh giá trữ lượng các loại đất hiếm, xác định nguyên tắc dựa vào cung cầu của thị trường để khai thác; đáp ứng được công nghệ tuyển chọn và không xuất khẩu đất hiếm thô.

Về vấn đề sử dụng cát biển làm cao tốc, hiện nay Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã nghiên cứu đánh giá thử nghiệm về nguồn cát nhiễm mặn và ban hành các hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật về công nghệ khai thác, công nghệ san lấp, đánh giá tính chất cơ lý, sức bền vật liệu, tính ảnh hưởng môi trường. Kết quả thử nghiệm của Bộ GTVT cho thấy đã kiểm soát được vấn đề môi trường, ảnh hưởng không đáng kể đến môi trường.

ĐB Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình):

Bộ trưởng TN-MT nắm sát vấn đề

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đã thẳng thắn trả lời đi vào nội dung từng câu hỏi, giải thích ngắn gọn, đầy đủ, bám sát những vấn đề đại biểu quan tâm. Những nội dung trả lời cho thấy bộ trưởng đã nắm sâu sát, đầy đủ các vấn đề của ngành và trả lời thông minh những tranh luận của đại biểu.

Phần trả lời của Bộ trưởng cơ bản tạo sự hài lòng. Những nội dung chất vấn tập trung cơ bản về vấn đề bảo vệ nguồn nước, chống sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long, khai thác tài nguyên khoáng sản… những nội dung này qua tiếp xúc cử tri được cử tri quan tâm.

ĐB Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng):

Phiên chất vấn cởi mở, thẳng thắn

Trong phiên chất vấn, đã có hơn 100 đại biểu đăng ký chất vấn, tranh luận, đã thể hiện tinh thần cởi mở, thoải mái, thẳng thắn, có tương tác hai chiều, điều này rất quan trọng, cần tiếp tục phát huy ở các phiên tiếp theo.

Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh đã thể hiện sự nắm chắc vấn đề, tương đối bao quát những vấn đề của ngành, bám sát câu hỏi đại biểu và nêu ra được những giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Phần tranh luận của các đại biểu thể hiện mong muốn làm rõ hơn những giải pháp để sau chất vấn có hành động cụ thể hơn, hiện thực hóa được lời hứa Bộ trưởng.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại