Nội dung chất vấn về lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội bao gồm: giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.
Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung sẽ là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội.
Cùng với đó là thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay.
Giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm, chi sai chế độ…); công tác quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH);
Giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng cũng nằm trong nội dung chất vấn về nhóm vấn đề đầu tiên này.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Báo cáo gửi tới Quốc hội trước đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung viện dẫn báo cáo của BHXH Việt Nam, trong năm 2022 số người giải quyết hưởng BHXH một lần là 997.470 người (tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2021).
Giai đoạn 2016 - 2022, BHXH tại các tỉnh, thành đã giải quyết cho khoảng 4,84 triệu người hưởng BHXH một lần, trong đó số người quay trở lại đóng BHXH là 1,24 triệu người (chiếm tỷ lệ 27,7% số người hưởng).
Nguyên nhân của tình trạng hưởng BHXH một lần, do đa số người lao động có thu nhập không cao, khả năng tích lũy không nhiều dẫn đến khi mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt rất lớn.
“Hầu hết lao động trẻ có tâm lý chỉ quan tâm đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già”, lý do khác được ông Dung đưa ra là tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, dẫn đến nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh dẫn đến cắt giảm lao động…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu nhiều giải pháp, trong đó nhấn mạnh việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường lao động nhằm duy trì việc làm cho người lao động. Sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng thực sự là công cụ hiệu quả hơn.
Ngoài ra, cần tăng cường phát huy hiệu quả các chính sách nhằm giải quyết các khó khăn về tài chính trước mắt của người lao động như chính sách hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội…
Cũng theo báo cáo sơ bộ của BHXH Việt Nam, năm 2022, số người lao động mượn hồ sơ tư pháp mà cơ quan BHXH các địa phương đã phát hiện đến thời điểm hiện tại là 3.716 trường hợp.
Việc người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động là hành vi vi phạm nguyên tắc “trung thực” và vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động, đây là trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ.