Được gọi như "thần chết sa mạc" (Deathstalker), bọ cạp tử thần là một trong những loài bọ cạp nguy hiểm nhất trên hành tinh. Tuy nhiên, vũ khí khiến chúng trở nên rất nguy hiểm hóa ra lại là chất lỏng đắt giá nhất trên thế giới.
Theo đó, nọc bọ cạp có giá 39 triệu USD/gallon, tức là khoảng 10,3 triệu USD (40 tỷ đồng) cho mỗi lít. Dù vậy, hiện tại, ngay cả khi có tiền thì bạn cũng không thể mua được cả lít chất lỏng này vì nọc bọ cạp chỉ được bán theo một lượng rất nhỏ. Cụ thể, với 130 USD thì bạn có thể chỉ mua được một giọt nhỏ hơn cả hạt đường.
Tại sao nọc độc bọ cạp lại có giá tiền tỷ, nhiều tiền chưa chắc mua được cả lít?
Lý do đơn giản là vì nọc bọ cạp là thứ rất khó lấy. Trên thực tế, bọ cạp hầu như luôn được vắt nọc bằng tay với từng con một. Mặt khác, một con bọ cạp nhiều nhất chỉ có thể cho 2 miligram nọc trong một lần. Nếu làm một phép tính đơn giản thì việc nếu sở hữu một con bọ cạp thì bạn sẽ phải vắt nọc độc của nó 2,64 triệu lần để thu được đầy một gallon (khoảng 3,7 lít).
Tuy nhiên, bạn có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị nó đốt trong quá trình vắt nọc. Mặc dù vết đốt của bọ cạp tử thần không đủ mạnh để giết chết người khỏe mạnh nhưng rất đau.
Ông Steve Trim, nhà sáng lập công ty Venomtech, đồng thời là một trong số ít người có đủ dũng cảm để xử lý bọ cạp, nhận định: "Tôi coi vết đốt của bọ cạp gây đau đớn gấp hơn 100 lần so với ong đốt. Vì cơn đau là một trải nghiệm chủ quan và cảm tính nên thật khó để có được một định lượng chính xác. Nhưng chắc chắn rằng nó sẽ phá hỏng một ngày của bạn".
Nọc của bọ cạp rất khó lấy và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: BI
Sở dĩ người ta mong muốn có được loại chất lỏng chết người này là bởi vì bên trong nọc độc bọ cạp thực sự có rất nhiều các thành phần hữu ích giúp tạo ra những loại thuốc tiên phong mang tính đột phá.
Chẳng hạn, chlorotoxin được tìm thấy trong nọc độc của bọ cạp tử thần, có kích thước hoàn hảo để giúp liên kết với một số loại tế bào ung thư ở não và cột sống, hữu ích cho việc xác định kích thước và vị trí cụ thể của các khối u. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng sử dụng bọ cạp để giúp lại bỏ bệnh sốt rét ở muỗi.
Trong nọc bọ cạp có rất nhiều thành phần hữu ích. Ảnh: Earth Unplugged
Kalitoxin có trong nọc độc bọ cạp đã được tiêm thử nghiệm cho chuột để điều trị bệnh xương. Các nhà khoa học hy vọng sắp tới chất này cũng có tác dụng và hiệu quả ở người. Đây chỉ là một vào lợi ích trong y học mà các nhà nghiên cứu tìm thấy trong nọc độc bọ cạp. Trên thực tế, càng nghiên cứu thì họ lại càng phát hiện ra nhiều công dụng của nọc độc bọ cạp.
Điều này có nghĩa là nhu cầu về nọc độc thần kỳ này sẽ tiếp tục gia tăng. Do đó, các nhà khoa học hiện đang tìm cách để khai thác nọc độc bọ cạp nhanh hơn. Tương tự như một công ty ở Morocco đã phát minh ra cỗ máy điều khiển từ xa đầu tiên để giúp vắt nọc độc bọ cạp.
Cụ thể, cỗ máy này có thể vắt nọc của 4 con bọ cạp cùng lúc một cách an toàn. Nghe có vẻ là không nhiều, nhưng tốc độ của nó nhanh hơn gấp 4 lần con người.
Các chuyên gia hy vọng cỗ máy sẽ được đưa vào thị trường trong vài năm tới để giúp quá trình vắt nọc của bọ cạp diễn ra nhanh và an toàn hơn.
Tham khảo nguồn: BI