Với các fan của thể loại phim cổ trang Trung Quốc. Từ cung đấu cho đến kiếm hiệp đều đã "nhẵn mặt" từ lâu với hàng loạt những loại chất độc như hạc đỉnh hồng, đoạn trường thảo,... Các loại chất độc này có cái tên rất kêu, khiến khán giả nghe có vẻ xa lạ, thế nhưng thực tế chúng lại cực kỳ quen thuộc.
Hạc đỉnh hồng: Chất độc được ưa dùng trong phim cung đấu
Từ Hoàn Châu Cách Cách cho đến Như Ý Truyện, khán giả hẳn vẫn còn chưa quên những cái chết đầy đau đớn mỗi khi nhân vật nào đó bị ép uống hạc đỉnh hồng. Thoạt nghe tên chất độc, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến loại chim hồng hạc. Tuy nhiên, sự thật lại không phải vậy.
Xương và thịt hồng hạc đều lành tính, có thể kết hợp với dược liệu làm thuốc bồi bổ cơ thể. Thế nên, hạc đỉnh hồng không liên quan gì đến loài chim này mà là tên gọi mĩ miều của hồng thạch tín hay hùng hoàng đỏ, một loại khoáng vật Asen.
Vốn dĩ asen và các hợp chất của asen từ lâu đã được biết đến là rất độc hại. Theo Từ điển Bách khoa Dược học, chỉ cần một lượng asen bằng hạt ngô hòa vào nước cũng đủ để lấy mạng người. Vào thời xưa, thạch tín (một loại khoáng vật asen khác) cũng được dùng để đầu độc vì có tính dễ tan, khó phát hiện.
Người ngộ độc asen cấp tính thường có các triệu chứng như khô miệng, khó nuốt, đau bụng, buồn nôn, co giật...sau đó là tử vong trong vòng 24 giờ. Còn trường hợp nhiễm độc mãn tính, tức là tiếp xúc hoặc vô tình sử dụng nồng độ thấp liên tục trong thời gian dài sẽ dẫn đến các bệnh như rụng tóc, sút cân, giảm trí nhớ, ung thư...
Đoạn trường thảo: Cỏ đoạn trường nổi tiếng trong Thần điêu đại hiệp
Trong Thần điêu đại hiệp, chi tiết Dương Quá trúng độc hoa tình rồi được đại sư chỉ cách "dĩ độc trị độc" dùng cỏ đoạn trường để giải độc hẳn đã qua quen thuộc với các fan phim kiếm hiệp. Tuy nhiên, hẳn không nhiều người biết rằng cỏ đoạn trường mà nhà văn Kim Dung nhắc đến ở đây còn có cái tên dân dã là lá ngón.
Ngoài cái tên đoạn trường thảo, lá ngón còn được gọi là hồ mạn trường, đại trà đằng, hoàng đằng... Người ta cho rằng ăn lá này sẽ đứt ruột mà chết nên mới đặt tên là đoạn trường thảo (tức loại cỏ làm đứt ruột). Cây mọc nhiều ở các vùng rừng núi của Việt Nam, Lào, Malaysia... và Trung Quốc, chỉ cần ăn nhầm 3 lá cũng đủ gây tử vong.
Xạ hương: Át chủ bài của phim cung đấu
Khán giả thích xem phim cung đấu sẽ chẳng lạ gì với xạ hương – loại chất hay được dùng để hãm hại các phi tần mang thai. Xạ hương được chiết xuất từ tuyến nội tiết của loài hươu xạ đực, rất được ưa chuộng khi chế tạo dược phẩm, mỹ phẩm. Xạ hương tốt phải có mùi cay, tía đậm, khô, nhờn, nếm có vị đắng.
Ngoài công dụng giúp điều trị các bệnh thần kinh, tuần hoàn, tim phổi... xạ hương còn có tác dùng xuất nhau thai còn sót hoặc thai chết lưu trong tử cung. Vì vậy các biên kịch rất thích để nhân vật của mình sử dụng mưu kế lừa đối thủ tiếp xúc lâu dài với xạ hương để gây sảy thai.
Ở thời hiện đại, do mức độ quý hiếm của hươu xạ nên thành phần xạ hương trong nước hoa phần lớn đã được thay bằng chiết xuất cây xạ hương hoặc mùi hương nhân tạo, an toàn cho người sử dụng.